Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng xạ trị lập thể định vị thân (SBRT)

Xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) là một loại xạ trị đã được sử dụng khá phổ biến trong khoảng 20 năm trở lại đây để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

SBRT
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng xạ trị lập thể định vị thân (SBRT)

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt và xạ trị lập thể định vị thân (stereotactic body radiation therapy – SBRT) là một trong số đó.

Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị khác như giám sát tích cực, phẫu thuật và xạ trị thông thường.

SBRT là một phương pháp xạ trị ngắn hạn, hiệu quả cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt. SBRT được sử dụng từ năm 2000 nên đây là một phương pháp điều trị còn tương đối mới so với xạ trị thông thường.

SBRT sử dụng công nghệ máy tính hiện đại để đưa phóng xạ tập trung vào vùng có tế bào ung thư của tuyến tiền liệt.

Quá trình điều trị bằng SBRT chỉ kéo dài từ 1 đến 2 tuần trong khi quá trình xạ trị thông thường có thể kéo dài vài tháng.

Phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt của mỗi ca bệnh là khác nhau. Tùy theo tình trạng bệnh và bệnh sử của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định SBRT hoặc một phương pháp điều trị khác.

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp một số câu hỏi thường gặp về phương pháp SBRT.

SBRT là gì?

Xạ trị lập thể định vị thân hay SBRT (stereotactic body radiation therapy) là một loại xạ trị được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp này chiếu các chùm tia phóng xạ hội tụ, năng lượng cao vào tuyến tiền liệt, nhờ đó điều trị tập trung cho vùng bị ung thư mà không ảnh hưởng nhiều đến vùng mô khỏe mạnh.

Quá trình điều trị bằng SBRT ngắn hơn nhiều so với phương pháp xạ trị thông thường. Ung thư tuyến tiền liệt đáp ứng tốt với SBRT. SBRT còn được dùng để điều trị một số bệnh ung thư khác và các bệnh này cũng đều đáp ứng tốt với SBRT.

SBRT là một phương pháp điều trị ngoại trú, có nghĩa là người bệnh không cần phải nằm viện. Người bệnh có thể đến điều trị và về nhà ngay trong ngày.

Quá trình điều trị bằng SBRT thường kéo dài 1 – 2 tuần và gồm có 5 buổi. Phương pháp điều trị này thường dành cho những ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ thấp hoặc trung bình.

Một số thiết bị SBRT đã được đăng ký nhãn hiệu,, ví dụ như CyberKnife, X-Knife, Gamma Knife và Clinac.

Mặc dù một số loại máy có tên là knife (dao) nhưng phương pháp SBRT hoàn toàn không cần cắt rạch.

Trong một số trường hợp, SBRT là lựa chọn thích hợp hơn các phương pháp điều trị khác vì có ưu điểm là nhanh chóng và ít xâm lấn. Ví dụ, phương pháp xạ trị áp sát để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt cần gây mê toàn thân và nhập viện. Phương pháp điều trị này còn đi kèm những rủi ro khác mà SBRT không có, chẳng hạn như nhiễm trùng và chảy máu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, người bệnh vẫn phải điều trị bằng xạ trị áp sát thay vì SBRT.

SBRT có gì khác xạ trị thông thường?

Quá trình xạ trị thông thường có thể kéo dài đến 9 tuần. Với phương pháp này, người bệnh sẽ được điều trị bằng liều lượng phóng xạ thấp hàng ngày. Sở dĩ phải sử dụng liều thấp là để tránh ảnh hưởng đến bàng quang hay trực tràng.

Quá trình điều trị bằng SBRT nhanh hơn so với xạ trị thông thường vì SBRT sử dụng chùm tia phóng xạ hội tụ cường độ cao, chỉ nhắm vào tuyến tiền liệt chứ không ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh. Do đó, bàng quang và trực tràng sẽ không tiếp xúc với phóng xạ.

Do có thời gian điều trị ngắn hơn so với xạ trị thông thường nên SBRT là lựa chọn phù hợp hơn cho những người không có nhiều thời gian hoặc không thể đến bệnh viện thường xuyên.

SBRT có đau không?

SBRT không gây đau đớn. Các chùm tia phóng xạ vô hình đi vào cơ thể người bệnh trong một khoảng thời gian ngắn và mỗi buổi điều trị chỉ kéo dài khoảng 15 phút.

Trước mỗi buổi điều trị, người bệnh cần đi tiểu và đại tiện để làm sạch bàng quang và trực tràng.

Một vài ngày trước khi điều trị, người bệnh có thể phải trải qua quá trình đưa các mốc đánh dấu vào tuyến tiền liệt để giúp kỹ thuật viên và máy tính xác định chính xác khu vực cần điều trị trong quá trình xạ trị.

Ngoài ra có thể phải tiến hành một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trước, trong và sau khi điều trị để bác sĩ kiểm tra tuyến tiền liệt.

Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này gồm có:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón (cone-beam CT)
  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Tác dụng phụ của SBRT

SBRT là một phương pháp điều trị ngoại trú và ít gây ra các tác dụng phụ tức thì. Người bệnh thậm chí có thể tự mình đến bệnh viện và trở về nhà sau buổi điều trị vì SBRT là phương pháp xâm lấn tối thiểu.

Tuy nhiên, đôi khi SBRT gây ra một số tác dụng phụ trong hoặc ngay sau khi điều trị như:

  • Mệt mỏi, có thể kéo dài khoảng một tuần sau buổi điều trị cuối cùng
  • Đi tiểu nhiều lần

Ngoài ra, SBRT còn có thể gây ra một số tác dụng phụ về lâu dài. Những tác dụng phụ này cũng tương tự như tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt khác, có thể xảy ra trong vòng nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi điều trị bằng SBRT, ví dụ như:

Khó tiểu hoặc đại tiện

  • Tiểu không tự chủ
  • Rối loạn cương dương

Một nghiên cứu về SBRT cho thấy liều phóng xạ từ 35 đến 36,25 gray là mức liều hiệu quả và an toàn với mức độ nhiễm độc muộn thấp. Nhiễm độc muộn có nghĩa là các tác dụng phụ xảy ra sau nhiều tháng hoặc nhiều năm kể từ khi kết thúc xạ trị.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng những người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ thấp và trung bình dung nạp tốt với SBRT. Mặc dù một số người bị nhiễm độc và giảm chất lượng cuộc sống nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.

Nếu lo ngại, người bệnh có thể hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ của SBRT trước khi bắt đầu điều trị.

Hiệu quả điều trị ung thư tuyến tiền liệt của SBRT

Trong một số trường hợp, SBRT có hiệu quả cao hơn so với xạ trị thông thường hoặc phẫu thuật.

Một nghiên cứu kéo dài 5 năm cho thấy những người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt điều trị bằng SBRT có tỷ lệ sống 3 năm là 94% và tỷ lệ sống 5 năm là 89,7%. Không ghi nhận trường hợp tử vong nào có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt. (1)

Tuy nhiên, liệu SBRT có phải là phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào từng ca bệnh.

Có thể điều trị lặp lại bằng SBRT không?

Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ xem có nên điều trị lặp lại bằng SBRT hay không.

Trong một nghiên cứu quan sát nhỏ, những người tham gia mắc ung thư tuyến tiền liệt tái phát đã điều trị bằng phương pháp SBRT. Trong thời gian theo dõi kéo dài 11,2 tháng sau điều trị, những người tham gia không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư tuyến tiền liệt. (2)

Trước khi ung thư tái phát, những người này đã điều trị bằng phương pháp xạ trị thông thường, không phải SBRT.

Những ai không nên điều trị bằng SBRT?

Mặc dù SBRT có nhiều ưu điểm so với xạ trị thông thường nhưng không phải khi nào phương pháp điều trị này cũng phù hợp. Một số trường hợp không nên điều trị bằng SBRT:

  • Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu, khối u rất nhỏ và bác sĩ khuyên nên theo dõi thay vì điều trị
  • Bác sĩ khuyên nên điều trị bằng phương pháp khác do mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng như các vấn đề sức khỏe khác của người bệnh
  • Người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ cao cần một phương pháp điều trị khác.

Tóm tắt bài viết

SBRT là một hình thức xạ trị để điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp này có thời gian điều trị ngắn hơn, ít tác dụng phụ hơn so với xạ trị thông thường và hiệu quả đã được chứng minh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *