Testosterone có gây ung thư tuyến tiền liệt không?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng liệu pháp testosterone có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, nhưng cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối liên hệ này.

Testosterone có gây ung thư tuyến tiền liệt không?
Testosterone có gây ung thư tuyến tiền liệt không?

Vai trò của testosterone

Testosterone là một loại hormone có vai trò quan trọng trong cơ thể. Ở nam giới, testosterone được sản xuất trong tinh hoàn và là loại hormone sinh dục chính. Cơ thể phụ nữ cũng sản xuất testosterone nhưng lượng ít hơn nhiều so với nam giới.

Ở nam giới, testosterone tham gia vào:

  • Sự sản xuất tinh trùng
  • Khối lượng cơ và xương
  • Sự mọc lông và tóc
  • Ham muốn tình dục
  • Sự sản xuất hồng cầu

Ở tuổi trung niên, quá trình sản xuất testosterone của nam giới bắt đầu chậm lại. Nhiều nam giới gặp phải các triệu chứng của tình trạng testosterone thấp với các triệu chứng như:

  • Giảm ham muốn tình dục
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Giảm khối lượng cơ và mật độ xương

Nếu những triệu chứng này nghiêm trọng thì được gọi là tình trạng suy sinh dục.

Theo một thống kê tại Mỹ, khoảng 2,4 triệu nam giới trên 40 tuổi bị suy sinh dục và ¼ nam giới ở độ tuổi 70 gặp phải tình trạng này.

Liệu pháp testosterone có thể giúp cải thiện các triệu chứng kể trên cũng như chất lượng cuộc sống ở những nam giới bị suy giảm testosterone. Tuy nhiên, điều này còn đang gây nhiều tranh cãi vì một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng testosterone làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Testosterone và ung thư tuyến tiền liệt

Vào đầu những năm 1940, hai nhà nghiên cứu Charles Brenton Huggins và Clarence Hodges đã phát hiện ra rằng ở những nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt, khối u ngừng phát triển khi sự sản xuất testosterone suy giảm. Hai nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi những nam giới này bổ sung testosterone, khối u lại tiếp tục phát triển và đưa ra kết luận rằng testosterone thúc đẩy sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt. (1)

Liệu pháp hormone – một trong những phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt – làm chậm sự phát triển của khối u bằng cách làm giảm mức testosterone trong cơ thể. Điều này lại càng củng cố thêm cho ý kiến cho rằng testosterone thúc đẩy sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, nhiều bác sĩ đã tránh chỉ định liệu pháp testosterone cho những nam giới có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt.

Trong những năm gần đây, một vài nghiên cứu đã phát hiện ra điều ngược lại về mối liên hệ giữa testosterone và ung thư tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nam giới có mức testosterone thấp có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. (2)

Một phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu vào năm 2016 đã không tìm thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa mức testosterone của nam giới và nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Một tổng quan tài liệu cho thấy rằng liệu pháp testosterone không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và cũng không làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. (3)

Theo một tổng quan tài liệu vào năm 2015, liệu pháp thay thế testosterone cũng không làm tăng mức kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). PSA là một loại protein mà tuyến tiền liệt sản xuất ra. Những nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt thường có nồng độ PSA trong máu cao hơn bình thường.

Liệu rằng liệu pháp testosterone có an toàn đối với những nam giới có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp chắc chắn. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ về mối liên hệ này. Các bằng chứng cho đến thời điểm hiện tại cho thấy rằng liệu pháp testosterone có thể an toàn đối với một số nam giới mức testosterone thấp đã điều trị thành công ung thư tuyến tiền liệt và có nguy cơ tái phát thấp. (4)

Nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt

Mặc dù ảnh hưởng của testosterone đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi nhưng có nhiều yếu tố khác đã được xác định là có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này, gồm có:

  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên khi nam giới có tuổi. Độ tuổi chẩn đoán trung bình là 66 và phần lớn các ca bệnh được chẩn đoán trong độ tuổi từ 65 đến 74.
  • Tiền sử gia đình: Bệnh ung thư tuyến tiền liệt có tính chất gia đình. Việc có người thân ruột thịt trong gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh. Điều này có thể là do một số gen di truyền hoặc do những người trong cùng một gia đình thường có chung thói quen lối sống làm tăng nguy cơ ung thư. Một số gen có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt là BRCA1, BRCA2, HPC1, HPC2, HPCX và CAPB.
  • Chủng tộc: Nam giới người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn và một khi mắc thì bệnh thường nghiêm trọng hơn so với nam giới thuộc các chủng tộc khác.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn có nhiều chất béo, carbohydrate và nhiều thực phẩm chế biến sẵn phức tạp có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt

Một số yếu tố nguy cơ như tuổi tác và chủng tộc là cố định, không thể thay đổi nhưng cũng có những yếu tố có thể kiểm soát để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Nên duy trì chế độ ăn uống chủ yếu dựa trên thực vật. Ăn nhiều trái cây và rau củ, đặc biệt là cà chua nấu chín và các loại rau họ cải như bông cải xanh, bông cải trắng hay bắp cải có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, nên cắt giảm thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa như phô mai và sữa nguyên kem.

Mặt khác, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Ăn nhiều cá

Cố gắng ăn vài bữa cá mỗi tuần. Axit béo omega-3 có trong các loại cá như cá hồi và cá ngừ có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Kiểm soát cân nặng

Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Những người thừa cân, béo phì nên cố gắng giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn.

Bỏ thuốc lá

Những chất độc hại trong khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt và nhiều bệnh ung thư khác.

Dấu hiệu ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng cho đến khi ung thư di căn. Điều quan trọng là phải biết hiểu rõ nguy cơ của bản thân và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư sớm.

Các triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu dữ dội, không chịu đựng được)
  • Tiểu khó
  • Dòng tiểu yếu hoặc nhỏ giọt
  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Khó cương cứng
  • Đau khi xuất tinh
  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
  • Đau tức ở trực tràng
  • Đau ở thắt lưng, hông, xương chậu hoặc đùi

Đây cũng có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề khác, đặc biệt là khi có tuổi. Khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù đã từng có ý kiến lo ngại rằng liệu pháp testosterone có thể gây ra hoặc đẩy nhanh tốc độ phát triển ung thư tuyến tiền liệt nhưng nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng điều này là không đúng. Nếu các dấu hiệu của mức testosterone thấp và cảm thấy tình trạng này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì hãy đi khám. Nếu đúng là testosterone thấp thì hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của liệu pháp hormone, đặc biệt là khi bạn có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *