Sucralose hay Splenda là một loại chất làm ngọt nhân tạo thường được sử dụng thay cho đường mía. Chất làm ngọt này có những lợi ích và tác hại như thế nào đối với người mắc bệnh tiểu đường?
Lợi ích và tác hại của sucralose đối với bệnh tiểu đường
Một quy tắc cơ bản về chế độ ăn uống đối với những người mắc bệnh tiểu đường là phải hạn chế tiêu thụ đường. Nói chung, chúng ta có thể dễ dàng phát hiện đường tự nhiên trong đồ ăn, thức uống nhưng đường đã qua xử lý thường khó xác định hơn.
Một trong những loại đường đã qua xử lý là sucralose. Hãy cùng tìm hiểu xem sucralose có ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường trong máu và loại chất làm ngọt này có lợi hay có hại cho người bệnh tiểu đường.
Lợi ích của sucralose
Sucralose hay Splenda là một loại chất làm ngọt nhân tạo thường được sử dụng thay cho đường mía.
Một trong những lợi ích chính của sucralose là không chứa calo. (1) Điều này có lợi cho những người đang phải cắt giảm lượng calo trong chế độ ăn.
Sucralose ngọt hơn đường mía nên nhiều người thích sử dụng sucralose hơn là đường. Chỉ cần thêm một lượng nhỏ sucralose là sẽ tạo được vị ngọt cho đồ ăn hoặc thức uống.
Do sucralose không chứa calo nên thay đường mía bằng sucralose có thể giúp giảm cân.
Một tổng quan nghiên cứu gồm các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho thấy rằng các chất làm ngọt nhân tạo như sucralose có thể giúp giảm trung bình khoảng 0,7kg cân nặng. (2)
Và không giống như một số chất làm ngọt khác, sucralose không gây sâu răng.
Tác hại của sucralose
Sucralose có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột.
Các vi khuẩn có lợi trong đường ruột có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, chúng giúp tăng cường chức năng miễn dịch, bảo vệ sức khỏe tim mạch, kiểm soát cân nặng và còn có nhiều lợi ích khác.
Các nghiên cứu trên động vật gặm nhấm chỉ ra rằng sucralose có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và có thể làm giảm số lượng một số loại lợi khuẩn, dẫn đến phản ứng viêm ở các cơ quan nội tạng như gan.
Các nghiên cứu trên sinh vật sống cho thấy sucralose có thể làm thay đổi nồng độ hormone trong đường tiêu hóa và dẫn đến những bất thường có thể góp phần gây ra các dạng rối loạn chuyển hóa như béo phì hay bệnh tiểu đường type 2.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tình trạng rối loạn chuyển hóa do sucralose gây ra có thể dẫn đến không dung nạp glucose và điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa, đặc biệt là nghiên cứu trên người để hiểu rõ về mối liên hệ giữa sucralose và sức khỏe đường ruột.
Ngoài tác động đến sức khỏe đường ruột, sucralose còn có một số tác hại khác.
Sử dụng sucralose trong nấu ăn có thể gây nguy hiểm.
Ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như trong quá trình nấu hoặc nướng, sucralose sẽ bị phân hủy và tạo thành các hợp chất clo có khả năng gây ngộ độc.
Theo như các dữ liệu nghiên cứu hiện có, những rủi ro của việc dùng sucralose trong nấu ăn đối với sức khỏe vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Do đó, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng chất làm ngọt nhân tạo này.
Sucralose tác động như thế nào đến bệnh tiểu đường?
Các chất làm ngọt nhân tạo như sucralose được cho là sẽ không làm tăng lượng đường trong máu nên được sử dụng trong nhiều sản phẩm ăn kiêng dành cho bệnh nhân tiểu đường.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được xác nhận bởi các nghiên cứu lớn.
Một số nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng sucralose ít hoặc không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu ở những người có cân nặng bình thường thường xuyên sử dụng sucralose.
Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây lại cho thấy sucralose có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột.
Một nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng sucralose làm tăng lượng đường trong máu lên 14% và mức insulin lên 20% ở 17 người bị béo phì nghiêm trọng không thường xuyên ăn đồ chứa chất làm ngọt nhân tạo.
Những kết quả nghiên cứu này cho thấy sucralose có thể làm tăng lượng đường trong máu ở những người mới sử dụng nhưng ít ảnh hưởng đến những người dùng thường xuyên.
Ở những người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không sản xuất insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả và sự tăng đột ngột lượng đường trong máu có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Người bệnh tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ sucralose.
Có nên thay đường mía bằng sucralose không?
Sucralose có thể là một cái tên xa lạ với nhiều người nhưng trên thực tế, chất làm ngọt nhân tạo này có mặt trong rất nhiều sản phẩm quen thuộc, chẳng hạn như nước ngọt ăn kiêng ít hoặc không đường, nước ép trái cây hay mứt trái cây không đường, kẹo cao su, sốt ướp thịt nướng, nước sốt trộn salad…
Cho dù bạn đã sử dụng sucralose hay mới đang nghĩ đến việc thay đường kính bằng sucralose thì cũng nên trao đổi với bác sĩ để xem liệu việc sử dụng sucralose có an toàn hay không.
Nếu bác sĩ xác nhận là an toàn thì trước tiên bạn nên xác định xem có thể dùng sucralose thay cho đường trong những loại đồ ăn hay thức uống nào.
Ví dụ, bạn có thể thay đường mía bằng sucralose khi pha cà phê.
Vì sucralose ngọt hơn đường nên chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ là đã có thể tạo ra vị ngọt tương đương.
Một khi đã quen với vị ngọt của sucralose, bạn có thể sử dụng chất làm ngọt này trong nhiều món ăn khác nhưng cần lưu ý, sử dụng sucralose trong nấu ăn sẽ không an toàn giống như khi sử dụng trong các món nguội.
Theo FDA, lượng tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được (Acceptable Daily Intake – ADI) đối với sucralose là 5 mg trên mỗi kg cân nặng. (3)
Ví dụ, một người trưởng thành nặng 68kg có thể tiêu thụ khoảng 28 gói Splenda trong một ngày.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có thể sử dụng lượng sucralose lớn như vậy hàng ngày. Tốt nhất chỉ nên tiêu thụ lượng sucralose vừa phải, đặc biệt là khi mắc bệnh tiểu đường.
Tóm tắt bài viết
Sucralose là một chất thay thế đường không chứa calo có thể giúp giảm cân nhưng vẫn có thể làm tăng lượng đường trong máu và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa sucralose vào chế độ ăn uống.
Mặc dù sucralose không chứa calo nhưng cũng chỉ nên sử dụng vừa phải và theo dõi lượng đường trong máu sau khi ăn.