Xét nghiệm ADH đo nồng độ hormone chống bài niệu trong máu. Đây là hormone giúp thận kiểm soát lượng nước trong cơ thể. Xét nghiệm này thường được kết hợp với các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân khiến nồng độ ADH trong máu quá cao hoặc quá thấp.
Khi nào cần xét nghiệm hormone chống bài niệu (ADH)?
Vai trò của ADH trong cơ thể
Hormone chống bài niệu (antidiuretic hormone – ADH) còn được gọi là arginine vasopressin. Đây là một loại hormone được tạo ra bởi vùng dưới đồi trong não và được lưu trữ ở tuyến yên sau. ADH báo cho thận biết cần giữ lại bao nhiêu nước.
ADH liên tục điều chỉnh và cân bằng lượng nước trong máu. Lượng nước cao sẽ làm tăng thể tích và áp suất máu. Các thụ thể cảm áp và thụ thể nhận cảm thẩm thấu phối hợp với ADH để duy trì quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể.
Các thụ thể nhận cảm thẩm thấu ở vùng dưới đồi phản ứng với nồng độ các hạt trong máu. Những hạt này gồm có các phân tử natri, kali, clorua và carbon dioxide. Khi nồng độ hạt không cân bằng hoặc huyết áp quá thấp, các thụ thể cảm áp và thụ thể nhận cảm thẩm thấu sẽ báo cho thận giữ lại nước hoặc tăng bài tiết nước tiểu để duy trì nồng độ các chất này trong phạm vi lành mạnh. Chúng còn kiểm soát cảm giác khát nước.
Mục đích của xét nghiệm ADH
Nồng độ ADH bình thường là 1 – 5 picogram trên mililit (pg/mL). Nồng độ ADH quá thấp hoặc quá cao có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Thiếu ADH
Quá ít ADH trong máu có thể do uống nhiều nước hoặc độ thẩm thấu máu thấp, có nghĩa là nồng độ các hạt trong máu thấp.
Nguyên nhân gây ra mức ADH thấp đôi khi là bệnh đái tháo nhạt trung ương – một rối loạn chuyển hóa nước hiếm gặp. Bệnh đái tháo nhạt trung ương có đặc trưng là sự giảm sản xuất ADH bởi vùng dưới đồi hoặc giảm giải phóng ADH từ tuyến yên.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh đái tháo nhạt trung ương gồm có đa niệu (lượng nước tiểu nhiều), sau đó là khát nước cực độ.
Người mắc bệnh đái tháo nhạt trung ương thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn do phải thức dậy đi tiểu liên tục. Nước tiểu của người bị đái tháo nhạt trung ương thường trong suốt không màu, không mùi và có nồng độ các hạt thấp bất thường.
Bệnh đái tháo nhạt trung ương có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng nếu không được điều trị. Cơ thể sẽ không có đủ nước để hoạt động bình thường.
Đái tháo nhạt và đái tháo đường là hai bệnh lý khác nhau hoàn toàn. Bệnh đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin hoặc đáp ứng kém với insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
Thừa ADH
Hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp (SIADH) có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có quá nhiều ADH trong máu. Các triệu chứng SIADH cấp tính gồm có đau đầu, buồn nôn hoặc nôn. Nếu tình trạng nghiêm trọng, người bệnh có thể bị hôn mê và co giật.
Mức ADH cao có thể là do:
- Bệnh bạch cầu
- Ung thư hạch
- Ung thư phổi
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư bàng quang
- Ung thư não
- Các bệnh ung thư làm tăng sản xuất ADH
- Hội chứng Guillain-Barré
- Bệnh đa xơ cứng
- Động kinh
- Rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính không liên tục – một bệnh di truyền ảnh hưởng đến quá trình sản xuất heme (một thành phần quan trọng của máu)
- Bệnh xơ nang
- Khí phế thũng
- Bệnh lao
- HIV/AIDS
Mất nước, chấn thương não và phẫu thuật cũng có thể gây ra tình trạng thừa ADH.
Bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận cũng có thể ảnh hưởng đến mức ADH trong cơ thể. Ở những người mắc đái tháo nhạt nguồn gốc thận, trong máu vẫn có đủ lượng ADH nhưng thận lại không thể đáp ứng với ADH và dẫn đến nước tiểu rất loãng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận cũng tương tự như bệnh đái tháo nhạt trung ương, gồm có đa niệu, sau đó là khát nước cực độ. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý này sẽ cho biết mức ADH, quá đó có thể phân biệt với bệnh đái tháo nhạt trung ương.
Giống như đái tháo nhạt trung ương, bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận cũng không liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Xét nghiệm ADH được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm ADH là một xét nghiệm máu nên sẽ phải lấy mẫu máu. Nhân viên y tế sẽ lấy máu từ tĩnh mạch ở cánh tay của người bệnh. Quá trình lấy máu như sau:
- Xác định vị trí lấy máu và sát khuẩn.
- Quấn dây garo quanh bắp tay để làm nổi tĩnh mạch.
- Đưa kim tiêm vào tĩnh mạch và rút lượng máu cần thiết.
- Khi đã lấy đủ lượng máu, tháo dây garo, đặt bông lên vị trí lấy máu và nhanh chóng rút kim.
- Bơm máu vào ống nghiệm.
Chuẩn bị trước xét nghiệm
Một số loại thuốc có ảnh hưởng đến nồng độ ADH trong máu. Nếu như đang dùng các loại thuốc dưới đây thì có thể bạn sẽ phải tạm ngừng trước khi làm xét nghiệm ADH:
- clonidine, một loại thuốc điều trị cao huyết áp
- thuốc lợi tiểu
- haloperidol, một loại thuốc dùng để điều trị rối loạn tâm thần và hành vi
- insulin
- thuốc lithium
- morphine
- nicotine
- steroid
Ngoài ra bạn còn phải kiêng rượu bia trước xét nghiệm.
Rủi ro của xét nghiệm ADH
Giống như các xét nghiệm máu khác, xét nghiệm ADH rất an toàn nhưng đôi khi có thể xảy ra một số vấn đề không mong muốn như:
- Chảy máu nhiều
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Tụ máu dưới da, gây bầm tím
- Nhiễm trùng tại vị trí lấy máu
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm
Mức ADH cao bất thường có thể là do:
- Chấn thương não
- U não
- Nhiễm trùng não
- Nhiễm trùng hoặc u thần kinh trung ương
- Nhiễm trùng phổi
- Ung thư phổi tế bào nhỏ
- Mất cân bằng chất lỏng sau phẫu thuật
- Hội chứng tăng tiết adh không thích hợp (SIADH)
- Đột quỵ
- Bệnh đái tháo nhạt nguồn gốc thận
- Rối loạn chuyển hóa porphyrin
Mức ADH thấp bất thường có thể là do:
- Tổn thương tuyến yên
- Chứng uống nhiều tiên phát
- Đái tháo nhạt trung ương
Bước tiếp theo sau xét nghiệm ADH
Kết quả xét nghiệm ADH thường không đủ để đưa ra chẩn đoán. Nếu mức ADH cao hoặc thấp bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm độ thẩm thấu máu hoặc nước tiểu: xét nghiệm đo nồng độ các hạt hòa tan trong huyết thanh và nước tiểu.
- Xét nghiệm điện giải đồ: xét nghiệm đo lượng chất điện giải, thường là natri hoặc kali, trong máu.
- Nghiệm pháp ngừng uống nước: kiểm tra tần suất đi tiểu khi không uống nước trong vài giờ.