Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.

Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các mô khớp.

Giống như nhiều bệnh khác, những người bị viêm khớp dạng thấp cũng được khuyên nên điều chỉnh chế độ ăn uống, trong đó có những loại thực phẩm cần kiêng và những thực phẩm nên ăn nhiều.

Và một nghiên cứu mới đây đã cho thấy cơ sở khoa học của những lời khuyên này.

Mặc dù bệnh viêm khớp dạng thấp hiện vẫn chưa có cách chữa trị khỏi nhưng một số loại thực phẩm nhất định có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Hiệp hội Viêm khớp (Arthritis Foundation) đã công bố một danh sách gồm các loại thực phẩm nên ăn và nên tránh dành cho những người bị viêm khớp dạng thấp. (1)

Nhưng một nghiên cứu gần đây đã đi sâu vào tìm hiểu chi tiết hơn và liệt kê ra 33 loại thực phẩm cụ thể được chứng minh là có lợi cho những người mắc bệnh lý tự miễn mạn tính này. (2)

Để tổng hợp nên danh sách, tiến sĩ Bhawna Gupta, cùng với Shweta Khanna và Kumar Sagar Jaiswal tại Phòng thí nghiệm Sinh học Dịch bệnh thuộc Trường Công nghệ Sinh học – Đại học KIIT (Bhubaneswar, bang Odisha, Ấn Độ) đã đánh giá các nghiên cứu hiện có về chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Trong tuyên bố với báo chí, tiến sĩ Gupta cho biết: “Sử dụng thực phẩm và điều chỉnh chế độ ăn uống là một biện pháp đơn giản và hiệu quả để kiểm soát bệnh tật mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào”.

Thực phẩm có lợi cho người viêm khớp dạng thấp

Các loại thực phẩm trong danh sách được chia thành 8 nhóm: trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, gia vị, thảo dược, dầu và các loại thực phẩm khác.

  • Các loại trái cây có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp: mận khô, bưởi, nho, việt quất, chuối, lựu, xoài, đào và táo.
  • Ngũ cốc chính: yến mạch nguyên cám, bánh mì nguyên cám và gạo nguyên cám.
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt khác: ngô, lúa mạch (barley), lúa mạch đen (rye), hạt kê và cao lương.
  • Các loại đậu: đậu tương đen và đậu mười (black gram).
  • Các loại thảo dược như nhũ hương (sallaki) và sâm Ấn Độ (ashwaghandha).
  • Các loại gia vị: gừng và nghệ
  • Dầu: dầu ô liu, dầu cá và dầu hạt lưu ly
  • Thực phẩm khác: sữa chua, trà xanh và trà húng tây (basil).

Ngoài ra, nghiên cứu còn khuyến khích người bệnh thực hiện theo chế độ ăn thuần chay và chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải (Mediterranean diet).

Lưu ý khi điều chỉnh chế độ ăn

Mọi người phải hiểu rằng cơ thể mỗi người là khác nhau và một chế độ ăn uống phù hợp với người này chưa chắc cũng sẽ phù hợp với những người khác, kể cả khi mắc cùng một căn bệnh. Do đó, cần thận trọng trước khi thêm hay loại bỏ một loại thực phẩm nào đó trong chế độ ăn uống.

Một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp còn mắc các bệnh khác và lựa chọn thực phẩm sẽ bị hạn chế hơn so với những người chỉ bị viêm khớp dạng thấp.

Ví dụ, những người bị bệnh celiac – một chứng rối loạn tự miễn – sẽ phải kiêng các loại thực phẩm chứa gluten như bột mì, lúa mạch, yến mạch và lúa mạch đen. Một số người bị bệnh celiac còn phải kiêng cả ngô.

Nếu người bệnh bị dị ứng thực phẩm thì sẽ phải kiêng các loại thực phẩm gây phản ứng dị ứng.

Tốt nhất nên thảo luận về chế độ ăn uống với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *