Bệnh lậu ở miệng hiếm khi gây ra triệu chứng và thường khó phát hiện. Điều này có thể dẫn đến việc điều trị muộn, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác và phát sinh biến chứng.
Phát hiện, điều trị và ngăn ngừa bệnh lậu ở miệng
Bệnh lậu ở miệng có phổ biến không?
Rất khó xác định chính xác mức độ phổ biến của bệnh lậu ở miệng cũng như là các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Vì đa số các bệnh này đều không biểu hiện triệu chứng nên người bệnh không biết để đi khám.
Đã có một số nghiên cứu được công bố về tỷ lệ mắc bệnh lậu ở miệng nhưng hầu hết đều chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng nhất định, chẳng hạn như phụ nữ quan hệ tình dục khác giới và nam giới quan hệ tình dục đồng giới.
Theo như kết quả thống kê của một số nghiên cứu thì hơn 85% người trưởng thành có hoạt động tình dục đều từng quan hệ tình dục bằng miệng ít nhất một lần và bất kỳ ai quan hệ tình dục bằng miệng mà không có biện pháp bảo vệ như bao cao su đều có nguy cơ nhiễm bệnh.
Bệnh lậu ở miệng không được phát hiện là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tình trạng vi khuẩn lậu kháng kháng sinh.
Bệnh lậu ở miệng hiếm khi gây ra triệu chứng và thường khó phát hiện. Điều này có thể dẫn đến việc điều trị muộn, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác và phát sinh biến chứng.
Con đường lây truyền
Giống như bệnh lậu ở bộ phận sinh dục, bệnh lậu ở miệng cũng là do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu khuẩn) gây ra và lây qua quan hệ tình dục bằng miệng với người bị bệnh lậu ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Mặc dù kết quả còn hạn chế nhưng đã có một vài nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh lậu ở miệng có thể lây khi hôn.
Hôn sâu (đưa lưỡi vào khoang miệng đối phương) sẽ làm tăng nguy cơ.
Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lậu ở miệng
Hầu hết các trường hợp bệnh lậu ở miệng đều không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào và nếu có thì cũng tương tự như triệu chứng của các bệnh thông thường xảy ra ở khoang miệng hay cổ họng.
Một số dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lậu ở miệng:
- Đau rát họng
- Khó nuốt
- Sưng đỏ ở cổ họng
- Sốt
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
Nhiều người bị bệnh lậu ở miệng còn bị nhiễm vi khuẩn lậu ở một bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như cổ tử cung, niệu đạo hay hậu môn
Trong những trường hợp này thì người bệnh sẽ còn gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Dịch tiết âm đạo hoặc dương vật bất thường
- Đau, nóng rát khi đi tiểu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Ra máu sau quan hệ tình dục (ở phụ nữ)
- Sưng đau tinh hoàn
- Sưng hạch bạch huyết ở bẹn
- Đau rát, chảy máu ở hậu môn
Phân biệt với các vấn đề khác ở khoang miệng
Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng thì không thể phân biệt được bệnh lậu ở miệng với các vấn đề thường gặp khác ở khoang miệng và cổ họng, chẳng hạn như đau họng hoặc viêm họng liên cầu khuẩn.
Cách duy nhất để biết nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng là đi khám để làm xét nghiệm dịch ngoáy họng.
Giống như viêm họng do liên cầu khuẩn, bệnh lậu ở miệng cũng gây đau rát họng cùng với hiện tượng sưng đỏ nhưng viêm họng liên cầu khuẩn còn có triệu chứng là xuất hiện các đốm trắng ở vùng đằng sau khoang miệng.
Các triệu chứng khác của viêm họng do liên cầu khuẩn còn có:
- Sốt đột ngột, thường là từ 38 độ C trở lên
- Nhức đầu
- Cảm giác ớn lạnh
- Chán ăn
- Nhức mỏi cơ
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Có những chấm đỏ trên vòm miệng
Phương pháp chẩn đoán
Bệnh lậu phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh kê đơn để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, ngăn ngừa bệnh lây truyền và tránh xảy ra biến chứng. Nếu không được điều trị, bệnh lây qua đường tình dục này sẽ dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng.
Nếu nghi ngờ mình đã bị nhiễm bệnh hoặc có những biểu hiện bất thường ở miệng hay cổ họng thì hãy đến bệnh viện để kiểm tra.
Bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng và xét nghiệm dịch ngoáy họng để tìm ra nguyên nhân.
Phương pháp điều trị bệnh lậu ở miệng
Bệnh lậu ở miệng khó điều trị hơn so với bệnh lậu ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn nhưng vẫn có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị điều trị bệnh lậu bằng liệu pháp kháng sinh kép do sự gia tăng các chủng vi khuẩn lậu kháng thuốc.
Liệu trình điều trị thường gồm có một liều kháng sinh dạng tiêm ceftriaxone (250mg) và một liều azithromycin đường uống (1g).
Cần ngừng tất cả các hình thức quan hệ tình dục, gồm có cả quan hệ tình dục bằng miệng và hôn, trong 7 ngày sau khi hoàn thành liệu trình điều trị.
Cũng nên tránh dùng chung dụng cụ ăn uống trong thời gian này vì lậu cầu khuẩn có thể lây qua đường nước bọt.
Nếu các triệu chứng vẫn còn sau khi điều trị thì cần đến gặp bác sĩ. Những trường hợp này sẽ cần dùng thuốc kháng sinh mạnh hơn để tiêu diệt vi khuẩn.
Có chữa khỏi được không?
Khi được điều trị kịp thời, bệnh lậu có thể chữa khỏi.
Tuy nhiên, các chủng vi khuẩn lậu kháng kháng sinh mới sẽ khó điều trị hơn.
CDC khuyến cáo bất kỳ ai đã điều trị bệnh lậu ở miệng đều nên đi tái khám sau 14 ngày kể từ khi điều trị để đảm bảo vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Có thể điều trị bệnh lậu ở miệng bằng nước súc miệng không?
Theo một số nguồn thông tin, nước súc miệng từ có thể chữa khỏi bệnh lậu ở miệng. Tuy nhiên, cho đến nay thì vẫn chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.
Trong một thử nghiệm được thực hiện vào năm 2016 thì nước súc miệng Listerine có tác dụng làm giảm đáng kể lượng vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae trên bề mặt họng.
Mặc dù cách này có thể hạn chế được phần nào khả năng lây truyền bệnh nhưng không thể chữa được bệnh lậu.
Thuốc kháng sinh vẫn là phương pháp duy nhất được chứng minh là có hiệu quả điều trị bệnh lậu.
Hậu quả khi bệnh lậu không được điều trị
Nếu không được điều trị, vi khuẩn lậu ở miệng có thể lây lan theo máu đến các bộ phận khác của cơ thể.
Điều này sẽ dẫn đến nhiễm lậu cầu toàn thân, hay còn được gọi là nhiễm lậu cầu lan tỏa.
Nhiễm lậu cầu lan tỏa là một tình trạng nghiêm trọng gây ra vấn đề ở nhiều bộ phận khác của cơ thể, ví dụ như sưng đau các khớp, lở loét da hay thậm chí là viêm màng não và viêm nội tâm mạc.
Bệnh lậu ở bộ phận sinh dục, hậu môn và đường tiết niệu cũng sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng khi không được điều trị.
Các biến chứng có thể xảy ra gồm có:
- Viêm vùng chậu (viêm ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung)
- Biến chứng thai kỳ
- Vô sinh
- Viêm mào tinh hoàn
- Tăng nguy cơ nhiễm HIV
Khả năng tái phát
Kể cả khi đã điều trị khỏi thì bệnh lậu vẫn có khả năng tái phát.
Tỷ lệ tái phát bệnh lậu là khá cao, dao động trong khoảng từ 3.6% đến 11% ở những người đã từng điều trị khỏi trước đây.
Cần xét nghiệm lại từ 3 đến 6 tháng sau khi điều trị, ngay cả khi hoàn toàn không còn triệu chứng để đảm bảo bệnh không tái phát.
Thông báo cho bạn tình
Khi nhận được kết quả dương tính với bệnh lậu thì cần thông báo cho người đã quan hệ tình dục cùng trong vòng 2 tháng trước khi khởi phát triệu chứng hoặc trước khi được chẩn đoán bệnh để người đó cũng đi xét nghiệm.
Đây là điều khó khăn nhưng lại rất cần thiết để tránh bị tái nhiễm. Nếu chỉ có một người điều trị trong khi người còn lại vẫn đang bị bệnh lậu thì sẽ bị lây nhiễm lại khi tiếp tục quan hệ tình dục.
Biện pháp phòng ngừa
Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lậu ở miệng bằng cách sử dụng miếng chắn miệng hoặc bao cao su nam khi quan hệ tình dục bằng miệng.
Nếu như không mua được màng chắn miệng thì có thể tự chế từ bao cao su thông thường để tạo thành một lớp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
Cách làm như sau:
- Cẩn thận cắt đi phần đầu của bao cao su, tránh để phần còn lại bị thủng, rách
- Cắt đi phần đáy của bao cao su
- Cắt dọc theo thân bao cao su
- Mở ra và đặt lên âm đạo hoặc hậu môn thay cho màng chắn miệng
Xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên cũng là điều rất quan trọng. Cần đi xét nghiệm cả trước và sau khi quan hệ với một người mới.