Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?

Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về hàm lượng dinh dưỡng của mít, mức độ làm tăng đường huyết và người mắc bệnh tiểu đường có được ăn mít hay không.

Giá trị dinh dưỡng của mít

Mít giàu vitamin và chất chống oxy hóa nhưng cũng chứa một lượng lớn đường tự nhiên.

150 gram mít tách múi chứa: (1)

  • Lượng calo: 143 calo
  • Chất béo: 1 gram
  • Protein: 3 gram
  • Carb: 35 gram
  • Chất xơ: 2 gram
  • Vitamin B6: 29% giá trị dinh dưỡng hằng ngày (daily value – DV)
  • Vitamin C: 23% DV

Mít là một nguồn dồi dào vitamin B6 và chống oxy hóa vitamin C.

Những chất dinh dưỡng này đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất năng lượng, khả năng miễn dịch và có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm mãn tính – nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý như bệnh tim mạch và tiểu đường type 2.

Về các chất dinh dưỡng đa lượng, mít chứa chủ yếu là carb. Carb trong quả mít phần lớn là đường tự nhiên. Do đó, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, các chất dinh dưỡng và hợp chất khác trong mít có thể tác động tích cực đến mức đường huyết.

Tóm tắt: Mít có chứa đường tự nhiên nên sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, mít còn chứa protein và chất xơ.

Ăn mít có thể giúp kiểm soát đường huyết

Mít có chỉ số đường huyết (glycemic index – GI) ở mức trung bình, khoảng 50 – 60 trên thang điểm 100.

GI là chỉ số đo tốc độ mà một loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Glucose hay đường tinh khiết có GI là 100 và làm tăng lượng đường trong máu nhanh nhất. Bánh mì trắng có GI là 75.

Mít có chứa protein và chất xơ, cả hai đều góp phần làm giảm chỉ số GI của mít vì protein và chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và giữ cho lượng đường trong máu không tăng quá nhanh.

Mít có tải lượng đường huyết (glycemic load – GL) ở mức trung bình. GL có liên quan đến lượng carb trong một khẩu phần thực phẩm cũng như là chỉ số GI của thực phẩm đó.

Do đó, GL là một cách đánh giá chính xác hơn về tác động của thực phẩm đến mức đường huyết. GL từ 0 – 10 được coi là thấp, trong khi mít có GL là 13 – 18, có nghĩa là ở mức vừa phải. GL từ 20 trở lên được coi là cao.

Ngoài ra, mít rất giàu chất chống oxy hóa flavonoid. Nhóm hợp chất này được một số nghiên cứu chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính. (2)

Trong một số nghiên cứu, các chất chiết xuất từ mít giúp làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này được thực hiện trên động vật và sử dụng chất chiết xuất từ lá và thân cây mít chứ không phải múi mít.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về tác động của mít đến lượng đường trong máu ở người.

Tóm tắt: Mít có chỉ số GI trung bình từ 50 – 60 và GL trung bình là 13 – 18. Mít có chứa flavonoid và các chất dinh dưỡng khác có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu về lâu dài.

Người bị tiểu đường có thể ăn mít không?

Người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn mít.

Tuy nhiên, vì mít ít chất xơ và nhiều carb nên sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, những người bị tiểu đường chỉ được ăn mít một cách vừa phải. Nửa chén mít tách múi (khoảng 75 gram) chứa 18 gram carb.

Mít có GI trung bình, có nghĩa là sẽ không làm cho lượng đường trong máu tăng quá nhanh giống như các loại thực phẩm có GI cao. Mít còn chứa các chất chống oxy hóa giúp kiểm soát đường huyết.

Mặc dù vậy nhưng những người ăn chay hoặc thuần chay mắc bệnh tiểu đường nên lựa chọn các loại thực phẩm khác để thay thế cho thịt, chẳng hạn như các loại đậu.

Các loại đậu, chẳng hạn như đậu gà, đậu lăng và đậu tây, thường có GI dao động trong khoảng 20 – 30, đồng thời lại nhiều chất xơ và protein hơn mít.

Tóm tắt: Người bị tiểu đường vẫn có thể ăn mít nhưng không được ăn nhiều. Đối với những người ăn chay hoặc thuần chay thì các loại đậu là một lựa chọn tốt hơn để thay thế thịt vì có GI thấp hơn, nhiều protein hơn và chất xơ hơn.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù mít làm tăng lượng đường trong máu nhưng loại quả này có GI và GL ở mức vừa phải. Thêm nữa, các chất chống oxy hóa trong mít có thể hỗ trợ khả năng kiểm soát đường huyết về lâu dài. Người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn mít nhưng không được ăn nhiều.

Tuy nhiên, những người ăn chay và thuần chay bị tiểu đường nên sử dụng các loại đậu để thay thế thịt vì các loại đậu có chỉ số GI thấp hơn mít.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *