Có nên uống cà phê khi bụng đói không?

Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng nhưng có ý kiến cho rằng uống cà phê khi bụng đói sẽ gây hại cho sức khỏe.

Có nên uống cà phê khi bụng đói không?
Có nên uống cà phê khi bụng đói không?

Cà phê là một loại đồ uống được rất nhiều người ưa chuộng trên khắp thế giới.

Ngoài tác dụng giảm bớt mệt mỏi và tỉnh táo, caffeine trong cà phê còn giúp cải thiện tâm trạng, chức năng não bộ và hiệu suất hoạt động thể chất. Chất này còn hỗ trợ giảm cân và giảm nguy cơ một số bệnh tật như tiểu đường tuýp 2, bệnh Alzheimer và bệnh tim mạch. (1)

Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng nhưng có ý kiến cho rằng uống cà phê khi bụng đói sẽ gây hại cho sức khỏe.

Có đúng là như vậy hay không và nên uống cà phê vào thời điểm nào trong ngày?

Uống cà phê khi bụng đói có gây ra các vấn đề tiêu hóa không?

Nghiên cứu cho thấy vị đắng của cà phê có thể làm tăng sự sản xuất axit dạ dày. (2)

Do đó, nhiều người cho rằng cà phê gây kích thích dạ dày, điều này làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn đường ruột như hội chứng ruột kích thích (IBS) và gây ra chứng ợ nóng, viêm loét, buồn nôn, trào ngược axit, khó tiêu… Cũng vì lý do này nên cà phê được cho là sẽ càng gây hại nếu uống khi bụng rỗng vì lúc này không có thức ăn để ngăn axit làm hỏng niêm mạc dạ dày.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa cà phê và các vấn đề về tiêu hóa, bất kể uống khi bụng đói hay no. (3)

Đúng là đôi khi cà phê có thể làm tăng các triệu chứng ợ chua, đầy hơi hoặc khó tiêu nhưng điều này chủ yếu chỉ xảy ra ở những người cực kỳ nhạy cảm với cà phê. Còn ở đa số mọi người thì tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này vẫn không đổi bất kể uống cà phê vào thời điểm nào. (4)

Tất nhiên vẫn phải chú ý đến phản ứng của cơ thể. Nếu gặp các vấn đề về tiêu hóa sau khi uống cà phê lúc đói thì nên giảm bớt lượng cà phê và chỉ uống sau khi ăn.

Tóm tắt: Cà phê làm tăng sự sản xuất axit dạ dày nhưng không gây ra các vấn đề về tiêu hóa, kể cả khi uống lúc bụng đói.

Cà phê có làm tăng nồng độ hormone cortisol không?

Việc uống cà phê khi bụng đói còn được cho là sẽ làm tăng nồng độ hormone stress cortisol và điều này cũng gây hại.

Hormone cortisol được sản xuất bởi tuyến thượng thận và có chức năng điều chỉnh sự trao đổi chất, huyết áp cũng như là lượng đường trong máu. Tuy nhiên, nồng độ cortisol ở mức cao trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, ví dụ như giảm mật độ xương, tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch. (5)

Nồng độ cortisol đạt mức cao nhất vào khoảng thời gian sau khi thức dậy vào buổi sáng và giảm dần trong ngày rồi lại tăng cao trong giai đoạn đầu của giấc ngủ.

Cà phê kích thích cơ thể sản xuất cortisol. Đó là lý do khiến một số người cho rằng uống cà phê quá sớm vào buổi sáng – khi lượng cortisol trong cơ thể vốn đã ở mức cao – có thể gây hại.

Tuy nhiên, khi uống cà phê thường xuyên thì cơ thể sẽ “thích nghi” và mức độ sản xuất cortisol sau khi uống sẽ giảm dần. Một số nghiên cứu cho thấy ở những người có thói quen uống cà phê hàng ngày, lượng cortisol trong cơ thể trước và sau khi uống cà phê không hề thay đổi. Hơn nữa, chưa có bằng chứng nào cho thấy uống cà phê khi no sẽ làm giảm phản ứng này.

Và sự gia tăng nồng độ cortisol sau khi uống cà phê cũng chỉ diễn ra tạm thời. Nồng độ hormone này sẽ nhanh chóng trở về mức bình thường nên sẽ không gây ra bất kỳ tác hại nào đến sức khỏe về lâu dài. (6)

Nồng độ cortisol cao chỉ gây hại khi tiếp diễn liên tục, mạn tính, ví dụ như ở những người bị hội chứng Cushing.

Tóm tắt: Cà phê có thể tạm thời làm tăng mức hormone stress cortisol. Tuy nhiên, điều này không gây ra các vấn đề về sức khỏe, bất kể uống cà phê lúc đói hay lúc no.

Các tác hại khác của cà phê

Cà phê có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến sức khỏe, kể cả uống lúc no. Ví dụ, caffeine trong cà phê có thể gây nghiện.

Lý do là bởi uống cà phê thường xuyên có thể làm thay đổi các chất hóa học trong não và khiến chúng ta ngày càng phải tiêu thụ nhiều hơn.

Tuy nhiên, uống quá nhiều có thể dẫn đến hiện tượng hồi hộp, bồn chồn, tim đập nhanh và thậm chí là đau đầu, tăng huyết áp ở một số người.

Vì lý do này nên các chuyên gia khuyến nghị nên giới hạn lượng caffeine tiêu thụ ở mức khoảng 400 mg mỗi ngày, tương đương với 4 – 5 cốc (0.9 – 1 lít) cà phê. (7)

Vì tác dụng tạo sự tỉnh táo của caffeine có thể kéo dài lên đến 7 tiếng ở người lớn nên cà phê có thể gây khó ngủ hoặc mất ngủ, đặc biệt là khi uống vào cuối ngày.

Cuối cùng, caffeine có thể dễ dàng đi qua nhau thai vào trong cơ thể thai nhi. Tác dụng của chất này thường kéo dài hơn bình thường (lên đến 16 tiếng) ở phụ nữ mang thai và thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai chỉ nên uống tối đa 1 – 2 cốc nhỏ (240 – 480 ml) cà phê mỗi ngày. (8)

Uống cà phê khi bụng đói sẽ không làm tăng những tác động tiêu cực này của caffeine đến cơ thể.

Tóm tắt: Uống quá nhiều cà phê có thể gây hồi hộp, bồn chồn, đau nửa đầu và gián đoạn giấc ngủ. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy rằng uống cà phê khi bụng đói sẽ làm gia tăng những vấn đề này.

Tóm tắt bài viết

Các bằng chứng khoa học đều cho thấy rằng uống cà phê khi bụng đói không gây hại. Dù uống khi đói hay khi no thì cà phê vẫn có những tác động như nhau đến cơ thể.

Tuy nhiên, nếu gặp các vấn đề về tiêu hóa khi uống cà phê lúc đói thì hãy thử chuyển sang uống cà phê sau khi ăn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *