Hóa trị trong bàng quang: Hiệu quả và rủi ro

Hóa trị trong bàng quang được sử dụng chủ yếu để điều trị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ, nguy cơ thấp đến trung bình. Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ có nghĩa là ung thư chưa lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang và chưa lan ra khỏi bàng quang đến các bộ phận khác của cơ thể. Loại ung thư này phát triển khá chậm.

Hóa trị trong bàng quang: Hiệu quả và rủi ro
Hóa trị trong bàng quang: Hiệu quả và rủi ro

Hóa trị trong bàng quang là gì?

Khi nói đến điều trị ung thư, hóa trị vẫn là một lựa chọn phổ biến.

Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc mạnh để ngăn chặn tế bào ung thư phân chia, phát triển và lan rộng.

Hầu hết các loại thuốc hóa trị được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch hoặc dùng qua đường uống. Loại thuốc hóa trị mà người bệnh cần dùng tùy thuộc vào loại ung thư, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe tổng thể.

Bệnh ung thư bàng quang còn được điều trị bằng một phương pháp hóa trị khác là hóa trị trong bàng quang, trong đó thuốc hóa trị được đưa trực tiếp vào bàng quang bằng cách sử dụng ống thông (ống hẹp, mềm) đưa qua niệu đạo.

Hóa trị trong bàng quang được sử dụng khi nào?

Hóa trị trong bàng quang được sử dụng chủ yếu để điều trị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ, nguy cơ thấp đến trung bình. Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ có nghĩa là ung thư chưa lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang và chưa lan ra khỏi bàng quang đến các bộ phận khác của cơ thể. Loại ung thư này phát triển khá chậm.

Thông thường, bác sĩ thực hiện hóa trị trong bàng quang sau quá trình phẫu thuật cắt u bàng quang qua niệu đạo (TURBT).

Mới đây, phương pháp hóa trị trong bàng quang được khuyến nghị cho những người vừa trải qua phẫu thuật cắt bỏ thận – niệu quản để điều trị ung thư thận.

Khi được thực hiện sau phẫu thuật trong những trường hợp này, hóa trị trong bàng quang chỉ được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu (loại ung thư tương tự như ung thư bàng quang).

Đôi khi, hóa trị trong bàng quang cũng được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ có nguy cơ cao (phát triển nhanh hơn).

Quy trình hóa trị trong bàng quang

Trong quá trình hóa trị trong bàng quang, một ống thông được đưa vào niệu đạo và vào bàng quang của người bệnh. Nếu gần đây vừa mới trải qua phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang và vẫn đang sử dụng ống thông tiểu thì thuốc hóa trị sẽ được đưa qua ống thông tiểu này mà không cần phải đặt ống thông mới.

Đôi khi, thuốc hóa trị được làm nóng trước khi đưa vào cơ thể người bệnh. Sau khi thuốc được đưa vào bàng quang, ống thông sẽ được rút ra. Người bệnh có thể đứng lên và đi lại trong quá trình điều trị.

Ống thông cũng có thể được để nguyên trong quá trình điều trị nhưng túi được kẹp chặt để giữ thuốc hóa trị trong bàng quang. Nếu để lại ống thông trong quá trình điều trị, ống thông sẽ được rút ra sau khoảng 1 giờ.

Người bệnh có thể sẽ có cảm giác bàng quang rất đầy sau khi điều trị. Sau khi kết thúc quá trình điều trị, người bệnh không được đi tiểu trong khoảng 1 giờ để giữ thuốc lại trong bàng quang.

Lưu ý sau khi hóa trị trong bàng quang

Quá trình phục hồi sau khi hóa trị trong bàng quang ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, thông thường, người bệnh sẽ phải thực hiện một số biện pháp phòng ngừa trong vòng 6 giờ sau điều trị.

Các biện pháp này nhằm giúp bản thân người bệnh và những người khác không tiếp xúc trực tiếp với thuốc hóa trị trong bàng quang. Một số lưu ý quan trọng gồm có:

  • Đi tiểu ở tư thế ngồi để tránh nước tiểu bắn vào bồn cầu
  • Rửa vùng sinh dục bằng xà phòng sau khi đi tiểu để loại bỏ thuốc hóa trị dính trên da
  • Rửa tay kỹ xà phòng sau khi đi tiểu

Trong 2 ngày sau khi điều trị, người bệnh cần uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày để đào thải thuốc ra khỏi bàng quang.

Hiệu quả của hóa trị trong bàng quang

Trong nhiều trường hợp, hóa trị trong bàng quang giúp ngăn ngừa ung thư phát triển trở lại ở bàng quang sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang hoặc thận. Nếu không điều trị bằng hóa trị trong bàng quang, ung thư bàng quang và ung thư thận sẽ dễ tái phát và tiến triển hơn.

Tác dụng phụ của hóa trị trong bàng quang

Thuốc hóa trị có tác dụng mạnh và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, bao gồm cả những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Hóa trị trong bàng quang có nghĩa là đưa thuốc điều trị ung thư trực tiếp vào bàng quang thay vì đưa vào máu. Vì thế nên thuốc thường không đến được và ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Điều này giúp tránh được nhiều tác dụng phụ của phương pháp hóa trị qua đường tĩnh mạch và đường uống.

Tuy nhiên, hóa trị trong bàng quang vẫn có thể gây tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ thường gặp gồm có:

  • Khó chịu hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Tăng tần suất đi tiểu
  • Máu trong nước tiểu (nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng)
  • Niêm mạc bàng quang trong nước tiểu

Ngoài ra, hóa trị trong bàng quang còn có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Hãy báo ngay cho bác sĩ ngay nếu người bệnh nhận thấy các tác dụng phụ sau đây:

  • Phát ban ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Nước tiểu có mùi bất thường hoặc đục
  • Đau bộ phận sinh dục
  • Đau bụng dữ dội

Hóa trị trong bàng quang phù hợp với những ai?

Hóa trị trong bàng quang hầu như luôn được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang xâm lấn không cơ, có nguy cơ thấp đến trung bình. Phương pháp điều trị này thường được thực hiện sau phẫu thuật cắt khối u bàng quang qua niệu đạo. Nhưng trong một số trường hợp, hóa trị trong bàng quang được sử dụng để điều trị bệnh ung thư bàng quang không xâm lấn cơ có nguy cơ cao.

Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất dựa trên tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang khác

Ngoài hóa trị trong bàng quang còn nhiều phương pháp khác để điều trị bệnh ung thư bàng quang. Thông thường, bác sĩ chỉ định kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau để loại bỏ ung thư một cách hiệu quả nhất.

Những trường hợp ung thư bàng quang các giai đoạn sau hoặc di căn có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch toàn thân, xạ trị và hóa trị liệu toàn thân.

Phẫu thuật

Hầu hết các ca bệnh ung thư bàng quang đều cần điều trị bằng phẫu thuật. Các loại phẫu thuật phổ biến được sử dụng để điều trị bệnh ung thư bàng quang gồm có:

  • Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT): điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu (không xâm lấn cơ)
  • Cắt toàn bộ bàng quang: điều trị ung thư bàng quang xâm lấn cơ.
  • Cắt một phần bàng quang: cắt đi phần bàng quang có khối u. Phương pháp này giúp giữ lại bàng quang nhưng kích thước bàng quang sau phẫu thuật sẽ nhỏ lại.
  • Cắt bàng quang triệt để: cắt bỏ bàng quang cùng các hạch bạch huyết xung quanh. Loại phẫu thuật này dành cho những trường hợp ung thư đã lan rộng khắp bàng quang và các hạch bạch huyết lân cận.

Liệu pháp miễn dịch

Trong một số trường hợp, bệnh ung thư bàng quang có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Phương pháp điều trị này sử dụng các loại thuốc giúp hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư.

Các loại thuốc miễn dịch có thể được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch hoặc đưa trực tiếp vào bàng quang.

Xạ trị

Ung thư bàng quang thường được điều trị bằng phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài, trong đó sử dụng một thiết bị chiếu chùm tia phóng xạ vào khu vực có khối u trong cơ thể người bệnh. Xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu nhưng cũng có thể được sử dụng trong những trường hợp không thể phẫu thuật.

Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị (hóa xạ trị đồng thời).

Hóa trị toàn thân

Tương tự như hóa trị trong bàng quang, hóa trị liệu toàn thân cũng sử dụng các loại thuốc giúp ngăn chặn tế bào ung thư nhân lên và phát triển.

Tuy nhiên, thay vì được đưa trực tiếp vào bàng quang, thuốc hóa trị liệu được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch hoặc dùng qua đường uống. Sau đó thuốc sẽ đi vào máu và tiêu diệt tế bào ung thư khắp cơ thể.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp sử dụng các loại thuốc nhắm đến các yếu tố giúp tế bào ung thư phân chia, phát triển và lan rộng. Liệu pháp nhắm trúng đích có thể được sử dụng trong những trường hợp ung thư bàng quang kháng thuốc hóa trị.

Một số câu hỏi thường gặp về hóa trị trong bàng quang

Hóa trị trong bàng quang có đau không?

Hóa trị trong bàng quang có thể gây đau và khó chịu. Người bệnh có thể sẽ cảm thấy bàng quang căng đầy trong quá trình điều trị.

Hóa trị trong bàng quang có gây rụng tóc không?

Vì thuốc hóa trị được đưa trực tiếp vào bàng quang nên sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và gây ra tác dụng phụ toàn thân như phương pháp hóa trị khác. Hầu hết người bệnh đều không bị rụng tóc trong quá trình điều trị bằng phương pháp hóa trị trong bàng quang.

Quá trình hóa trị trong bàng quang để điều trị ung thư bàng quang kéo dài bao lâu?

Đôi khi, hóa trị trong bàng quang được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ có nguy cơ cao (phát triển nhanh hơn). Ung thư càng phát triển và lan rộng nhanh thì việc điều trị càng phải tích cực.

Quá trình hóa trị trong bàng quang có thể kéo dài 1 đến 3 năm, tùy thuộc vào mức độ đáp ứng điều trị.

Có thể quan hệ tình dục sau khi hóa trị trong bàng quang không?

Người bệnh có thể quan hệ tình dục sau khi hóa trị trong bàng quang. Tuy nhiên, phải tắm rửa sạch sẽ và sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác để bản thân và bạn tình không tiếp xúc với thuốc hóa trị.

Người bênh có thể hỏi bác sĩ về thời điểm có thể ngừng sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.

Tóm tắt bài viết

Hóa trị trong bàng quang là một phương pháp điều trị một số loại ung thư bàng quang và các loại ung thư thận ít phổ biến.

Trong phương pháp này, thuốc hóa trị được đưa trực tiếp vào bàng quang qua ống thống đặt vào niệu đạo thay vì được đưa vào máu.

Thông thường, hóa trị trong bàng quang được thực hiện sau phẫu thuật cắt bỏ khối u để ngăn ngừa ung thư tái phát. Mặc dù hóa trị trong bàng quang có nguy cơ tác dụng phụ thấp hơn so với các loại hóa trị liệu khác nhưng người bệnh vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh, đồng thời đảm bảo việc điều trị có hiệu quả tối ưu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *