Khám sàng lọc ung thư giúp phát hiện sớm bệnh ung thư từ trước khi xuất hiện triệu chứng hoặc trước khi bệnh tiến triển nặng. Khám tuyến tiền liệt định kỳ giúp phát hiện những bất thường ở tuyến tiền liệt.
Độ tuổi nào nên bắt đầu khám tuyến tiền liệt?
Tuyến tiền liệt là tuyến nhỏ nằm bên dưới bàng quang, trước trực tràng và bao xung quanh một phần niệu đạo. Tuyến tiền liệt có chức năng tạo ra dịch trong tinh dịch – chất lỏng mang tinh trùng.
Khi nam giới có tuổi, tuyến tiền liệt có thể tăng kích thước và phát sinh một số vấn đề, trong đó có cả ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm và ban đầu có rất ít hoặc không có triệu chứng.
Nam giới nên khám tuyến tiền liệt ở độ tuổi nào?
Khám tuyến tiền liệt định kỳ có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt từ sớm nhưng cần phải cân nhắc xem lợi ích của việc khám định kỳ có lớn hơn rủi ro hay không. Nam giới nên trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.
Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force – USPSTF) hiện khuyến nghị nam giới từ 55 đến 69 tuổi nên trao đổi với bác sĩ và tự quyết định xem có nên làm xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt hay không.
Cơ quan này khuyến cáo nam giới từ 70 tuổi trở lên không nên sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến cáo không nên khám sàng lọc khi chưa thảo luận về “những điều chưa chắc chắn, rủi ro và lợi ích của việc khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt” với bác sĩ. (1)
Tổ chức Ung thư Tuyến tiền liệt (Prostate Cancer Foundation) khuyến nghị nam giới nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đưa ra kế hoạch sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt phù hợp nhất.
Thời điểm nên trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt tùy thuộc vào độ tuổi và các yếu tố nguy cơ của mỗi người. Dưới đây là các khuyến nghị chung:
- Trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc ở tuổi 40 nếu có thân nhân bậc một (bố, con trai hoặc anh em ruột) mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt hoặc các bệnh ung thư khác, là người da đen hoặc mang đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư (chẳng hạn như đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2).
- Trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc ở tuổi 45 nếu không có yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Việc làm xét nghiệm PSA để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt cần được cân nhắc một cách cẩn thận dựa trên tuổi thọ dự kiến, các bệnh lý đang mắc, tiền sử gia đình và chủng tộc. Tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
Nên đi khám khi có các triệu chứng của vấn đề về tuyến tiền liệt, chẳng hạn như đi tiểu nhiều lần, đau buốt khi đi tiểu hoặc tiểu ra máu.
Theo khuyến nghị của ACS, sau khi trao đổi với bác sĩ, nếu bạn quyết định khám sàng lọc ung thư tuyến tiền thì nên làm xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA).
Thăm trực tràng (digital rectal exam) cũng có thể là một phần trong quá trình sàng lọc.
Tần suất sàng lọc
Nếu kết quả thăm trực tràng bình thường thì bước tiếp theo cần thực hiện sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và kết quả xét nghiệm PSA. Nếu các phương pháp sàng lọc không phát hiện dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt thì tần suất khám sàng lọc trong tương lai sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm PSA. ACS đưa ra khuyến nghị như sau: (2)
- Nếu mức PSA dưới 2,5 ng/mL thì chỉ cần xét nghiệm lại 2 năm một lần.
- Nếu mức PSA từ 2,5 ng/mL trở lên thì nên xét nghiệm lại hàng năm.
Có nên khám tuyến tiền liệt không?
ACS khuyến nghị nam giới nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về ưu và nhược điểm của việc khám tuyến tiền liệt trước khi đưa ra quyết định.
Lý do là vì khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt có cả lợi ích lẫn rủi ro.
Một trong những rủi ro là chẩn đoán quá mức, có nghĩa là phát hiện ra bệnh nhưng bệnh không gây ra bất kỳ triệu chứng hay vấn đề nào. Vì rủi ro có thể lớn hơn lợi ích nên USPSTF khuyến cáo nam giới từ 70 tuổi trở lên không nên làm xét nghiệm máu sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, vẫn nên nói chuyện với bác sĩ để xem có cần thiết khám sàng lọc hay không.
Phát hiện sớm một số bệnh ung thư có thể giúp điều trị dễ dàng hơn và cải thiện tiên lượng.
Tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt hiện nay đã giảm đáng kể so với trước đây. Điều này có thể là nhờ những tiến bộ trong sàng lọc và điều trị bệnh.
Chuẩn bị trước khi khám tuyến tiền liệt
Bạn không cần phải chuẩn bị gì nhiều trước khi khám tuyến tiền liệt. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị nứt hậu môn hoặc trĩ vì quá trình thăm trực tràng có thể khiến những vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Một phương pháp để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là xét nghiệm máu đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Nếu bạn bị thiếu máu hay dễ bị chóng mặt thì cần báo cho nhân viên y tế biết.
Quy trình khám tuyến tiền liệt
Quá trình khám tuyến tiền liệt rất đơn giản và nhanh chóng. Nói chung, để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt thì thường chỉ cần làm xét nghiệm máu.
Xét nghiệm PSA
Xét nghiệm PSA đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen) trong máu, tính bằng đơn vị bằng nanogram trên mililit (ng/ml). Mức PSA càng cao thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng cao.
Vì xét nghiệm PSA là xét nghiệm máu nên sẽ phải lấy mẫu máu. Nhân viên y tế sẽ dùng kim tiêm lấy một lượng máu nhỏ từ tĩnh mạch ở cánh tay người bệnh và sau đó mẫu máu được đem đến phòng xét nghiệm để xác định nồng độ PSA.
Thăm trực tràng
Một phương pháp nữa cũng thường được sử dụng để khám tuyến tiền liệt là thăm trực tràng (digital rectal exam – DRE). Bạn sẽ phải cởi bỏ đồ từ thắt lưng trở xuống hoặc thay sang áo choàng của bệnh viện. Sau đó, nằm lên bàn khám ở tư thế co đầu gối. Bác sĩ sẽ đưa ngón tay đeo găng và có bôi trơn vào trong trực tràng của bạn để xem có gì bất thường hay không, chẳng hạn như u cục, vùng cứng, vùng bị đau hay tuyến tiền liệt có kích thước lớn hơn bình thường.
Trong quá trình thăm trực tràng, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu, đặc biệt là nếu bạn bị trĩ, nhưng sẽkhông đau đớn. Toàn bộ quá trình này chỉ kéo dài một vài phút.
Bước tiếp theo
Mức PSA cao
Mức PSA tăng cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt nhưng cũng có thể là do các vấn đề khác, chẳng hạn như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Có nhiều yếu tố làm tăng nồng độ PSA trong máu, gồm có tuổi tác, nhiễm trùng hay kích thước của tuyến tiền liệt.
Nếu mức PSA cao, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm lại để xác nhận kết quả và bạn sẽ phải làm xét nghiệm PSA cũng như là thăm trực tràng định kỳ để theo dõi. Nếu mức PSA tiếp tục tăng thì sẽ phải tiến hành thêm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác vấn đề.
Phát hiện bất thường khi thăm trực tràng
Thăm trực tràng giúp phát hiện nhiều vấn đề về tuyến tiền liệt và trực tràng như:
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Khối u trong trực tràng và hậu môn
Bác sĩ sẽ cho bạn biết ngay lập tức khi phát hiện bất thường trong quá trình thăm trực tràng.
Thăm trực tràng không giúp xác nhận ung thư tuyến tiền liệt. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số bước kiểm tra khác để xem có đúng là ung thư tuyến tiền liệt không hay chỉ đơn giản là một vấn đề lành tính. Nếu vẫn chưa làm xét nghiệm PSA thì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu làm xét nghiệm này khi phát hiện thấy thay đổi bất thường trong quá trình thăm trực tràng.
Nếu mức PSA cũng ở mức cao thì sẽ phải tiếp tục kiểm tra bằng các phương pháp sau đây:
- Siêu âm qua ngả trực tràng
- Sinh thiết tuyến tiền liệt
- Cộng hưởng từ (MRI)
Một số câu hỏi thường gặp
Có cần đại tiện trước khi khám tuyến tiền liệt không?
Không cần thiết phải đại tiện hay thay đổi thói quen đại tiện trước khi khám tuyến tiền liệt.
Khám tuyến tiền liệt có đau không?
Quá trình khám tuyến tiền liệt có thể sẽ không được thoải mái, đặc biệt là bước thăm trực tràng nhưng không gây đau đớn và cảm giác khó chịu cũng sẽ không kéo dài sau khi khám.
Bạn có thể sẽ cảm thấy buồn tiểu hoặc hơi khó chịu nhưng những cảm giác này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Có thể tự kiểm tra tuyến tiền liệt tại nhà không?
Không nên tự kiểm tra khám tuyến tiền liệt tại nhà.
Tuyến tiền liệt nằm sâu bên trong cơ thể và việc tự kiểm tra có thể sẽ gây hại. Hơn nữa, bạn cũng không biết được tuyến tiền liệt thế nào là bình thường và thế nào là bất thường. Bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Nếu có gì bất thường, bác sĩ sẽ giải thích và đưa ra bước tiếp theo cần thực hiện.
Tóm tắt bài viết
Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, là người da đen hoặc mang đột biến gen liên quan đến ung thư thì hãy trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Những người có các yếu tố nguy cơ trên nên trao đổi với bác sĩ về điều này ở tuổi 40.
Những người không có các yếu tố nguy cơ có thể trao đổi với bác sĩ ở tuổi 45.
Hai phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là xét nghiệm PSA và thăm trực tràng.
Nếu một trong hai hoặc cả hai phương pháp sàng lọc đều cho kết quả bất thường thì bác sĩ sẽ chỉ định các bước tiếp theo, có thể là siêu âm, sinh thiết hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và tiền sử gia đình.