Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?

Nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt. Do cơ thể đào thải vi khuẩn, glucose, axit amin và nhiều chất khác vào nước tiểu nên mùi nước tiểu sẽ thay đổi theo tình trạng sức khỏe. Nếu đột nhiên nhận thấy nước tiểu có mùi ngọt thì bạn nên đi khám ngay.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt

1. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những vấn đề phổ biến nhất xảy ra với hệ tiết niệu. Nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn đi qua niệu đạo xâm nhập vào các cơ quan trong đường tiết niệu. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của nam giới nên phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn.

Một trong những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng đường tiết niệu là nước tiểu có mùi nồng hoặc mùi ngọt. Điều này là do vi khuẩn được đào thải vào nước tiểu. Các triệu chứng khác gồm có buồn tiểu và liên tục cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu được chẩn đoán qua xét nghiệm nước tiểu và cần điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm thuốc giảm đau để làm giảm triệu chứng đau nhức, khó chịu.

2. Tăng đường huyết và bệnh tiểu đường

Tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu cao bất thường. Lượng đường trong máu cao là đặc trưng của cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2.

Bệnh tiểu đường có thể khiến nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây. Nguyên nhân của điều này là do cơ thể đào thải lượng đường dư thừa trong máu vào nước tiểu.

Trong nhiều trường hợp, nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu. Nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt.

Việc điều trị bệnh tiểu đường phụ thuộc vào loại bệnh. Tiểu đường type 1 cần điều trị bằng insulin. Bệnh tiểu đường type 2 có thể điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc đường uống, đôi khi cũng phải điều trị bằng insulin. Người bệnh cần theo dõi mức đường huyết thường xuyên.

3. Nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Trong nhiều trường hợp, phải đến khi xảy ra nhiễm toan ceton thì người bệnh mới biết mình mắc bệnh tiểu đường.

Nhiễm toan ceton xảy ra khi có quá nhiều đường trong máu, các tế bào không có đủ đường để tạo năng lượng và khiến cho cơ thể phải đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Quá trình đốt cháy chất béo giải phóng ra ceton, khiến nồng độ ceton trong máu tăng cao và làm cho máu có tính axit thay vì tính bazơ như bình thường. Nhiễm toan ceton thực chất là một dạng nhiễm độc máu, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời bằng liệu pháp insulin.

Nhiễm toan ceton chủ yếu xảy ra ở người mắc tiểu đường type 1. Tình trạng này có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu và que thử cetone.

4. Hôi miệng do suy gan

Hôi miệng do suy gan (foetor hepaticus) là tên gọi chung chỉ tình trạng hơi thở có mùi bất thường do chức năng gan kém. Hơi thở có thể có mùi ngọt, thối hoặc hôi. Chức năng gan suy giảm cũng có thể ảnh hưởng đến mùi nước tiểu. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra ở người bị tăng áp tĩnh mạch cửa. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể khiến hơi thở và nước tiểu có mùi bất thường nhưng thường gồm có dùng thuốc và phẫu thuật.

5. Bệnh siro niệu

Siro niệu (maple syrup urine disease) là một bệnh di truyền hiếm gặp, xảy ra do đột biến ở gen BCKDHA, BCKDHB hoặc DBTN. Một người sẽ mắc bệnh siro niệu khi được di truyền các gen đột biến này từ cả cha và mẹ.

Bệnh siro niệu ngăn cản quá trình phân hủy axit amin – thành phần quan trọng giúp duy trì các chức năng của cơ thể.

Bệnh này được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh bằng phương pháp xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm di truyền và sàng lọc sơ sinh. Các triệu chứng thường gặp của bệnh siro niệu gồm có:

  • Nước tiểu có mùi ngọt
  • Trẻ bú kém
  • Co giật
  • Chậm phát triển

Bệnh siro niệu không được điều trị có thể gây tổn thương não và dẫn đến hôn mê. Phương pháp điều trị ngắn hạn cho bệnh lý này là bổ sung axit amin qua đường tĩnh mạch. Người mắc bệnh siro niệu sẽ phải thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chẩn đoán nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt

Mặc dù nước tiểu có mùi ngọt có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tất cả các nguyên nhân đều có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu. Tùy thuộc vào nhận định ban đầu của bác sĩ mà sẽ cần thực hiện một số phương pháp chẩn đoán khác.

Người bệnh cũng có thể tự kiểm tra. Ví dụ, que thử cetone trong nước tiểu có thể giúp phát hiện nhiễm toan ceton. Một số triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, ngay cả khi mùi nước tiểu trở về bình thường sau khi dùng thuốc thì vẫn nên đi khám để xác định nguyên nhân chính xác và dùng thuốc kháng sinh để điều trị dứt điểm nhiễm trùng.

Điều trị

Để khắc phục tình trạng nước tiểu có mùi ngọt thì sẽ phải điều trị nguyên nhân gốc rễ.

Nếu là do nhiễm trùng đường tiết niệu hay chức năng gan kém thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và các loại thuốc kê đơn khác.

Liệu pháp insulin là cách tốt nhất để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và nhiễm toan ceton.

Bệnh tiểu đường type 2 có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống và tập thể dục nhưng cũng có thể phải sử dụng thuốc.

Điều chỉnh chế độ ăn uống và bổ sung axit amin sẽ giúp kiểm soát bệnh siro niệu.

Ngăn ngừa nước tiểu có mùi ngọt

Có nhiều cách để ngăn ngừa các bệnh lý khiến nước tiểu có mùi ngọt.

Các cách ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Đi tiểu trước và ngay sau khi quan hệ tình dục
  • Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh
  • Không thụt rửa âm đạo
  • Tìm hiểu các tác dụng phụ của biện pháp tránh thai trước khi sử dụng

Bệnh tiểu đường type 1 là do di truyền và không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2. Cả hai loại bệnh tiểu đường đều có thể được kiểm soát bằng cách:

  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Theo dõi mức đường huyết
  • Tránh các loại thực phẩm làm tăng đường trong máu như đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều tinh bột
  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm toan ceton.

Các cách để tránh bị hôi miệng do suy gan:

  • Không uống quá nhiều rượu bia
  • Dùng thuốc chẹn beta

Bệnh siro niệu là một bệnh di truyền. Mặc dù bạn không thể phòng ngừa bệnh cho bản thân nhưng có thể phòng ngừa cho con mình. Khi có ý định mang thai, cả vợ và chồng nên làm xét nghiệm di truyền để xem có mang gen đột biến hay không. Nếu cả hai người đều mang gen đột biến thì đưa trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *