Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính gây sưng đau và cứng khớp, thường xảy ra ở nhiều khớp cùng một lúc. Bệnh còn có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và mụn trứng cá
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp:
- cổ tay
- bàn tay
- bàn chân
- đầu gối
Tuy nhiên, tình trạng viêm còn có thể ảnh hưởng đến các mô ở phổi, mắt, tim và da.
Vì viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến da nên nhiều người thắc mắc liệu bệnh tự miễn này có thể gây mụn trứng cá hoặc các vấn đề về da khác hay không.
Mối liên hệ giữa bệnh tự miễn và mụn trứng cá
Điểm chung giữa mụn trứng cá và các bệnh tự miễn là đều xảy ra do viêm. Mặc dù mới có rất ít nghiên cứu nhưng các đợt tái phát bệnh tự miễn và mụn trứng cá có thể xảy ra cùng một lúc.
Trong bài viết này hãy cũng tìm hiểu xem bệnh viêm khớp dạng thấp và mụn trứng cá có mối liên hệ như thế nào, viêm khớp dạng thấp có thể gây ra những vấn đề về da nào khác và các cách điều trị mụn trứng cá.
Viêm khớp dạng thấp và mụn trứng cá
Không có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy mụn trứng cá có liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Mặc dù người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bị mụn trứng cá nhưng viêm khớp dạng thấp không phải nguyên nhân gây mụn trứng cá và ngược lại.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm khớp dạng thấp có liên quan đến một số vấn đề về da khác.
Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch nhầm lẫn và tấn công các mô khỏe mạnh của khớp. Điều này gây viêm ở các khớp.
Mụn trứng cá cũng xảy ra do viêm. Khi lỗ chân lông bị bít tắc và vi khuẩn gây mụn (P. acnes) phát triển quá mức trên da, hệ miễn dịch sẽ phản ứng và gây viêm. Điều này dẫn đến hình thành mụn trứng cá.
Mụn trứng cá thường xảy ra ở mặt, bắp tay, lưng và ngực.
Mụn trứng cá có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Yếu tố di truyền
- Thay đổi nội tiết tố
- Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời
- Một số loại thuốc
- Thường xuyên mặt quần áo chật
Các vấn đề về da do viêm khớp dạng thấp
Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc các vấn đề về da khác như:
Nốt dạng thấp
Khoảng 25% những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nốt dạng thấp, những cục cứng hình thành dưới da. Thông thường, nốt dạng thấp chỉ xảy ra ở những người có kết quả xét nghiệm dương tính với yếu tố dạng thấp (RF) hoặc kháng thể anti-CCP (cyclic citrullinated peptide).
Yếu tố dạng thấp là một loại protein mà hệ miễn dịch tạo ra. Yếu tố dạng thấp có liên quan đến phản ứng viêm, dẫn đến sự phá hủy các mô khỏe mạnh của cơ thể, đặc biệt là ở niêm mạc khớp.
Nam giới, nhất là người da trắng có nguy cơ bị nốt dạng thấp cao hơn. Nốt dạng thấp có kích thước từ vài mm đến vài cm, đa phần hình thành trên bề mặt cơ duỗi (khu vực bên ngoài khớp) ở các khu vực thường phải chịu áp lực như khuỷu tay, ngón tay và gót chân. Các nốt dạng thấp cũng có thể hình thành ở phổi.
Viêm mạch máu dạng thấp
Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp, xảy ra ở chưa đầy 1% số người mắc bệnh này. Viêm mạch máu thường xảy ra ở những trường hợp mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng và đã mắc bệnh một thời gian dài.
Viêm mạch máu dạng thấp xảy ra ở các mạch máu cỡ vừa và nhỏ khắp cơ thể, thường là những mạch máu mang máu đến dây thần kinh, các cơ quan và da.
Viêm mạch máu dạng thấp gây ra nhiều triệu chứng trên da, gồm có loét da và đốm đỏ.
Viêm da u hạt
Viêm da u hạt là một bệnh lý về da gây ra các mảng đỏ gây đau và ngứa trên da. Triệu chứng thường xảy ra ở thân trên và bên trong đùi nhưng cũng có thể xảy ra ở cả các khu vực khác trên cơ thể.
Viêm da u hạt không phổ biến và thường chỉ xảy ra ở những người bị viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng và có kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp dương tính.
Viêm tuyến mồ hôi mủ
Viêm tuyến mồ hôi mủ là một dạng viêm da xảy ra ở những vùng có tuyến mồ hôi tiết mùi. Viêm tuyến mồ hôi mủ gây ra những sẩn nhỏ giống như mụn trên da, theo thời gian tình trạng sẽ trở nên nặng hơn, gây ra các sẩn lớn, tụ áp-xe và sẹo.
Viêm tuyến mồ hôi mủ xảy ra khi nang lông hoặc tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn và thường xảy ra ở những khu vực có nếp gấp da như nách, bẹn, giữa hai mông, dưới bầu ngực, giữa các ngấn bụng,…
Nghiên cứu gần đây cho thấy những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bị viêm tuyến mồ hôi mủ cao hơn và ngược lại, bị viêm tuyến mồ hôi mủ cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp.
Tác động của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đến da
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây ra những vấn đề về da, chẳng hạn như phát ban. Bạn nên hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Điều trị mụn trứng cá và vấn đề về da do viêm khớp dạng thấp
Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp và nhận thấy những thay đổi về da thì nên đi khám. Nguyên nhân có thể là do bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Không nên tự ý ngừng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Có rất nhiều cách trị mụn trứng cá, từ các sản phẩm bôi ngoài da cho đến thuốc đường uống và các phương pháp điều trị chuyên sâu.
Thuốc trị mụn dạng bôi
Các loại thuốc trị mụn dạng bôi thường chứa các hoạt chất sau đây:
- Retinoid: loại bỏ tế bào da chết và làm thông thoáng lỗ chân lông
- Kháng sinh: tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trên da
- Axit azelaic: loại bỏ tế bào da chết và tiêu diệt vi khuẩn
- Benzoyl peroxide: làm giảm vi khuẩn gây mụn trên da
Thuốc trị mụn đường uống
Nếu bị mụn trứng cá nặng, bạn có thể cần dùng các loại thuốc đường uống như:
- Thuốc kháng sinh: giảm vi khuẩn gây mụn.
- Liệu pháp hormone: giúp trị mụn trứng cá do thay đổi nội tiết tố
- Isotretinoin: ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông và giảm sưng
Các phương pháp trị mụn khác
Ngoài ra còn có các liệu pháp trị mụn trứng cá khác như:
- Liệu pháp ánh sáng: tiêu diệt vi khuẩn gây mụn bằng các bước sóng ánh sáng như ánh sáng xanh
- Nặn mụn: loại bỏ mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Việc nặn mụn cần được thực hiện đúng kỹ thuật bằng dụng cụ vô trùng tại bệnh viện da liễu hoặc spa. Bạn không nên cố gắng nặn mụn tại nhà vì việc sử dụng tay hoặc dụng cụ không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Peel da hóa học: loại bỏ lớp tế bào trên bề mặt da, giúp cho lỗ chân lông thông thoáng.
Điều trị các vấn đề về da do viêm khớp dạng thấp
Việc điều trị vấn đề về da do viêm khớp dạng thấp tùy thuộc vào loại vấn đề cụ thể và mức độ nghiêm trọng. Tuy rằng đều có liên quan đến viêm khớp dạng thấp nhưng mỗi vấn đề về da cần có phương pháp điều trị khác nhau.
Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hay thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen để làm giảm triệu chứng đau rát khó chịu do các vấn đề về da.
Ngăn ngừa mụn trứng cá và các vấn đề về da do viêm khớp dạng thấp
Các cách giúp mụn trứng cá nhanh khỏi hơn và giảm nguy cơ nổi mụn:
- Rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng loại sữa rửa mặt phù hợp
- Rửa mặt ngay sau khi ra mồ hôi
- Tẩy trang nếu sử dụng kem chống nắng hoặc trang điểm
- Gội đầu hàng ngày nếu có da đầu dầu.
- Không chạm tay lên mặt
- Không tự nặn mụn tại nhà
- Sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa dầu nếu có da dầu
- Tẩy da chết thường xuyên
- Chọn mỹ phẩm không chứa dầu và thành phần gây bít tắc lỗ chân lông
- Ngủ đủ giấc
- Hạn chế stress
- Ăn nhiều rau củ quả
Kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp có thể giúp ngăn ngừa các biện chứng về da như viêm mạch máu dạng thấp, viêm da u hạt và viêm tuyến mồ hôi mủ. Để kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp, bạn cần sử dụng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Tóm tắt bài viết
Theo các nghiên cứu đến nay, không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và mụn trứng cá. Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp có liên quan đến các vấn đề về da khác, chẳng hạn như viêm mạch máu dạng thấp, viêm da u hạt hay viêm tuyến mồ hôi mủ. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp và phát hiện các thay đổi bất thường trên da thì nên đi khám.
Có nhiều cách để điều trị mụn trứng cá, gồm có các sản phẩm dạng bôi, thuốc đường uống và các phương pháp điều trị khác.
Chăm sóc da đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh, như ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng sẽ giúp giữ cho da khỏe mạnh và giảm nguy cơ mụn trứng cá cũng như các vấn đề về da do viêm khớp dạng thấp.