Ghẻ có lây qua đường tình dục không?

Ghẻ là một bệnh da liễu rất dễ lây và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Ghẻ có thể lây qua quan hệ tình dục và bất cứ hình thức tiếp xúc da trực tiếp nào.

Ghẻ có lây qua đường tình dục không?
Ghẻ có lây qua đường tình dục không?

Bệnh ghẻ là gì?

Bệnh ghẻ là một bệnh da liễu rất dễ lây do một ký sinh trùng nhỏ có tên là Sarcoptes scabiei gây ra. Chúng còn được gọi là cái ghẻ. Cái ghẻ có thể chui vào da, đào hang ở lớp sừng và đẻ trứng. Trứng nở sẽ tạo ra ấu trùng. Sau một vài lần lột xác, ấu trùng sẽ trở thành cá thể ghẻ trưởng thành. Chúng bò ra khỏi hang lên da, tiếp tục tạo ra hang mới và lại đẻ trứng.

Điều này gây ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm. Người bệnh còn bị nổi những mụn nước hay sẩn nhỏ màu đỏ. Mụn nước chủ yếu xuất hiện ở những vùng da có nếp gấp, chẳng hạn như mông, đầu gối, cánh tay, nếp gấp dưới vú, nách, rốn, đùi trong, bẹn hoặc bộ phận sinh dục.

Ghẻ có thể lây khi quan hệ tình dục và bất cứ sự tiếp xúc da nào. Đọc tiếp để tìm hiểu thêm về con đường lây lan của bệnh ghẻ và phương pháp điều trị.

Ghẻ lây qua đường tình dục như thế nào?

Bệnh ghẻ có thể lây truyền qua sự tiếp xúc da trực tiếp, bao gồm cả sự tiếp xúc khi quan hệ tình dục. Ghẻ đôi khi bị nhầm lẫn với rận mu vì cả hai đều gây ra nhiều biểu hiện tương tự nhau.

Không giống như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, bao cao su, màng chắn miệng hay bất cứ biện pháp bảo vệ nào cũng đều không có tác dụng ngăn ngừa bệnh ghẻ. Nếu một trong hai người bị ghẻ thì cả hai đều phải điều trị để tránh lây bệnh cho nhau.

Các con đường lây truyền khác

Bệnh ghẻ cũng có thể lây qua những sự tiếp xúc da trực tiếp khác không phải quan hệ tình dục trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC, bệnh ghẻ chỉ lây khi sự tiếp xúc da kéo dài đủ lâu. Điều này có nghĩa là một người sẽ khó bị lây bệnh nếu chỉ đơn thuần ôm, bắt tay hoặc vô tình đụng phải người bị ghẻ.

Ngoài ra, ghẻ còn có thể lây khi nằm chung giường, mặc chung quần áo, dùng chung khăn tắm và những đồ dùng cá nhân khác với người bệnh. Con đường lây truyền này chủ yếu xảy ra giữa những người trong cùng một gia đình hoặc những người sống trong viện dưỡng lão, bệnh viện, lớp học bán trú, nội trú, ký túc xá, quân đội hay nhà tù…

Sự lây truyền gián tiếp thường chỉ phổ biến ở ghẻ vảy – một loại ghẻ chủ yếu ảnh hưởng đến những người có hệ miễn dịch yếu.

Điều trị bệnh ghẻ bằng cách nào?

Bệnh ghẻ cần được điều trị, thường là bằng thuốc bôi kê đơn. Bạn tình gần đây và bất kỳ ai sống chung với người bị ghẻ cũng cần phải điều trị, ngay cả khi không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.

Nếu bị nặng và ghẻ xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể thì sẽ cần bôi thuốc toàn thân sau khi tắm. Một số loại thuốc trị ghẻ có thể dùng được cho cả tóc và mặt.

Lưu ý, các loại thuốc bôi trị ghẻ phải lưu trên da trong ít nhất 8 đến 10 tiếng liên tục thì mới phát huy hiệu quả nên không thuốc trước khi đi tắm hay trước khi tập thể dục. Các loại thuốc bôi được sử dụng phổ biến để điều trị ghẻ gồm có:

  • permethrin (Elmite)
  • lindane
  • crotamiton (Eurax)
  • ivermectin (Stromectol)
  • thuốc mỡ chứa lưu huỳnh

Bác sĩ có thể sẽ còn kê các loại thuốc và phương pháp điều trị khác để khắc phục các triệu chứng do bệnh ghẻ gây ra, chẳng hạn như ngứa và nhiễm trùng.

Một số loại thuốc này gồm có:

  • Thuốc kháng histamine
  • Kem dưỡng da calamine
  • Steroid tại chỗ
  • Thuốc kháng sinh

Để tiêu diệt toàn bộ cái ghẻ và ngăn ngừa bệnh tái phát thì cần giặt quần áo, chăn ga, khăn tắm bằng nước nóng và vệ sinh toàn bộ nhà cửa, đặc biệt là ghế sofa.

Cái ghẻ thường chỉ tồn tại được tối đa 48 đến 72 tiếng sau khi rời khỏi cơ thể và sẽ chết sau khoảng 10 phút tiếp xúc với nhiệt độ 50°C.

Bao lâu thì khỏi?

Nếu chưa từng bị ghẻ trước đây thì có thể phải sau từ ​​4 đến 6 tuần các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện. Nhưng nếu đã từng bị ghẻ thì các triệu chứng sẽ xuất hiện chỉ trong vòng vài ngày sau khi ghẻ bám lên cơ thể. Bệnh ghẻ rất dễ lây, thậm chí có thể lây từ trước khi có triệu chứng.

Cái ghẻ có thể sống trên cơ thể người từ 1 đến 2 tháng và chừng nào bệnh còn chưa được điều trị thì sẽ còn tiếp tục lây. Nhưng chúng sẽ bắt đầu chết chỉ trong vòng vài giờ sau khi bôi thuốc.

Sau khi điều trị, tình trạng mẩn đỏ có thể tiếp tục kéo dài thêm 3 đến 4 tuần nữa. Nếu sau thời gian này mà tình trạng vẫn tiếp diễn hoặc các triệu chứng lại tái phát thì cần đi khám bác sĩ.

Tóm tắt bài viết

Ghẻ là một bệnh da liễu rất dễ lây và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Ghẻ có thể lây qua quan hệ tình dục và bất cứ hình thức tiếp xúc da trực tiếp nào.

Nằm chung giường, dùng chung khăn tắm và quần áo cũng là con đường lây lan ghẻ. Nếu có các triệu chứng của bệnh ghẻ hoặc nghi ngờ mình mới tiếp xúc với người bị ghẻ thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để bắt đầu điều trị và tránh tiếp tục lây sang cho người khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *