Nhiễm trùng thận thường là do nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến một hoặc cả hai quả thận. Nhiễm trùng thận có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc từ từ và kéo dài (mạn tính). Nhiễm trùng thận thường gây đau đớn và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Nhiễm trùng thận còn được gọi là viêm thận bể thận.
Nhiễm trùng thận: Nguyên nhân và điều trị
Triệu chứng nhiễm trùng thận
Các triệu chứng thường xuất hiện sau khoảng hai ngày kể từ khi thậnn bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng thận có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau ở bụng, lưng, hạ sườn hoặc bẹn
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Buồn tiểu liên tục, tiểu gấp
- Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Có mủ hoặc máu trong nước tiểu
- Nước tiểu có mùi hôi hoặc đục
- Ớn lạnh
- Sốt
- Mệt mỏi
Trẻ dưới 2 tuổi bị nhiễm trùng thận có thể chỉ bị sốt cao. Người trên 65 tuổi có thể chỉ gặp các triệu chứng như lú lẫn và khả năng nói kém.
Nếu nhiễm trùng không được điều trị kịp thời, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Đây là một tình trạng có thể đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng của nhiễm trùng máu gồm có:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Tim đập nhanh
- Thở gấp, khó thở
- Phát ban
- Lú lẫn, mất phương hướng
- Thân nhiệt tăng hoặc giảm
- Da lạnh, đổ mồ hôi
- Mất ý thức
Khi nào cần đi khám?
Khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nghi là nhiễm trùng thận, ví dụ như nước tiểu có máu thì cần phải đi khám ngay. Người bệnh cũng nên đi khám nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu và các triệu chứng không cải thiện khi điều trị.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng thận
Đa số mọi người có hai quả thận nằm ở hai bên cột sống. Thận của người trưởng thành có kích thước to bằng nắm tay. Chức năng của thận là lọc chất thải cùng nước thừa từ máu và tạo ra nước tiểu để đào thải những chất này ra khỏi cơ thể. Thận duy trì sự cân bằng nước và chất điện giải có trong máu. Thận là cơ quan rất quan trọng.
Nhiễm trùng thận đa phần xảy ra do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập từ đường tiết niệu vào thận. Hầu hết các trường hợp là do vi khuẩn và thủ phạm phổ biến nhất là vi khuẩn Escherichia coli (E. coli). Loại vi khuẩn này sống trong ruột và có thể xâm nhập từ hậu môn vào niệu đạo. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Khi vào niệu đạo, vi khuẩn sinh sôi và lan đến các cơ quan ở trên, gồm có bàng quang và thận.
Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn của bệnh nhiễm trùng thận gồm có:
- Nhiễm trùng ở một khu vực khác trong cơ thể, chẳng hạn như từ khớp nhân tạo lan qua máu đến thận
- phẫu thuật bàng quang hoặc thận
- tắc nghẽn đường tiết niệu, chẳng hạn như do sỏi thận, khối u trong đường tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc cấu tạo đường tiết niệu bất thường
Ai có nguy cơ bị nhiễm trùng thận?
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm trùng thận nhưng người có các yếu tố dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (niệu đạo và bàng quang) không được điều trị có thể lan đến thận. Cứ 30 ca nhiễm trùng đường tiết niệu thì có một ca bị nhiễm trùng thận.
- Là phụ nữ: Phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận cao hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo nam giới. Điều này khiến cho vi khuẩn dễ dàng tiếp cận đường tiết niệu hơn. Ngoài ra, niệu đạo của phụ nữ nằm gần âm đạo và hậu môn hơn nên vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo hơn.
- Mang thai: Những thay đổi ở đường tiết niệu trong thai kỳ có thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào thận hơn.
- Hệ miễn dịch suy yếu: ví dụ như những người mắc bệnh tiểu đường, HIV/AIDS và người dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch.
- Tổn thương tủy sống hoặc tổn thương thần kinh bàng quang: Điều này có thể khiến người bệnh không nhận thấy các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu và dẫn đến nhiễm trùng thận.
- Bí tiểu: tình trạng không thể đi tiểu hoặc không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu. Nước tiểu ứ đọng trong bàng quang sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Bí tiểu có thể xảy ra ở những người bị nứt đốt sống hoặc bệnh đa xơ cứng.
- Sử dụng ống thông tiểu.
- Trào ngược bàng quang – niệu quản: tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản và có thể lên một hoặc cả hai quả thận thay vì chảy ra ngoài qua niệu đạo như bình thường. Tình trạng này xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em.
- Cấu tạo đường tiết niệu bất thường.
- Nội soi bàng quang: đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang.
Chẩn đoán nhiễm trùng thận
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về bệnh sử, các triệu chứng, các yếu tố nguy cơ và sau đó tiến hành khám lâm sàng.
Tiếp theo là quá trình khám cận lâm sàng gồm các bước như sau:
- Thăm trực tràng: bác sĩ đưa ngón tay vào trực tràng của người bệnh để kiểm tra xem tuyến tiền liệt có phì đại và chèn ép cổ bàng quang hay không.
- Tổng phân tích nước tiểu: mẫu nước tiểu được phân tích dưới kính hiển vi để tìm vi khuẩn và bạch cầu, đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng.
- Xét nghiệm cấy nước tiểu: mẫu nước tiểu sẽ được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Chụp CT, MRI hoặc siêu âm: các phương pháp này cung cấp hình ảnh của thận.
Điều trị nhiễm trùng thận
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng thận.
Trong những trường hợp nhiễm trùng nhẹ, phương pháp điều trị bước đầu thường là kháng sinh đường uống. Người bệnh sẽ điều trị tại nhà. Loại thuốc kháng sinh cần dùng sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Thông thường, người bệnh sẽ phải dùng thuốc kháng sinh trong ít nhất hai tuần. Sau khi kết thúc đợt kháng sinh, người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm cấy nước tiểu một lần nữa để xem đã khỏi nhiễm trùng hoàn toàn hay chưa. Nếu vẫn còn dấu hiệu nhiễm trùng thì sẽ tiếp tục phải dùng thuốc kháng sinh.
Trong những trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, người bệnh có thể phải nhập viện để truyền kháng sinh và truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Nếu nguyên nhân là do tắc nghẽn hay bất thường về cấu tạo đường tiết niệu thì có thể sẽ phải phẫu thuật để ngăn nhiễm trùng thận tái phát.
Nhiễm trùng thận bao lâu sẽ khỏi?
Các triệu chứng sẽ bắt đầu thuyên giảm trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, người bệnh cần dùng thuốc đủ liều để tránh nhiễm trùng tái phát. Thời gian điều trị bằng kháng sinh thường là hai tuần.
Những người từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng thận trong tương lai.
Người bệnh có thể thử các cách dưới đây để giảm bớt các triệu chứng đau và khó chịu do nhiễm trùng:
- Chườm ấm trên bụng hoặc lưng để giảm đau.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen. Nếu không hiệu quả thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau mạnh hơn.
- Uống nhiều nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và khỏi nhiễm trùng nhanh hơn. Tránh uống cà phê và rượu bia vì những đồ uống này sẽ gây tiểu nhiều.
Biến chứng của nhiễm trùng thận
Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, dùng không đủ liều kháng sinh, nhiễm trùng thận có dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:
- Hỏng thận vĩnh viễn, dẫn đến suy thận mạn tính và thậm chí là suy thận mạn giai đoạn cuối.
- Vi khuẩn từ thận đi vào máu, gây nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng.
- Sẹo thận và cao huyết áp, nhưng điều này hiếm khi xảy ra.
Ở phụ nữ mang thai, nhiễm trùng thận làm tăng nguy cơ sinh non và trẻ sinh ra bị nhẹ cân.
Tuy nhiên, nếu có sức khỏe tốt và điều trị kịp thời bằng đúng loại kháng sinh thì đa số người bị nhiễm trùng thận đều khỏi bệnh mà không gặp phải biến chứng. Điều quan trọng là đi khám ngay khi có dấu hiệu của nhiễm trùng thận, không được trì hoãn. Đây là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng.