Insulin tác dụng kéo dài còn được gọi là insulin nền (basal insulin) vì loại insulin này liên tục hoạt động trong cơ thể suốt cả ngày để giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Insulin tác dụng kéo dài: Cơ chế hoạt động và cách sử dụng
Insulin là gì?
Khi chúng ta ăn uống, tuyến tụy tiết ra một loại hormone có tên là insulin. Insulin giúp di chuyển đường (glucose) từ máu vào tế bào, tại đây đường được sử dụng để tạo năng lượng hoặc dự trữ. Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và một số người mắc tiểu đường type 2 cần sử dụng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu do tuyến tụy không sản xuất đủ (hoặc hoàn toàn không sản xuất) insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả. Việc tiêm insulin thường xuyên sẽ thay thế hoặc hỗ trợ chức năng bình thường của tuyến tụy. Người bệnh thường phải tiêm insulin vào trước bữa ăn để ngăn ngừa tăng đường huyết sau ăn. Nhưng trong khoảng thời gian giữa các bữa ăn, người bệnh cũng cần tiêm một lượng nhỏ insulin để giữ lượng đường trong máu ổn định. Loại insulin được sử dụng lúc này là insulin tác dụng kéo dài.
Các loại insulin
Có nhiều loại insulin. Mỗi loại đều khác nhau về:
- Thời gian phát huy tác dụng: thời gian để insulin đi vào máu và bắt đầu làm giảm lượng đường trong máu
- Thời gian đạt hiệu quả tối đa: khi insulin có tác động mạnh nhất đến lượng đường trong máu.
- Thời gian duy trì tác dụng: insulin kiểm soát lượng đường trong máu trong bao lâu.
Theo Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), có 5 loại insulin là:
- Insulin tác dụng nhanh: bắt đầu phát huy tác dụng chỉ 15 phút sau khi tiêm, đạt hiệu quả tối đa trong vòng 60 phút và tác dụng kéo dài từ 3 đến 5 giờ.
- Insulin tác dụng ngắn: mất khoảng 30 đến 60 phút để bắt đầu phát huy tác dụng, đạt hiệu quả tối đa trong vòng 2 đến 3 giờ và hiệu quả có thể kéo dài từ 3 đến 6 giờ. Loại này còn được gọi là insulin thường.
- Insulin tác dụng trung bình: cần từ 2 đến 4 giờ để bắt đầu phát huy tác dụng, đạt hiệu quả tối đa trong vòng 8 giờ và hiệu quả duy trì trong 12 đến 16 giờ.
- Insulin tác dụng kéo dài: loại này lâu phát huy tác dụng nhất. Insulin tác dụng kéo dài có thể mất từ 2 đến 4 giờ để đi vào máu.
- Insulin trộn/hỗn hợp: sự kết hợp của hai loại insulin khác nhau: một loại kiểm soát lượng đường trong máu trong bữa ăn và một loại kiểm soát lượng đường trong máu giữa các bữa ăn.
Insulin tác dụng kéo dài
Insulin tác dụng dài không đạt hiệu quả tối đa giống như insulin tác dụng ngắn, loại insulin này có thể kiểm soát lượng đường trong máu trong suốt cả ngày. Điều này cũng tương tự như hoạt động của insulin tự nhiên được tạo ra bởi tuyến tụy.
Insulin tác dụng kéo dài còn được gọi là insulin nền (basal insulin) vì loại insulin này liên tục hoạt động trong cơ thể suốt cả ngày để giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Hiện nay có 4 loại insulin tác dụng kéo dài:
- Insulin glargine (Lantus), tác dụng kéo dài đến 24 giờ
- Insulin detemir (Levemir), tác dụng kéo dài từ 18 đến 23 giờ
- Insulin glargine (Toujeo), tác dụng kéo dài hơn 24 giờ
- Insulin degludec (Tresiba), tác dụng kéo dài đến 42 giờ
- Insulin glargine (Basaglar), tác dụng kéo dài đến 24 giờ
Mặc dù cả Lantus và Toujeo đều là insulin glargine được sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất nhưng liều dùng có thể hơi khác nhau một chút. Lý do là vì Lantus và Toujeo có nồng độ hoạt chất khác nhau nên khả năng kiểm soát lượng đường trong máu không hoàn toàn giống nhau. Do có những khác biệt này nên không thể dùng Lantus thay cho Toujeo và ngược lại. Mỗi loại sẽ phù hợp với một số trường hợp nhất định.
Cách sử dụng insulin tác dụng kéo dài
Thông thường, người bệnh tiêm insulin tác dụng kéo dài mỗi ngày một lần để giữ lượng đường trong máu ổn định. Có thể tiêm insulin bằng bơm kim tiêm hoặc bút tiêm. Phải nhớ tiêm insulin tác dụng kéo dài vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tránh tình trạng có những khoảng thời gian mà đường huyết không được kiểm soát hoặc các liều insulin quá gần nhau, điều này khiến cho các liều hoạt động chồng chéo lên nhau.
Người bệnh có thể sẽ phải sử dụng thêm insulin tác dụng ngắn trước bữa ăn để ngăn lượng đường trong máu tăng vọt sau khi ăn.
Khi chuyển sang một loại insulin tác dụng kéo dài khác thì sẽ phải thay đổi liều dùng. Người bệnh phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi loại và liều insulin.
Tác dụng phụ của insulin tác dụng kéo dài
Giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, tiêm insulin cũng có thể gây tác dụng phụ.
Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất là hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Các triệu chứng của hạ đường huyết gồm có:
- Chóng mặt
- Ớn lạnh
- Mờ mắt
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Ngất xỉu
- Da, môi nhợt nhạt
- Thở gấp
- Tim đập nhanh
- Hồi hộp, bồn chồn
- Đói cồn cào
Các vấn đề khác có thể xảy ra khi tiêm insulin còn có đau hoặc sưng đỏ tại vị trí tiêm.
Đôi khi insulin được sử dụng kết hợp với thiazolidinedione – một nhóm thuốc điều trị tiểu đường đường uống gồm có các loại thuốc như Actos và Avandia. Dùng insulin cùng với thiazolidinedione có thể làm tăng nguy cơ tích nước, phù nề và suy tim.
Những người dùng insulin degludec có thể cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa vì tác dụng kéo dài của loại insulin này trong cơ thể. Liều dùng sẽ đuọc tăng từ từ, cách nhau ít nhất 3 đến 4 ngày. Loại insulin này cũng lâu bị đào thải khỏi cơ thể hơn.
Chọn loại insulin nào?
Tất cả các loại insulin đều có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin và lịch tiêm insulin phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.