Tại sao bệnh tiểu đường khiến vết thương chậm lành?

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, tốc độ lành vết thương bị chậm lại do nhiều nguyên nhân khác nhau như đường trong máu cao, tổn thương thần kinh, suy giảm miễn dịch hay lưu thông máu kém.

Tại sao bệnh tiểu đường khiến vết thương chậm lành?
Tại sao bệnh tiểu đường khiến vết thương chậm lành?

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Bệnh tiểu đường xảy ra do cơ thể không thể sản xuất insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin là loại hormone cần thiết cho quá trình chuyển hóa glucose hay đường trong máu thành năng lượng. Khi cơ thể gặp khó khăn trong việc chuyển hóa glucose, lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Đường trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng chữa lành vết thương của cơ thể.

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, vết thương thường lành chậm hơn và tiến triển nặng nhanh hơn.

Mặc dù vết cắt, trầy xước hay phồng rộp có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng bàn chân là một trong những vị trí dễ bị thương nhất. Ở những người bị tiểu đường, một vết thương nhỏ ở bàn chân cũng có thể nhanh chóng phát triển thành vết loét.

Loét bàn chân sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Khoảng 15% người mắc bệnh tiểu đường bị loét bàn chân.

Vì lý do này nên người bệnh cần tự kiểm tra bàn chân hàng ngày và theo dõi cẩn thận khi bàn chân có vết thương. Phát hiện vết thương sớm là cách duy nhất để giảm nguy cơ biến chứng.

Tại sao bệnh tiểu đường khiến vết thương chậm lành?

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, tốc độ lành vết thương bị chậm lại do các nguyên nhân sau đây.

Đường trong máu cao

Lượng đường trong máu là yếu tố chính quyết định tốc độ lành vết thương.

Lượng đường trong máu cao hơn bình thường sẽ gây ra các vấn đề sau đây:

  • Ngăn cản sự vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy đến các tế bào
  • Cản trở hoạt động của hệ miễn dịch
  • Làm tăng tình trạng viêm trong các tế bào

Những tác động này sẽ làm chậm quá trình lành vết thương.

Bệnh thần kinh

Bệnh lý thần kinh là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường và cũng là do lượng đường trong máu liên tục ở mức cao hơn bình thường. Theo thời gian, đường huyết cao làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu. Những khu vực có dây thần kinh bị hỏng sẽ bị mất cảm giác.

Bệnh thần kinh đái tháo đường khi xảy ra ở bàn tay và bàn chân được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Khi bị mất cảm giác, người bệnh sẽ không cảm nhận thấy đau đớn và do đó không biết rằng mình bị thương. Đây là một trong những lý do tại sao người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị thương ở bàn chân cao hơn.

Lưu thông máu kém

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên cao gấp 2 lần so với người không bị tiểu đường. (1) Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 ở những người bị bệnh động mạch ngoại biên là 49,7%. Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng động mạch ở các chi bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, điều này làm giảm lưu lượng máu đến các chi. Bệnh động mạch ngoại biên còn khiến cho hồng cầu khó đi qua mạch máu. Mức đường huyết cao hơn bình thường sẽ làm tăng độ dày thành mạch máu và điều này càng làm suy giảm sự lưu thông máu trong cơ thể.

Suy giảm miễn dịch

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường cũng gặp vấn đề về miễn dịch. Đường trong máu cao làm giảm số lượng tế bào miễn dịch được gửi đến vị trí có vết thương để chữa lành và giảm hoạt động của những tế bào này. Khi hệ miễn dịch không thể hoạt động bình thường, tốc độ chữa lành vết thương sẽ chậm hơn và nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.

Nhiễm trùng

Khi chức năng hệ miễn dịch bị suy giảm, cơ thể sẽ khó chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Đường huyết cao cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Lý do là bởi vi khuẩn phát triển mạnh nhờ lượng đường trong máu. Đường trong máu cao còn khiến các tế bào miễn dịch không thể chiến đấu chống lại vi khuẩn xâm nhập.

Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ ngày càng lan rộng và có thể dẫn đến các biến chứng như hoại thư hoặc nhiễm trùng máu.

Điều gì xảy ra nếu vết thương không được điều trị?

Những vết thương vốn không đáng lo ngại ở người khỏe mạnh cũng có thể trở thành vấn đề lớn đối với người mắc bệnh tiểu đường. Nếu không được theo dõi và chăm sóc cẩn thận, vết thương có thể nhanh chóng tiến triển thành nhiễm trùng hoặc biến chứng nặng hơn.

Hậu quả nghiêm trọng nhất là phải cắt cụt chi. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ phải cắt cụt chi do vết thương hoặc vết loét ở bàn chân cao hơn gấp 15 lần so với người không bị tiểu đường. (2)

Làm thế nào để vết thương nhanh lành hơn?

Dưới đây là các cách để thúc đẩy quá trình lành vết thương và tránh gặp phải những biến chứng nghiêm trọng:

  • Tự kiểm tra thường xuyên: Phát hiện vết thương sớm là điều quan trọng nhất để tránh nhiễm trùng và biến chứng. Hãy tự kiểm tra cơ thể hàng ngày để xem có vết thương mới hay không, đặc biệt là ở lòng bàn chân. Nhớ kiểm tra kỹ mọi vị trí của bàn chân, bao gồm cả kẽ và dưới ngón chân.
  • Loại bỏ mô chết: Các vết thương ở người bệnh tiểu đường có thể bị hoại tử (mô bị chết) hoặc có mô thừa. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sinh độc tố, làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng và còn khiến người bệnh không thể kiểm tra được vùng mô bên dưới. Tuy nhiên, không nên tự xử lý vết thương tại nhà mà phải đến cơ sơ y tế.
  • Thay băng thường xuyên: Thường xuyên thay băng có thể giúp giảm vi khuẩn và duy trì độ ẩm trong vết thương.
  • Tránh chèn ép lên vết thương: Chèn ép sẽ tạo áp lực lên các mô, dẫn đến vết thương hoặc vết loét sâu hơn.

Khi nào cần đi khám?

Nếu có vết thương ở bàn chân thì nên đi tất trắng để có thể dễ dàng phát hiện khi vết thương rỉ máu hoặc tiết dịch.

Nên đi khám nếu vết thương có các biểu hiện sau đây:

  • Châm chích
  • Ấm nóng
  • Rát
  • Mất cảm giác
  • Đau dai dẳng
  • Sưng tấy

Cũng nên đi khám nếu các triệu chứng ngày càng nặng hoặc kéo dài quá một tuần không đỡ.

Bất kỳ vết thương hở nào ở bàn chân cũng đều cần được chú ý. Nếu không yên tâm, người bệnh nên đi khám để bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng và hướng dẫn cách chăm sóc vết thương. Điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng.

Cách tăng cường sức khỏe tổng thể và tốc độ lành vết thương

Có nhiều cách để tăng cường hệ miễn dịch và tốc độ chữa lành vết thương.

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu. Vì vậy nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều rất quan trọng. Giữ ổn định đường huyết sẽ giúp giảm nguy cơ bị thương và tăng tốc độ chữa lành khi có vết thương.
  • Người bệnh tiểu đường có thể cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết bằng cách hạn chế carbohydrate tinh chế, đường bổ sung và thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ và các loại đậu. Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ cung cấp những chất dinh dưỡng mà cơ thể cần để chữa lành vết thương, chẳng hạn như vitamin C, kẽm và protein.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cải thiện độ nhạy insulin. Điều này giúp đường trong máu đi vào các tế bào hiệu quả hơn, nhờ đó thúc đẩy quá trình lành vết thương và tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng vận chuyển oxy của tế bào, chức năng hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh về mạch máu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *