Viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp đều là những bệnh lý do viêm và có nhiều triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, hai bệnh lý này cũng có những triệu chứng khác nhau. Nguyên nhân và cách điều trị cũng không giống nhau.
Điểm giống và khác nhau giữa viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp là tình trạng viêm ở các mô bên trong khớp và đôi khi cả các mô liên kết cũng như mô xung quanh khớp.
Có gần 100 loại viêm khớp khác nhau nhưng viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp là hai trong số những loại phổ biến nhất.
Viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp có nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn như:
- Đều có các triệu chứng như đau, sưng và cứng khớp
- Đều là bệnh tự miễn
- Đều dần dần làm hỏng khớp, xương và gân
Tuy nhiên, viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp có những triệu chứng riêng biệt, do nguyên nhân khác nhau gây ra và cách điều trị cũng khác nhau.
Điểm khác biệt chính giữa viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là loại viêm khớp tự miễn mạn tính phổ biến nhất.
Viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh trong khớp, gây viêm và đau.
Vào năm 2020, ước tính có khoảng 18 triệu người trên thế giới đang sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp. Phụ nữ có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới và các triệu chứng thường khởi phát ở độ tuổi từ 30 đến 50.
Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp sẽ dần dần gây tổn thương khớp và ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, thận và phổi.
Viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến cũng là một bệnh tự miễn mạn tính gây đau, sưng và cứng khớp.
Tuy nhiên, loại viêm khớp này thường liên quan đến bệnh vảy nến – tình trạng xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm tế bào da, khiến cho tế bào da phát triển quá nhanh. Điều này dẫn đến hình thành những mảng dày cứng, khô nứt có bề mặt màu trắng bạc trên bề mặt da.
Ước tính có khoảng 125 triệu người bị bệnh vảy nến trên thế giới. Có tới 30% số người bị bệnh vảy nến mắc bệnh viêm khớp vảy nến.
Không giống như viêm khớp dạng thấp, nam giới và phụ nữ có tỷ lệ mắc viêm khớp vảy nến như nhau. Tình trạng này thường xảy ra ở độ tuổi từ 30 đến 50 và có thể xảy ra trong vòng 5 – 10 năm sau khi bệnh vảy nến khởi phát.
Tuy nhiên, một số người bị viêm khớp vảy nến từ trước khi có các triệu chứng bệnh vảy nến rõ rệt trên da.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định rõ.
Theo ước tính, cứ 3 người mắc bệnh vảy nến thì có 1 người bị viêm khớp vảy nến, nguy cơ mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau.
Mặt khác, phụ nữ có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới. Loại viêm khớp này không liên quan đến bệnh ngoài da.
Chưa rõ nguyên nhân nào khiến hệ miễn dịch tấn công nhầm mô khớp và dẫn đến viêm khớp dạng thấp nhưng một số nghiên cứu phát hiện ra rằng di truyền, biến đổi gen biểu sinh và các yếu tố môi trường có thể góp phần gây ra bệnh tự miễn này.
Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nói chung, chẳng hạn như:
- Béo phì
- Hút thuốc
- Chấn thương khớp
- Nhiễm trùng
- Tuổi cao
- Làm công việc tay chân
Triệu chứng
Cả viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến đều có triệu chứng là đau, sưng và cứng khớp.
Các triệu chứng thường bắt đầu ở các khớp nhỏ của bàn tay, bàn chân hoặc đầu gối.
Các triệu chứng xảy ra thành đợt, mỗi đợt kéo dài vài ngày đến vài tuần, sau đó là giai đoạn thuyên giảm. Theo thời gian, tình trạng viêm có thể gây tổn thương xương, sụn và các mô khác trong khớp, dẫn đến mất chức năng và biến dạng khớp.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng nhưng viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến cũng có những triệu chứng khác nhau.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp đối xứng, có nghĩa là xảy ra ở cùng một khớp ở cả hai bên cơ thể, ví dụ như hai bên cổ tay hoặc đầu gối, mặc dù không phải trường hợp nào cũng vậy.
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở nhiều khớp hơn so với viêm khớp vảy nến.
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Đau buốt hoặc nhức ở khớp
- Cứng khớp, thường vào buổi sáng và kéo dài hơn 30 phút
- Khớp nóng và sưng tấy
- Nốt dạng thấp (cục cứng hình thành dưới da)
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Chán ăn
- Sụt cân
- Sốt
- Viêm mạch máu (hiện nay triệu chứng này ít gặp hơn nhờ có các phương pháp điều trị hiệu quả)
Viêm khớp vảy nến
Không giống như viêm khớp dạng thấp, các triệu chứng viêm khớp vảy nến không xảy ra ở các khớp đối xứng. Ví dụ, các triệu chứng có thể chỉ xảy ra ở tay hoặc chân trái mà không xảy ra ở bên phải.
Người bị viêm khớp vảy nến có thể bị viêm điểm bám gân – tình trạng viêm ở vị trí mà gân, dây chằng và bao khớp bám vào xương. Viêm khớp vảy nến còn có thể gây viêm khớp cùng chậu (khớp nối với xương cùng ở khung chậu phía bên trái và bên phải). Tình trạng này không xảy ra với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Sự kết hợp của 6 triệu chứng sau đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp vảy nến:
- đau ở một hoặc nhiều khớp
- Móng tay, chân bị rỗ, bong tróc, có chấm đỏ hoặc đổi màu
- Mắt đỏ hoặc đau (do viêm màng bồ đào)
- Ngón tay sưng phù
- Đau lưng (viêm cột sống)
- Đau ở vị trí dây chằng và gân bám vào xương (viêm điểm bám gân)
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm khớp vảy nến không phải lúc nào cũng tương đương với với mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến. Một số người có các triệu chứng viêm khớp vảy nến nhẹ trong khi tổn thương da nghiêm trọng và ngược lại.
Chẩn đoán
Nên đi khám nếu bị đau khớp, cứng khớp hoặc các triệu chứng khác của viêm khớp.
Các phương pháp để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vảy nến gồm có:
- Khám lâm sàng
- Xét nghiệm máu để kiểm tra:
- yếu tố dạng thấp (RF)
- kháng thể anti-CCP
- protein phản ứng C (CRP)
- tốc độ máu lắng (ESR)
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm hoặc chụp X-quang
Bệnh viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp thường khó phân biệt ở giai đoạn đầu vì cả hai bệnh lý có nhiều điểm giống nhau.
Điều trị
Viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến đều là các bệnh lý mạn tính hiện tại chưa có cách chữa trị khỏi. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp:
- giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
- giảm thiểu tổn thương khớp, xương và gân
- cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng vận động cho người bệnh
Cả hai loại viêm khớp đều có thể được điều trị bằng các loại thuốc sau:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
- Thuốc điều trị sinh học
- Tiêm steroid
Phác đồ điều trị còn có thể gồm có vật lý trị liệu để giúp duy trì hoặc cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
Một số câu hỏi thường gặp
Làm thế nào để phân biệt được viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến?
Viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến thường khó phân biệt ở giai đoạn đầu vì các triệu chứng tương tự nhau.
Bệnh viêm khớp dạng thấp có một số triệu chứng điển hình như sau:
- Đau ở các khớp đối xứng
- Cứng khớp sau khi thức dậy vào buổi sáng, thường kéo dài 30 phút hoặc lâu hơn
- Cục cứng dưới da
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng, ăn không ngon miệng và sụt cân
Bệnh viêm khớp vảy nến có những triệu chứng nào?
Viêm khớp vảy nến có thể do bệnh vảy nến gây ra, đây là một bệnh tự miễn mạn tính xảy ra ở da.
Triệu chứng đau, sưng và cứng khớp do viêm khớp vảy nến thường không đối xứng, có nghĩa là thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể chứ không xảy ra ở cả hai bên như viêm khớp dạng thấp.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm khớp vảy nến gồm có:
- Cứng khớp vào buổi sáng
- Bong tróc hoặc rỗ móng tay
- Đau mắt hoặc đỏ mắt
- Ngón tay sưng phù, to lên
- Đau lưng
- Đau ở vị trí dây chằng và gân bám vào xương
Tóm tắt bài viết
Nên đi khám khi nhận thấy các triệu chứng nghi là viêm khớp vảy nến hoặc viêm khớp dạng thấp.
Nếu hai bệnh lý này không được điều trị, các khớp, xương và gân sẽ bị phá hỏng theo thời gian. Điều này sẽ dẫn đến mất khả năng vận động và có thể phải làm phẫu thuật.
Tuy rằng không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp điều trị để giảm nhẹ các triệu chứng viêm khớp vảy nến cũng như viêm khớp dạng thấp và cải thiện chất lượng cuộc sống.