Gàu không phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng lại gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ cũng như là sự tự tin của người mắc phải. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp một số thắc mắc phổ biến về gàu, bao gồm nguyên nhân gây ra gàu, tác hại và cách điều trị.
Giải đáp các câu hỏi thường gặp về gàu
Gàu là gì?
Gàu là tình trạng da chết trên da đầu bong ra và tạo thành nhiều vảy trắng nhỏ bám trên tóc và quần áo. Gàu thường gây ngứa ngáy và việc gãi đầu liên tục sẽ càng khiến da chết bong ra nhiều hơn, thậm chí còn có thể gây kích ứng và trầy xước da đầu.
Tuy nhiên, gàu là vấn đề hoàn toàn có thể điều trị được.
Nguyên nhân nào gây ra gàu?
Đôi khi, việc gội đầu không thường xuyên có thể gây tích tụ tế bào chết trên da đầu và tạo thành vảy gàu. Tuy nhiên, không phải khi nào nguyên nhân gây ra gàu cũng là do ít tắm gội. Nhiều người dù gội đầu thường xuyên nhưng vẫn bị gàu.
Các nguyên nhân phổ biến khiến da đầu có gàu gồm có:
- Da dầu, kích ứng
- Da quá khô
- Nhiễm nấm Malassezia – một loại nấm tồn tại tự nhiên trên da đầu nhưng khi phát triển quá mức, chúng sẽ gây ra gàu
- Các vấn đề về da như viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa và vảy nến
Gàu có gây hại đến sức khỏe không?
Gàu không gây hại đến sức khỏe nhưng một số sản phẩm trị gàu lại có thể gây tác dụng phụ. Thận trọng khi sử dụng các loại dầu gội trị gàu có chứa “coal tar” (nhựa than đá) vì thành phần này có thể gây đổi màu tóc nhuộm, nhất là những màu tóc sáng.
Ngoài ra, coal tar có thể khiến cho da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Do đó nên hạn chế tiếp xúc với nắng hoặc đội mũ khi ra ngoài trời để tránh da đầu bị cháy nắng.
Gàu có lây không?
Gàu không lây. Gàu chỉ là những vảy da chết bong ra từ da đầu chứ không phải do vi khuẩn hay virus gây ra nên không lây sang người khác.
Gàu có gây rụng tóc không?
Mặc dù rụng tóc và gàu có thể xảy ra cùng một lúc nhưng gàu không phải là nguyên nhân trực tiếp gây rụng tóc.
Đôi khi, gàu là do viêm da tiết bã và viêm da tiết bã nặng cũng có thể dẫn đến rụng tóc. Không giống như gàu bình thường, gàu do viêm da tiết bã thường nghiêm trọng hơn, vảy gàu có màu hơi vàng, dày hơn và nhờn dầu. Viêm da tiết bã còn có thể gây gàu ở lông mày, bong tróc da ở các vùng khác trên mặt và thậm chí là cả trên cơ thể. Ngoài gàu, viêm da tiết bã còn có triệu chứng là da ửng đỏ, có những mảng da đóng vảy màu vàng và ngứa ngáy.
Làm thế nào để trị gàu?
Gội đầu bằng dầu gội trị gàu là cách phổ biến nhất để khắc phục tình trạng da đầu ngứa ngáy và bong tróc. Những loại dầu gội này thường có chứa các thành phần hoạt tính như zinc pyrithione (kẽm pyrithione), coal tar, salicylic acid, ketoconazole, fluocinolone và selenium sulfide (selen sulfua).
Nên để dầu gội trên da đầu ít nhất từ 5 đến 10 phút để sản phẩm có thời gian phát huy tác dụng.
Ngoài ra có thể thử các biện pháp trị gàu tự nhiên như tinh dầu tràm trà (tea tree oil) nhưng cần lưu ý, tinh dầu tràm trà có thể gây dị ứng và điều này sẽ khiến da đầu bị gàu nặng thêm. Không được bôi trực tiếp tinh dầu tràm trà lên da đầu mà trước tiên phải pha loãng với một loại dầu nền như dầu dừa và thử lên một vùng da nhỏ trước khi thoa lên đầu.
Có cần phải đi khám khi bị gàu không?
Nếu chỉ bị gàu nhẹ thì không cần phải đi khám. Nhưng nếu bị gàu nghiêm trọng hoặc vẫn tiếp tục bị gàu dù đã dùng dầu gội trị gàu và các phương pháp điều trị tại nhà khác thì nên đi khám bác sĩ da liễu để tìm ra nguyên nhân gây gàu và điều trị đúng cách. Nhiều vấn đề về da như viêm da cơ địa, vẩy nến hoặc nhiễm nấm cũng gây triệu chứng giống như gàu nhưng cần phải điều trị bằng những biện pháp khác.
Làm thế nào để ngăn ngừa gàu?
Một khi đã bị gàu thì sẽ rất dễ bị lại sau này, cho dù đã trị khỏi. Tuy nhiên, thường xuyên sử dụng các loại dầu gội trị gàu có thể giúp ngăn gàu quay trở lại. Ngoài ra còn có các cách khác để ngăn ngừa gàu như:
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm giàu axit béo omega3, kẽm, vitamin B và men vi sinh.
- Hạn chế căng thẳng
- Hạn chế làm tóc, chẳng hạn như nhuộm tóc, tẩy tóc. Việc tiếp xúc nhiều với hóa chất làm tóc sẽ khiến da đầu bị kích ứng và tăng nguy cơ bị gàu
- Không gội đầu bằng nước nóng
Điều chỉnh việc chăm sóc tóc cho phù hợp với tình trạng da đầu. Nếu da dầu thì nên gội đầu thường xuyên bằng dầu gội dịu nhẹ, còn nếu da đầu khô và nhạy cảm thì không nên gội đầu nhiều và chú ý dưỡng ẩm cho da đầu.