Các chất thải được bài tiết vào nước tiểu đều có mùi nhưng do được hòa loãng với nước (khoảng 95% nước tiểu là nước) nên các chất này thường không còn mùi rõ rệt nữa. Tuy nhiên, nếu nước tiểu trở nên cô đặc, nghĩa là nồng độ chất thải cao hơn thì nước tiểu có thể sẽ có mùi amoniac.
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac
Tại sao nước tiểu có mùi?
Màu sắc và mùi nước tiểu thay đổi theo lượng chất thải được bài tiết vào nước tiểu cũng như lượng chất lỏng mà chúng ta tiêu thụ trong ngày.
Tuy nhiên, mùi nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có vấn đề. Ví dụ, nếu nước tiểu có mùi ngọt thì đó có thể là dấu hiệu của lượng glucose (đường) cao trong nước tiểu.
Một ví dụ khác là nước tiểu có mùi amoniac hay mùi rất nồng, giống như hóa chất. Mặc dù nước tiểu có mùi amoniac không phải lúc nào cũng đáng ngại nhưng điều này có thể chỉ ra một số vấn đề xảy ra với đường tiết niệu.
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac
Các chất thải được bài tiết vào nước tiểu đều có mùi nhưng do được hòa loãng với nước (khoảng 95% nước tiểu là nước) nên các chất này thường không còn mùi rõ rệt nữa. Tuy nhiên, nếu nước tiểu trở nên cô đặc, nghĩa là nồng độ chất thải cao hơn thì nước tiểu có thể sẽ có mùi amoniac.
Ure là một trong những chất thải có trong nước tiểu. Ure được tạo ra trong quá trình phân hủy protein và đôi khi, ure tiếp tục bị phân hủy thành amoniac. Do đó, nước tiểu cô đặc có thể có mùi amoniac.
Dưới đây là các nguyên nhân chính khiến nước tiểu có mùi amoniac.
Sỏi bàng quang
Sỏi là những khối rắn hình thành từ tinh thể khoáng chất tích tụ trong bàng quang hoặc thận. Ngoài mùi nước tiểu bất thường, các triệu chứng thường gặp khác của sỏi bàng quang gồm có:
- Nước tiểu đục
- Máu trong nước tiểu
- Đau bụng
- Nước tiểu sẫm màu
- Tiểu khó
- Dòng tiểu yếu
- Tiểu nhiều lần
- Không thể đi tiểu
- Đau, khó chịu ở dương vật
Sỏi bàng quang có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Mất nước
Khi cơ thể không có đủ nước, thận sẽ giữ lại nhiều nước hơn thay vì bài tiết vào nước tiểu. Điều này có nghĩa là nồng độ các chất thải trong nước tiểu sẽ cao hơn và khiến nước tiểu có mùi amoniac. Nếu nước tiểu có màu sẫm và lượng nước tiểu ít thì rất có thể bạn đang bị mất nước.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng ở các bộ phận khác trong đường tiết niệu có thể khiến nước tiểu có mùi amoniac. Các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đau bụng
- Buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu ít
- Nước tiểu có máu
Nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần là do nhiễm vi khuẩn.
Đồ ăn
Đôi khi, nước tiểu có mùi amoniac là do đồ ăn. Một loại thực phẩm có thể khiến nước tiểu có mùi amoniac là măng tây. Những thực phẩm giàu protein có thể làm tăng tính axit của nước tiểu và cũng khiến nước tiểu có mùi amoniac. Một số loại thuốc và vitamin cũng có thể gây ra điều tương tự.
Có cần đi khám khi nước tiểu có mùi amoniac không?
Nếu nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac chỉ là do đồ ăn hoặc mất nước thì không đáng lo ngại. Chỉ cần ngừng ăn loại thực phẩm đó và uống nhiều nước là mùi nước tiểu sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, nếu kèm theo triệu chứng đau đớn hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt thì nên đi khám.
Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng như:
- Tình trạng nước tiểu có mùi amoniac đã kéo dài bao lâu?
- Có khi nào nước tiểu có mùi đặc biệt nồng không?
- Có gặp triệu chứng nào khác như có máu trong nước tiểu, sốt, đau lưng, hông hoặc đau khi đi tiểu không?
Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ xác định các phương pháp chẩn đoán cần thực hiện. Đối với nam giới, bác sĩ thường sẽ thăm trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt. Phì đại tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến việc tiểu tiện và khiến nước tiểu có những thay đổi bất thường. Ngoài ra, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu. Mẫu nước tiểu sẽ được đưa đến phòng xét nghiệm để phân tích tìm sự hiện diện của vi khuẩn, máu, mô hoặc sỏi bàng quang, sỏi thận hoặc các thành phần chất thải khác. Kết quả xét nghiệm nước tiểu và thông tin về các triệu chứng sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac.
Đôi khi sẽ phải tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra những bất thường ở thận, bàng quang hoặc các khu vực khác. Những bất thường này có thể ảnh hưởng đến nước tiểu.
Điều trị nước tiểu có mùi amoniac
Nếu nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac là do nhiễm trùng thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh sẽ ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu.
Việc cải thiện chức năng bàng quang cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mất nước và nhiễm trùng đường tiết niệu – các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac.
Một cách để cải thiện chức năng bàng quang và thận là uống đủ nước mỗi ngày. Uống nước ép quả nam việt quất hoặc nước chanh mỗi ngày sẽ giúp cân bằng độ axit của nước tiểu. Điều này cũng sẽ có lợi cho sức khỏe bàng quang.
Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu có màu sẫm dù đã uống đủ nước hoặc có các triệu chứng bất thường khác như đau buốt khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần hay tiểu ra máu thì hãy đi khám.
Tóm tắt bài viết
Nước tiểu có thể có mùi amoniac khi trở nên cô đặc và có nồng độ chất thải cao. Có nhiều nguyên nhân làm tăng nồng độ chất thải trong nước tiểu và khiến nước tiểu có mùi bất thường, chẳng hạn như sỏi bàng quang, mất nước và nhiễm trùng đường tiết niệu. Hầu hết các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac đều có thể điều trị được. Tùy vào nguyên nhân mà phương pháp điều trị có thể là uống bù nước hoặc dùng thuốc kháng sinh. Cách đơn giản nhất để ngăn ngừa hầu hết các vấn đề về tiết niệu là uống nhiều nước mỗi ngày.