Khi nào cần xét nghiệm chức năng thận?
Tại sao cần xét nghiệm chức năng thận?
Đa phần mỗi chúng ta có hai quả thận ở hai bên cột sống với kích thước xấp xỉ một bàn tay. Chúng nằm ở phía sau thành bụng, bên dưới lồng ngực.
Thận đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Một trong những chức năng quan trọng nhất của thận là lọc chất thải từ máu và “trục xuất” chúng ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Thận còn có nhiệm vụ kiểm soát lượng nước và các khoáng chất thiết yếu khác nhau trong cơ thể. Ngoài ra, cơ quan này còn nắm giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình sản sinh:
- vitamin D
- hồng cầu
- hormone điều hòa huyết áp
Nếu bạn đang gặp những dấu hiệu bất thường mà bác sĩ nghi nguyên nhân là do thận có vấn đề thì sẽ cần làm các xét nghiệm chức năng thận. Đây đều là những xét nghiệm máu và nước tiểu đơn giản giúp xác định vấn đề đang xảy ra ở thận.
Bạn cũng sẽ cần làm xét nghiệm chức năng thận nếu đang mắc phải các bệnh lý khác có thể gây hại cho thận, ví dụ như bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp. Các xét nghiệm này giúp theo dõi ảnh hưởng của những vấn đề này lên thận.
Dấu hiệu của các vấn đề về thận
Các vấn đề với thận thường bộc lộ một số dấu hiệu thường gặp như:
- Cao huyết áp
- Nước tiểu có lẫn máu
- Đi tiểu nhiều
- Tiểu khó
- Đau buốt khi tiểu
- Sưng phù bàn tay và bàn chân do tích tụ chất lỏng trong cơ thể
Nếu chỉ bị một triệu chứng thì chưa hẳn thận đã có vấn đề nhưng khi gặp cùng lúc nhiều triệu chứng nêu trên thì chứng tỏ thận đang hoạt động không bình thường và cần xét nghiệm chức năng thận để xác định nguyên do.
Xét nghiệm chức năng thận gồm những gì?
Để kiểm tra chức năng thận, bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm khác nhau nhằm xác định độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate – GFR). Chỉ số độ lọc cầu thận cho biết tốc độ mà thận đang đào thải các chất thải ra khỏi cơ thể.
Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
Phương pháp xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu giúp chỉ ra sự hiện diện của protein và máu trong nước tiểu. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng có protein trong nước tiểu (đạm niệu hay protein niệu) và không phải lúc nào cũng là do bệnh tật. Mặc dù nhiễm trùng sẽ làm tăng lượng protein trong nước tiểu nhưng việc tập luyện cường độ nặng cũng gây nên vấn đề này. Sau lần xét nghiệm đầu tiên, để đảm bảo có kết quả chính xác, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm lại một lần nữa sau vài tuần và xem kết quả có gì thay đổi hay không.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để bác sĩ kiểm tra tốc độ mà creatinin được đào thải ra khỏi cơ thể. Creatinin là sản phẩm từ quá trình thoái hóa của creatin trong mô cơ.
Creatinin huyết tương
Chỉ số xét nghiệm creatinin huyết tương cho biết creatinin có tích tụ trong máu hay không. Bình thường, thận có thể lọc hoàn toàn creatinin ra khỏi máu nhưng khi có một vấn đề về thận, nồng độ creatinin trong máu sẽ tăng lên.
Cụ thể, theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (NKF), nồng độ creatinin cao hơn 1,2 miligam/deciliter (mg/dL) đối với phụ nữ và 1,4 mg/dL đối với nam giới là dấu hiệu của vấn đề về thận.
Ure máu (BUN)
Chỉ số xét nghiệm ure máu (BUN) cũng giúp kiểm tra các sản phẩm thải trong máu. Xét nghiệm này đo lượng urea nitrogen trong máu. Đây là sản phẩm cuối của quá trình chuyển hóa protein.
Tuy nhiên, chỉ số ure máu cao chưa chắc đã là dấu hiệu chỉ ra tổn thương thận. Các loại thuốc thông thường, bao gồm cả aspirin liều cao và một số loại kháng sinh đều có thể làm tăng nồng độ ure máu. Trước khi làm xét nghiệm, bạn cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà gần đây bạn đang dùng. Có thể bạn sẽ phải dừng một số loại thuốc trong một vài ngày trước khi làm xét nghiệm.
Chỉ số ure máu trong khoảng từ 7 đến 20mg/dL là mức bình thường. Nếu cao hơn thế thì đó là dấu hiệu chỉ ra một số vấn đề sức khỏe khác nhau.
Độ lọc cầu thận ước tính (Estimated GFR)
Đây là giá trị cho thấy chức năng lọc chất thải của thận đang ở mức nào. Giá trị này ước tính chức năng của thận dựa trên các yếu tố khác nhau như:
- Các kết quả xét nghiệm khác, nhất là nồng độ creatinin
- Tuổi tác
- Giới tính
- Chủng tộc
- Chiều cao
- Cân nặng
Nếu chỉ số độ lọc cầu thận ước tính dưới 60ml/phút/1.73m2 thì đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận.
Quy trình làm xét nghiệm
Các xét nghiệm chức năng thận thường gồm có xét nghiệm nước tiểu 24 giờ và xét nghiệm máu.
Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ
Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ là một phương pháp xét nghiệm độ thanh thải creatinin, có nghĩa là giúp xác định lượng creatinin mà cơ thể thải ra ngoài trong một ngày.
Với phương pháp này, bạn cần lấy mẫu nước tiều trong vòng 24 tiếng liên tục. Sau khi thức dậy, tiểu bỏ trong lần đầu tiên (cứ đi tiểu bình thường mà chưa cần lấy mẫu nước tiểu).
Bắt đầu từ lần đi tiểu kế tiếp thì tiểu vào bình đựng đặc biệt do bác sĩ cung cấp (có chứa một loại thuốc bảo quản). Sau mỗi lần lấy mẫu phải chú ý đóng chặt nắp và giữ trong tủ mát.
Khi thức dậy vào buổi sáng hôm sau, căn đúng thời gian bắt đầu lấy nước tiểu của ngày hôm trước và đi tiểu lần cuối vào bình chứa. Như vậy là hoàn thành quá trình lấy mẫu nước tiểu 24 giờ.
Làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và đem mẫu nước tiểu đến nộp cho phòng xét nghiệm.
Xét nghiệm máu
Để làm xét nghiệm ure máu và creatinin huyết tương, bạn sẽ được lấy mẫu máu tại bệnh viện.
Đầu tiên bác sĩ sẽ buộc dây garo quanh bắp tay để làm nổi các tĩnh mạch. Sau đó bác sĩ sát trùng vùng da bên trên tĩnh mạch và đưa đầu kim tiêm qua da vào tĩnh mạch để rút máu. Máu được chứa bên trong ống nghiệm và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Sau khi lấy máu xong, bác sĩ sẽ đặt gạc và băng lên vị trí đâm kim.Bạn có thể sẽ cảm thấy hơi nhói hoặc ngứa khi kim đâm qua da. Vùng xung quanh vị trí này có thể sẽ hơi bầm trong vài ngày tiếp theo nhưng dần dần sẽ tự khỏi.
Điều trị bệnh thận ở giai đoạn sớm
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh thận và mới chỉ ở giai đoạn đầu thì bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp nhằm điều trị vấn đề về sức khỏe gây nên bệnh thận. Ví dụ, nếu xét nghiệm cho thấy bạn bị tăng huyết áp thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc để kiểm soát huyết áp. Còn nếu bạn bị tiểu đường thì bác sĩ sẽ chỉ định sang khoa nội tiết. Đây là khoa chuyên về các bệnh về chuyển hóa và tại đây bạn sẽ được thăm khám và chỉ dẫn các cách kiểm soát mức đường huyết.
Nếu các chỉ số xét nghiệm chức năng thận bất thường là do nguyên nhân khác, chẳng hạn như sỏi thận và sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau thì bác sĩ cũng sẽ có biện pháp thích hợp để xử lý vấn đề.
Khi kết quả xét nghiệm cho thấy điều bất thường thì bạn sẽ cần đi làm xét nghiệm chức năng thận thường xuyên hơn trong thời gian tới để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng một cách sát sao.