Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất dễ lây lan nhưng có thể được điều trị một cách dễ dàng, đặc biệt là khi được chẩn đoán sớm.
Những ai nên làm xét nghiệm chlamydia?
Chlamydia là một trong những bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) phổ biến nhất. Bệnh này là do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra và có thể lây nhiễm vào âm đạo, dương vật, hậu môn, khoang miệng hoặc mắt. Chlamydia có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Tuy nhiên, rất khó để biết bản thân có bị nhiễm chlamydia hay không vì bệnh không phải lúc nào cũng biểu hiện các dấu hiệu, triệu chứng rõ rệt. Cách duy nhất là phải đến bệnh viện làm xét nghiệm kiểm tra.
Dưới đây là những điều cần biết về phương pháp xét nghiệm chlamydia và những biểu hiện, cách điều trị bệnh lây qua đường tình dục này.
Các phương pháp xét nghiệm chlamydia
Để xác định xem có bị nhiễm vi khuẩn chlamydia trachomatis hay không thì sẽ cần tiến hành xét nghiệm dịch sinh dục và xét nghiệm nước tiểu
Dưới đây là quy trình xét nghiệm cụ thể sẽ được thực hiện.
Xét nghiệm dịch sinh dục
Ở phụ nữ
Để lấy mẫu xét nghiệm, bệnh nhân nữ cần cởi bỏ đồ từ thắt lưng trở xuống và quấn một chiếc khăn choàng. Sau đó nằm lên bàn khám, tách hai chân và đặt lên hai bên giống như khi khám phụ khoa định kỳ.
Bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông y tế hoặc bàn chải rất nhỏ để nhẹ nhàng lấy mẫu ở cửa âm đạo, bên trong âm đạo, cổ tử cung, hậu môn hoặc bên trong miệng và cổ họng.
Nếu cần lấy nhiều mẫu thì bác sĩ sẽ thay tăm bông mới cho mỗi mẫu. Mẫu bệnh phẩm sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm nhằm xác định xem có vi khuẩn chlamydia trachomatis hay không.
Ở nam giới
Bệnh nhân nam cũng cần cởi đồ ở thân dưới và ngồi lên bàn khám.
Sau đó bác sĩ dùng dung dịch sát trùng, thường là cồn bôi lên đầu dương vật. Tiếp theo đưa tăm bông vào niệu đạo (lỗ ở đầu dương vật) để lấy mẫu.
Nếu cần thiết thì sẽ cần lấy mẫu ở cả hậu môn hoặc bên trong miệng và cổ họng.
Nếu cần lấy nhiều hơn một mẫu thì tăm bông mới sẽ được sử dụng cho mỗi mẫu. Tăm bông sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhằm phát hiện xem có vi khuẩn chlamydia trachomatis hay không.
Xét nghiệm nước tiểu
Bệnh nhân được phát cốc đựng nước tiểu và kèm theo khăn lau sát khuẩn rồi vào nhà vệ sinh lấy mẫu.
Để lấy được mẫu nước tiểu sạch thì trước tiên cần dùng khăn sát khuẩn lau sạch bộ phận sinh dục. Tiếp theo, tiểu vào bồn cầu một ít rồi đưa cốc đựng mẫu vào hứng nước tiểu cho đến khi lấy được đủ lượng cần thiết. Thông thường, nước tiểu sẽ được đổ vào một ống nhỏ vô trùng để tránh bị nhiễm vi sinh vật gây ảnh hưởng đến kết quả.
Sau khi xong thì nộp mẫu theo hướng dẫn.
Xét nghiệm tại nhà
Hiện nay đã có bộ dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm chlamydia tại nhà. Bệnh nhân không cần đến bệnh viện mà có thể tự mình lấy mẫu rồi sau đó gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để phân tích và kết quả sẽ được gửi trả lại sau vài ngày. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng các bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà cũng cho kết quả chẩn đoán bệnh chlamydia với độ chính xác tương đương phương pháp xét nghiệm được thực hiện tại bệnh viện.
Tuy nhiên, nếu nhận được kết quả dương tính thì vẫn cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm xác nhận lại. Nếu đúng là đã nhiễm bệnh thì bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị. Khi bị bệnh chlamydia, điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa phát sinh các biến chứng. Trong thời gian điều trị, bệnh vẫn có thể lây truyền cho người khác nên cần tạm thời ngừng quan hệ tình dục.
Bao lâu thì có kết quả xét nghiệm?
Thường phải sau vài ngày mới có kết quả xét nghiệm dịch sinh dục, tương tự như phương pháp xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) ở phụ nữ. Khi có kết quả, bệnh viện sẽ gọi điện thông báo hoặc bệnh nhân sẽ được hẹn trước ngày trả kết quả.
Xét nghiệm nước tiểu thường cho kết quả nhanh hơn xét nghiệm dịch sinh dục. Bệnh nhân có thể nhận được kết quả ngay trong ngày. Tuy nhiên, xét nghiệm nước tiểu có nhược điểm là đôi khi không chính xác bằng xét nghiệm dịch sinh dục.
Tuy nhiên, đối với nam giới thì xét nghiệm nước tiểu lại phù hợp hơn. Phương pháp này cũng được sử dụng cho những trường hợp có các dấu hiệu nặng vì lúc này, cơ thể đã có nhiều vi khuẩn và có thể dễ dàng phát hiện.
Ai nên làm xét nghiệm chlamydia?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến nghị những nhóm đối tượng sau nên làm xét nghiệm chlamydia:
- Phụ nữ từ 25 tuổi trở xuống và có quan hệ tình dục: nên làm xét nghiệm sàng lọc hàng năm vì tỷ lệ nhiễm chlamydia cao nhất ở nhóm này. Ngoài ra, nên đi làm xét nghiệm khi quan hệ với một người mới.
- Phụ nữ mang thai: nên xét nghiệm chlamydia trong lần khám thai đầu tiên. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì cần tiếp tục xét nghiệm lại trong thời gian mang thai.
- Phụ nữ và nam giới có nguy cơ nhiễm STD cao: những người có nhiều bạn tình, những người không thường xuyên sử dụng bao cao su, những người nam giới quan hệ tình dục đồng tính và những người đang bị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nên xét nghiệm chlamydia thường xuyên.
Bạn tình có cần làm xét nghiệm không?
Nếu một trong hai người đã được chẩn đoán mắc bệnh chlamydia thì người kia cũng cần làm xét nghiệm vì bệnh này rất dễ lây khi quan hệ tình dục. Có thể cả hai người sẽ cầm làm xét nghiệm thường xuyên cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Trong thời gian điều trị thì không nên quan hệ tình dục hoặc phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như sử dụng bao cao su.
Các triệu chứng của chlamydia
Ban đầu, chlamydia thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào nên đa số mọi người không biết mình bị nhiễm bệnh. Đó là lý do tại sao bệnh này lại rất dễ lây truyền.
Sau 1 đến 2 tuần nhiễm bệnh, người bệnh có thể sẽ bắt đầu thấy các dấu hiệu, triệu chứng như:
- Đau vùng chậu
- Đau khi quan hệ tình dục (ở phụ nữ)
- Đau tinh hoàn (ở nam giới)
- Đau vùng bụng dưới
- Đau rát khi đi tiểu
- Đi tiểu thường xuyên (đặc biệt là ở nam giới)
- Dịch tiết âm đạo/dương vật có màu vàng
- Chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt và sau khi quan hệ tình dục (ở phụ nữ)
- Đau hoặc tiết dịch ở hậu môn
Điều trị chlamydia bằng cách nào?
Vì là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên chlamydia được điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà bệnh nhân sẽ cần dùng thuốc theo đơn trong thời gian từ 5 đến 10 ngày. Cần phải uống thuốc đủ liều và đủ thời gian quy định, kể cả khi không còn triệu chứng. Các triệu chứng biến mất không có nghĩa là vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Việc ngừng thuốc giữa chừng sẽ khiến vi khuẩn có khả năng kháng thuốc và bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, khó điều trị hơn khi tái phát.
Cần ngừng tất cả các hình thức quan hệ tình dục trong suốt quá trình điều trị. Thông thường, chlamydia sẽ khỏi hoàn toàn sau từ 1 đến 2 tuần. Chừng nào bệnh còn chưa khỏi hẳn thì sẽ còn có thể lây truyền nếu tiếp tục quan hệ tình dục.
Nên xét nghiệm chlamydia bao lâu một lần?
Do mức độ phổ biến của bệnh chlamydia nên cần làm các xét nghiệm hàng năm nếu:
- dưới 25 tuổi và đang quan hệ tình dục, đặc biệt là phụ nữ
- quan hệ tình dục với nhiều người
- có tiền sử hoặc đang điều trị một bệnh lây qua đường tình dục khác
- không sử dụng bao cao su đều đặn
- là nam giới và quan hệ tình dục đồng giới
Một số trường hợp sẽ cần phải xét nghiệm thường xuyên hơn, đặc biệt là khi quan hệ với người mới.
Đối với phụ nữ đang mang thai thì sẽ cần làm xét nghiệm chlamydia trong lần khám thai định kỳ đầu tiên. Nếu như có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào ở trên thì nên tiếp tục làm xét nghiệm trong thời gian mang thai.
Chlamydia có thể gây ra các biến chứng ở phụ nữ mang thai và dẫn đến các vấn đề khi sinh, chẳng hạn như viêm phổi và viêm mắt ở trẻ sơ sinh.
Khi hoàn thành liệu trình điều trị thì nên đi xét nghiệm lại sau 3 tháng nhằm đảm bảo rằng bệnh đã khỏi hoàn toàn và không còn khả năng lây truyền hoặc không bị tái nhiễm bệnh.
Tóm tắt bài viết
Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục rất dễ lây lan nhưng có thể được điều trị một cách dễ dàng, đặc biệt là khi được chẩn đoán sớm. Ngay cả khi không có các dấu hiệu, triệu chứng nhưng nghi ngờ mình đã tiếp xúc với người bị bệnh hay có các yếu tố nguy cơ thì vẫn nên đi làm xét nghiệm. Chẩn đoán và điều trị chlamydia càng sớm thì bệnh càng ít gây tổn hại đến cơ thể và khả năng xảy ra biến chứng càng thấp.