CyberKnife có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu. CyberKnife có thể được kết hợp với liệu pháp hormone nếu như ung thư đã lan sang khu vực mô lân cận. CyberKnife cũng có thể được sử dụng để làm chậm sự tiến triển của ung thư giai đoạn cuối hoặc ung thư tái phát sau điều trị.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng CyberKnife
CyberKnife là gì?
CyberKnife là tên một thiết bị xạ trị lập thể định vị thân (stereotactic body radiation therapy – SBRT), một dạng xạ trị chùm tia bên ngoài. CyberKnife có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt và một số bệnh ung thư khác. Mặc dù tên có chữ “knife” (có nghĩa là dao) và còn được gọi là “xạ phẫu” nhưng SBRT nói chung và CyberKnife nói riêng hoàn toàn không cần cắt rạch.
SBRT là một phương pháp xạ trị được hướng dẫn bằng hình ảnh sử dụng phóng xạ liều cao với độ chính xác rất cao. Mục tiêu của phương pháp điều trị này là tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây tổn thương nhiều đến mô và cơ quan khỏe mạnh xung quanh.
Hệ thống CyberKnife có phần mềm hướng dẫn bằng hình ảnh liên tục hoạt động trong thời gian thực có khả năng điều chỉnh theo chu kỳ thở và chuyển động của khối u. SBRT cho phép sử dụng liều lượng phóng xạ lớn lên vùng mô bệnh, vì thế nên quá trình điều trị chỉ mất vài ngày. Trong khi đó, phương pháp xạ trị thông thường mất khoảng 8 hoặc 9 tuần.
CyberKnife phù hợp với những ai?
CyberKnife có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu. CyberKnife có thể được kết hợp với liệu pháp hormone nếu như ung thư đã lan sang khu vực mô lân cận. CyberKnife cũng có thể được sử dụng để làm chậm sự tiến triển của ung thư giai đoạn cuối hoặc ung thư tái phát sau điều trị.
CyberKnife và các phương pháp điều trị truyền thống
Mỗi một ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt có phác đồ điều trị không giống nhau. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt, gồm có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp hormone. Mỗi một phương pháp có cơ chế điều trị ung thư khác nhau.
So với các phương pháp điều trị khác, CyberKnife có một vài ưu điểm như sau:
- Không cần cắt rạch và không gây đau đớn giống như phẫu thuật.
- Không cần gây mê và nằm viện.
- Người bệnh có thể hoạt động bình thường ngay sau khi điều trị xong.
- Thời gian điều trị ngắn hơn nhiều so với xạ trị thông thường và hóa trị.
- Thời gian phục hồi nhanh chóng.
Một hình thức xạ trị khác cũng được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt là xạ trị áp sát. Trong dạng xạ trị này, các hạt chứa phóng xạ nhỏ được cấy vào tuyến tiền liệt. Các hạt này sẽ giải phóng phóng xạ từ từ trong khoảng thời gian vài ngày đến vài tuần. Xạ trị áp sát là một lựa chọn phù hợp cho những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu hoặc cấp thấp. Nhưng trong những trường hợp mà người bệnh không thể gây mê hoặc khó tiến hành xạ trị áp sát do đặc điểm giải phẫu thì CyberKnife sẽ là giải pháp hợp lý hơn.
Thông thường, CyberKnife được kết hợp cùng các phương pháp điều trị khác. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể dựa trên các yếu tố như giai đoạn và cấp độ của bệnh ung thư cũng như độ tuổi và những vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh đang mắc.
Cần chuẩn bị gì trước khi điều trị bằng CyberKnife?
Trước khi điều trị bằng CyberKnife, người bệnh sẽ phải trải qua một vài bước chuẩn bị.
Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sử dụng kim dài để đặt các mốc đánh dấu vàng vào tuyến tiền liệt. Quá trình này cũng tương tự như sinh thiết. CyberKnife sẽ sử dụng các mốc đánh dấu để theo dõi khối u trong quá trình điều trị.
Sau đó sẽ phải tiến hành một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá vị trí, kích thước và hình dạng của khối u. Những thông tin này được gửi đến phần mềm CyberKnife, từ đó thiết bị sẽ xác định liều lượng phóng xạ thích hợp, vị trí chính xác và số lần điều trị.
Người bệnh sẽ được thông báo về các bước trong quá trình điều trị để sắp xếp thời gian.
Người bệnh có thể sẽ phải điều trị từ 1 – 5 buổi liên tiếp. Đây là một phương pháp điều trị ngoại trú, có nghĩa là không cần phải nằm viện, người bệnh có thể về nhà ngay sau khi điều trị xong.
CyberKnife không cần gây tê hay sử dụng thuốc, vì vậy nên người bệnh có thể ăn uống và dùng thuốc như bình thường. Trước khi điều trị chỉ cần lưu ý không bôi bất cứ thứ gì lên khu vực điều trị và mặc quần áo thoải mái.
Quá trình điều trị bằng CyberKnife
Người bệnh nằm cố định trên bàn xạ. Sau đó, một robot do máy tính điều khiển sẽ di chuyển từ từ xung quanh bàn, chiếu chùm tia phóng xạ vào vị trí bị ung thư. Phần mềm sẽ điều chỉnh tia phóng xạ theo nhịp thở của người bệnh và các chuyển động của khối u.
Đây là một phương pháp điều trị hoàn toàn không xâm lấn và không đau. Mỗi buổi điều trị kéo dài từ 30 đến 90 phút. Sau khi kết thúc, người bệnh có thể đứng dậy và sinh hoạt như bình thường ngay lập tức.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của phương pháp SBRT cũng tương tự như các loại xạ trị điều trị ung thư tuyến tiền liệt khác, gồm có:
- Vấn đề về tiết niệu như tiểu không tự chủ
- Kích thích trực tràng
- Rối loạn cương dương
- Mệt mỏi
Những tác dụng phụ này thường chỉ là tạm thời.
Bước tiếp theo sau điều trị
Điều trị bằng CyberKnife thường không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người bệnh.
Sau khi điều trị, người bệnh sẽ được hẹn lịch tái khám. Một vài tháng sau khi điều trị, có thể người bệnh sẽ phải quay lại để bác sĩ kiểm tra bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI hoặc PET. Các phương pháp này giúp đánh giá đáp ứng điều trị.
Nếu không tìm thấy khối u mới thì không cần phải điều trị thêm. Tuy nhiên người bệnh vẫn phải tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng. Các phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra các dấu hiệu ung thư tái phát là xét nghiệm PSA và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Nếu vẫn còn dấu hiệu ung thư sau khi điều trị bằng SBRT, bác sĩ sẽ đưa ra bước điều trị tiếp theo.
Tóm tắt bài viết
CyberKnife là một thiết bị xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) – một phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt an toàn và hiệu quả, mặc dù không phải hoàn toàn không có tác dụng phụ. SBRT có thời gian điều trị ngắn hơn so với một số loại xạ trị khác.