Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng xạ trị áp sát

Xạ trị áp sát là một phương pháp điều trị hiệu quả cao cho những trường hợp bị ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ rất thấp, thấp và nguy cơ trung bình.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng xạ trị áp sát
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng xạ trị áp sát

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư có tỷ lệ điều trị thành công cao, đặc biệt là khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu. Một trong các phương pháp điều trị là xạ trị áp sát hay còn gọi là xạ trị bên trong (brachytherapy). Đây là phương pháp điều trị nhắm trực tiếp đến vị trí bị ung thư.

Có hai loại xạ trị áp sát chính là xạ trị áp sát liều cao (HDR) và xạ trị áp sát liều thấp (LDR).

Cả hai loại đều xâm lấn tối thiểu và đều có tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao.

Dưới đây là những điều cần biết về phương pháp xạ trị áp sát trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Xạ trị áp sát là gì?

Xạ trị áp sát (brachytheraphy) là một hình thức xạ trị. Trong xạ trị áp sát, các nguồn phóng xạ có dạng các hạt nhỏ giống như hạt gạo được vào bên trong hoặc ngay sát khối u. Xạ trị áp sát khác với xạ trị chùm tia bên ngoài, trong đó chùm tia phóng xạ được chiếu từ một thiết bị bên ngoài đến vị trí bị ung thư trong cơ thể.

Nguồn phóng xạ có phạm vi tác động hẹp, nhờ đó có thể tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến phần còn lại của cơ thể.

Theo Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ (American College of Surgeons – ACS), xạ trị áp sát có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị độc lập trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ rất thấp đến thấp hoặc ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ trung bình và có các điều kiện thuận lợi.

Trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ cao, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị áp sát kết hợp xạ trị chùm tia bên ngoài (external beam radiation therapy – EBRT).

Quá trình điều trị

Trước tiên, người bệnh sẽ được gây tê tủy sống để làm tê liệt phần thân dưới hoặc gây mê toàn thân để hoàn toàn không còn cảm giác, nhận thức trong suốt quá trình điều trị. Người bệnh có thể sẽ phải ở lại bệnh viện trong vài giờ hoặc vài ngày.

Sau khi gây tê hoặc gây mê, bác sĩ đưa kim qua đáy chậu (khu vực giữa bìu và hậu môn) để đặt các ống thông vào tuyến tiền liệt.

Sau bước này, quy trình thực hiện xạ trị áp sát liều thấp và xạ trị áp sát liều cao sẽ hơi khác nhau.

Quá trình xạ trị áp sát liều cao chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, thường là vài ngày trong khi xạ trị áp sát liều thấp diễn ra trong thời gian dài hơn, có thể là vài tuần hoặc vài tháng và gồm nhiều buổi điều trị.

Xạ trị áp sát liều cao (HDR)

Hình thức xạ trị áp sát này còn được gọi là xạ trị áp sát tạm thời. Các hạt phóng xạ sẽ giải phóng phóng xạ liều cao và chỉ được để trong cơ thể một khoảng thời gian ngắn.

Sau khi đưa kim vào tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ rút kim ra và để lại ống thông.

Sau đó, bác đưa nguồn phóng xạ vào bên trong ống thông. Nguồn phóng xạ ở bên trong ống thông và giải phóng phóng xạ vào tuyến tiền liệt. Sau khoảng 5 đến 15 phút, bác sĩ lấy nguồn phóng xạ ra ngoài.

Tùy thuộc vào phác đồ mà người bệnh sẽ phải trải qua 1 – 4 buổi điều trị như vậy mỗi ngày trong thời gian 2 ngày.

Xạ trị áp sát liều thấp (LDR)

Xạ trị áp sát liều thấp còn được gọi là xạ trị áp sát vĩnh viễn.

Các bước đưa nguồn phóng xạ vào tuyến tiền liệt cũng giống như xạ trị áp sát liều cao, cũng sử dụng kim và ống thông.

Nhưng xạ trị áp sát liều thấp khác với xạ trị áp sát liều cao ở chỗ nguồn phóng xạ sẽ được để bên trong cơ thể người bệnh vĩnh viễn sau khi ống thông được lấy ra.

Nguồn phóng xạ sẽ phát ra phóng xạ liều thấp trong vài tuần hoặc vài tháng tiếp theo. Phóng xạ sẽ không di chuyển xa trong cơ thể. Vì thế nên phương pháp điều trị này chỉ tác động đến khối u mà không ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh.

Sau một thời gian, nguồn phóng xạ sẽ không còn phóng xạ nhưng vẫn được để trong cơ thể vĩnh viễn. Số lượng hạt phóng xạ cần sử dụng tùy thuộc vào kích thước tuyến tiền liệt nhưng thường là khoảng 100 hạt.

Hiệu quả của xạ trị áp sát

Phương pháp xạ trị áp sát có tỷ lệ thành công cao đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã theo dõi kết quả của 757 người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt khu trú được điều trị bằng phương pháp xạ trị áp sát liều thấp từ năm 1990 đến 2006.

Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ sống 17 năm của bệnh ung thư tuyến tiền liệt là 97%. (1)

Theo ACS, việc kết hợp xạ trị áp sát với xạ trị chùm tia bên ngoài sẽ cho hiệu quả cao hơn so với khi chỉ điều trị bằng xạ trị chùm tia bên ngoài. Xạ trị áp sát làm tăng tỷ lệ điều trị thành công trong 9 năm từ 62% lên 83% ở những trường hợp mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ từ trung bình đến cao. (2)

Bất kể được điều trị bằng phương pháp nào, tỷ lệ sống của những người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nói chung là rất cao.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), tỷ lệ sống 5 năm của những người bị ung thư tuyến tiền liệt khu trú (ung thư mới chỉ giới hạn trong tuyến tiền liệt) hoặc di căn vùng (tế bào ung thư lan sang vùng mô xung quanh tuyến tiền liệt) là gần 100%. (3)

Chăm sóc sau điều trị

Sau điều trị, người bệnh sẽ phải tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh ung thư và theo dõi quá trình hồi phục.

Trước khi xuất viện về nhà, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách kiểm soát các vấn đề gặp phải sau điều trị. Nói chung, người bệnh nên:

  • Nghỉ ngơi và tránh hoạt động quá sức.
  • Tắm nước ấm để giảm đau và sưng phù.
  • Tránh quan hệ tình dục trong 1 đến 2 tuần.
  • Uống đủ nước.
  • Tránh caffeine, đồ uống có ga, đồ uống có cồn.
  • Dùng thuốc giảm đau, thuốc điều trị tiêu chảy hoặc táo bón theo khuyến nghị của bác sĩ.

Nhược điểm của xạ trị áp sát

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), xạ trị áp sát khiến cơ thể người bệnh phát ra phóng xạ.

Trong quá trình điều trị, đội ngũ y bác sĩ sẽ phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn. Người bệnh có thể phải ở trong phòng riêng và đội ngũ y bác sĩ phải giới hạn tần suất cũng như thời gian tiếp xúc với người bệnh.

Người nhà bệnh nhân cũng phải tuân thủ các quy tắc an toàn. Nếu người bệnh điều trị bằng xạ trị liều cao, người thân có thể sẽ không được vào thăm khi bắt đầu quá trình điều trị.

Sau khi điều trị được một thời gian và mức độ phóng xạ giảm xuống thì người thân có thể vào thăm nhưng mỗi lần chỉ được ở lại trong thời gian ngắn.

Sau khi xuất viện, người bệnh vẫn sẽ phải duy trì các quy tắc an toàn trong một thời gian, ví dụ như cần phải giữ khoảng cách với trẻ em và phụ nữ mang thai.

Tác dụng phụ của xạ trị áp sát

Cả hai loại xạ trị áp sát đều có tác dụng phụ. Những tác dụng phụ này thường giảm hoặc tự hết sau một thời gian. Các tác dụng phụ thường gặp gồm có:

  • Đau và sưng tại vị trí tiêm hoặc vùng xung quanh
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Có máu trong nước tiểu
  • Bí tiểu
  • Đau khi xuất tinh
  • Có máu trong tinh dịch
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi

Nếu hoàn toàn không thể đi tiểu được, hãy báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức. Có thể sẽ phải dẫn lưu nước tiểu bàng quang.

Xạ trị áp sát có thể gây ra các tác dụng phụ lâu dài. Mặc dù không phải ai cũng gặp tác dụng phụ nhưng có thể xảy ra những thay đổi tạm thời hoặc lâu dài về chức năng ruột, tiết niệu và cương dương.

  • Rối loạn đường ruột: đại tiện nhiều lần, tiêu chảy, viêm trực tràng,…
  • Rối loạn tiết niệu: tiểu khó, dòng tiểu yếu, đi tiểu nhiều lần, hẹp niệu đạo
  • Rối loạn cương dương: khó đạt được và duy trì trạng thái cương cứng

Nếu người bệnh gặp bất kỳ tác dụng phụ nào thì cũng hãy báo cho bác sĩ. Một số tác dụng phụ cần phải điều trị, chẳng hạn như hẹp niệu đạo và rối loạn cương dương.

Xạ trị áp sát liều thấp còn có thêm một rủi ro nữa là các nguồn phóng xạ trong tuyến tiền liệt sẽ di chuyển.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách phòng ngừa tình trạng này. Các hạt phóng xạ có thể đi vào niệu đạo và ra ngoài cùng nước tiểu. Người bệnh nên lọc nước tiểu mỗi khi đi tiểu trong khoảng một tuần sau khi bắt đầu xạ trị để xem có hạt phóng xạ hay không. Ngoài ra, nên đeo bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.

Xạ trị áp sát liều cao không có nguy cơ nguồn phóng xạ di chuyển vì nguồn phóng xạ sẽ được lấy ra ngoài ngay sau khi kết thúc buổi điều trị.

Tăng PSA sau xạ trị

Xét nghiệm PSA đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen) trong máu. Mức PSA có thể tăng cao do nhiều nguyên nhân khác nhau như tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt.

Mức PSA cũng có thể tăng sau xạ trị. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm PSA cao vẫn chưa đủ căn cứ để bác sĩ chỉ định điều trị thêm mà sẽ phải theo dõi mức PSA một thời gian và xem xét các yếu tố khác, chẳng hạn như kết quả chẩn đoán hình ảnh trước khi bác sĩ đề xuất bước điều trị tiếp theo.

Ngay cả khi các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không tìm thấy tế bào ung thư, bác sĩ có thể sẽ vẫn khuyên người bệnh nên điều trị lại dựa trên phân tích lợi ích – rủi ro. Lợi ích của việc loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư vẫn lớn hơn các rủi ro của việc tiếp tục điều trị.

Tóm tắt bài viết

Xạ trị áp sát là phương pháp điều trị hiệu quả cao cho những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ từ rất thấp đến nguy cơ trung bình. Xạ trị áp sát còn giúp tăng hiệu quả điều trị của xạ trị chùm tia bên ngoài trong những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ từ trung bình đến cao.

Tiên lượng dài hạn của những người mắc ung thư tuyến tiền liệt được điều trị bằng phương pháp xạ trị áp sát nói chung là rất tốt.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị thích hợp cho mỗi ca bệnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *