Nếu được phát hiện sớm, ung thư tuyến tiền liệt có tiên lượng rất tốt. Tuy nhiên, bệnh ung thư này thường không có triệu chứng ở các giai đoạn đầu nên việc khám sàng lọc là điều cần thiết. Có nhiều phương pháp được sử dụng để sàng lọc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, gồm có xét nghiệm PSA, khám trực tràng, xét nghiệm PCA3 và một số phương pháp khác.
Những điều cần biết về sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Theo ước tính mỗi năm có khoảng trên 1 triệu ca mắc mới và trên 300.000 ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.
Bất kỳ nam giới nào cũng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng nguy cơ cao hơn ở những người:
- Cao tuổi: Khoảng 60% ca ung thư tuyến tiền liệt xảy ra ở người trên 65 tuổi.
- Người da đen: Nam giới da đen có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với các chủng tộc khác. Một phần nguyên nhân có thể là do sự chênh lệch về điều kiện kinh tế xã hội và chăm sóc sức khỏe.
- Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm nhưng thông thường, ung thư tuyến tiền liệt không biểu hiện các triệu chứng cho đến khi ung thư lan ra bên ngoài tuyến tiền liệt.
Có nhiều phương pháp sàng lọc giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt ngay từ khi bệnh còn chưa biểu hiện triêu chứng.
Đó là những phương pháp nào? Độ chính xác ra sao và những ai nên sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Các phương pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Mục đích của việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là để phát hiện ung thư ngay từ sớm. Có nhiều phương pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt và thường thì các bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp các phương pháp này với nhau để đảm bảo kết quả chính xác.
Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA)
Tuyến tiền liệt tạo ra một loại enzyme có tên là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen – PSA). Một cách để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là làm xét nghiệm máu đo nồng độ enzyme này. Mức PSA tăng cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt.
PSA cao cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác không phải ung thư, ví dụ như phì đại tuyến tiền liệt. Do đó, nếu chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm PSA thì không thể kết luận chắc chắn liệu một người có bị ung thư tuyến tiền liệt hay không.
Thăm trực tràng
Thăm trực tràng là một phương pháp khám lâm sàng tuyến tiền liệt. Trong quá trình thăm trực tràng, bác sĩ đưa ngón tay có đeo găng và bôi trơn vào bên trong trực tràng của bệnh nhân để kiểm tra tuyến tiền liệt. Mặc dù phương pháp này không giúp xác nhận ung thư nhưng sẽ giúp phát hiện những thay đổi bất thường có thể là dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt.
Xét nghiệm PCA3
Một phương pháp nữa để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ kháng nguyên ung thư tuyến tiền liệt 3 (prostate cancer antigen 3 – PCA3). PCA3 là một chỉ thị di truyền có nhiều trong các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Khác với PSA, các vấn đề lành tính về tuyến tiền liệt không làm tăng PCA3.
Các phương pháp sàng lọc khác
Vì các phương pháp sàng lọc có thể cho kết quả dương tính giả nên khi có kết quả dương tính, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sinh thiết để xác nhận chẩn đoán. Tuy nhiên, sinh thiết là một thủ thuật xâm lấn đi kèm một số rủi ro.
Để tránh sinh thiết không cần thiết, bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm một vài bước sàng lọc ngoài ba phương pháp kể trên, gồm có các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm qua trực tràng.
Quy trình sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Xét nghiệm PSA là một xét nghiệm máu nên người bệnh sẽ phải lấy mẫu máu. Quy trình lấy máu cũng tương tự các xét nghiệm máu khác. Mẫu máu sau khi lấy sẽ được đưa đến phòng xét nghiệm để đo nồng độ PSA. Kết quả thường có sau vài ngày.
Để làm xét nghiệm PCA3, người bệnh cần lấy mẫu nước tiểu. Tương tự xét nghiệm máu, mẫu nước tiểu cũng được đưa đến phòng xét nghiệm để phân tích và kết quả sẽ có sau vài ngày.
Quá trình thăm trực tràng có thể được thực hiện ngay tại phòng khám và bác sĩ sẽ cho biết kết quả ngay lập tức.
Lợi ích của sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Ở các giai đoạn đầu, ung thư tuyến tiền liệt thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi người bệnh nhận thấy các triệu chứng thì thường ung thư đã tiến triển và lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Trước khi việc sàng lọc trở nên phổ biến, hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện khi ung thư đã di căn ra bên ngoài tuyến tiền liệt. Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất khiến người bệnh đi khám và phát hiện ra bệnh là tê liệt do ung thư đã di căn đến cột sống.
Do đó, lợi ích lớn nhất của việc khám sàng lọc là phát hiện được bệnh ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn này, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Sàng lọc có thể làm giảm từ 25 đến 31% nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. (1)
Rủi ro của sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (The U.S. Preventive Services Task Force – USPSTF) – một nhóm chuyên gia phi chính phủ đã nghiên cứu về việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt và nhận thấy rằng có một số rủi ro liên quan.
Một vài rủi ro trong số này xuất phát từ khả năng các phương pháp sàng lọc cho kết quả dương tính giả. Ví dụ, mức PSA cao có thể là do các vấn đề khác không phải ung thư tuyến tiền liệt, ví dụ như phì đại hay viêm tuyến tiền liệt.
Kết quả dương tính giả sẽ khiến người bệnh hoang mang, sợ hãi. Ngoài ra, sinh thiết hoặc các phương pháp khác được thực hiện sau xét nghiệm PSA cũng đi kèm những rủi ro và có thể dẫn đến các biến chứng.
Các phương pháp sàng lọc cũng có thể cho kết quả âm tính giả, nghĩa là kết quả không chỉ ra ung thư mặc dù đã mắc bệnh. Điều này dẫn đến hậu quả là không phát hiện được bệnh từ sớm và việc điều trị bị trì hoãn ngay cả khi người bệnh nhận thấy các triệu chứng.
Hiểu kết quả sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt
Kết quả xét nghiệm PSA được tính theo đơn vị nanogram trên mililit (ng/mL). Nói chung, mức PSA trên 2,5 ng/mL có nghĩa là có nguy cơ cao bị ung thư tuyến tiền liệt còn kết quả từ 4 ng/mL trở lên thì cần phải kiểm tra thêm. (2) Điều quan trọng cần lưu ý là kết quả xét nghiệm PSA không thể xác nhận ung thư tuyến tiền liệt và mức PSA ở mỗi nam giới là khác nhau.
Kết quả xét nghiệm PCA3 được biểu thị dưới dạng điểm số. Thông thường, nếu điểm số từ 35 trở lên thì bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện thêm các phương pháp sàng lọc khác. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có định nghĩa chính xác về mức PCA3 “bình thường”.
Bác sĩ sẽ cho người bệnh biết kết quả ngay sau khi thăm trực tràng. Tuyến tiền liệt khỏe mạnh có độ đàn hồi và chắc, bề mặt nhẵn, không sưng và không đau khi chạm.
Những ai nên sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt?
Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ xem xét các rủi ro và lợi ích của việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt khi đưa ra khuyến nghị cho những nam giới có nguy cơ mắc bệnh ở mức trung bình.
Dựa trên nghiên cứu hiện tại, cơ quan này khuyến nghị nam giới trong độ tuổi từ 55 đến 69 trao đổi với bác sĩ về các rủi ro và lợi ích của việc sàng lọc trước khi đưa ra quyết định.
Trong nhiều trường hợp, phát hiện ung thư tuyến tiền liệt từ sớm giúp người bệnh có thể tiếp tục sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ. Nhưng đôi khi, những rủi ro của việc sàng lọc và tái khám để theo dõi lại lớn hơn lợi ích. Ví dụ, đối với nam giới từ 70 tuổi trở lên, rủi ro của việc sàng lọc thường lớn hơn lợi ích có được.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) khuyến nghị bắt đầu sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi 50 hoặc sớm nhất là 40 – 45 tuổi đối với những người có nguy cơ cao, ví dụ như người có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt. (3)
Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn có cần thiết phải sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt hay không và khi nào là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu sàng lọc.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Có nhiều phương pháp để điều trị ung thư tuyến tiền liệt, gồm có:
- Phẫu thuật
- Liệu pháp khử androgen (liệu pháp hormone)
- Liệu pháp nhắm trúng đích
- Hóa trị
- Liệu pháp miễn dịch
- Xạ trị
- Liệu pháp áp lạnh
Các phương pháp điều trị ung thư di căn
Phác đồ điều trị ở mỗi ca bệnh là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán, loại ung thư tuyến tiền liệt và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Ngoài ra, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn và duy trì lối sống lành mạnh, điều độ để tăng cường sức khỏe tổng thể.
Một số câu hỏi thường gặp
Các phương pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt có an toàn không?
Tất cả các thủ thuật y tế đều có một mức độ rủi ro nhất định nhưng các phương pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt, chẳng hạn như xét nghiệm PSA, xét nghiệm PCA3 và khám trực tràng nói chung đều an toàn.
Nam giới nên sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi nào?
Độ tuổi mà các chuyên gia khuyến nghị sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là từ 55 đến 69 tuổi.
Những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, chẳng hạn như người Mỹ gốc Phi và người có bố hoặc anh em ruột bị ung thư tuyến tiền liệt có thể bắt đầu khám sàng lọc từ 45 tuổi hoặc sớm nhất là 40 tuổi.
Nên khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt bao lâu một lần?
Thông thường, khám sàng lọc 2 năm một lần là đủ nhưng những người có nguy cơ cao có thể phải sàng lọc định kỳ hàng năm.
Tóm tắt bài viết
Ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng ở các giai đoạn đầu nên sàng lọc là điều cần thiết để phát hiện bệnh từ sớm. Có nhiều phương pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt, gồm có xét nghiệm PSA, PCA3 và khám trực tràng. Các phương pháp sàng lọc đều không thể xác nhận ung thư tuyến tiền liệt. Nếu kết quả bất thường thì sẽ phải thực hiện thêm các phương pháp khác hoặc theo dõi để xác định nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Sinh thiết là cách duy nhất để xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
Nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt trước khi đưa ra quyết định.