Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực là gì?
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực là tình trạng nước tiểu rò rỉ một cách không tự chủ khi thực hiện các hoạt động gây áp lực lên bàng quang. Tiểu không tự chủ do tăng áp lực không giống với tiểu không tự chủ nói chung. Tình trạng này chỉ xảy ra khi có áp lực tác động lên bàng quang đột ngột. Các hoạt động có thể gây áp lực lên bàng quang gồm có ho, hắt hơi, cười lớn, nâng vật nặng, cúi người, chạy nhảy…
Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ
Tình trạng tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở nữ giới xảy ra khi các cơ sàn chậu bị suy yếu. Các cơ này tạo thành cấu trúc giống như chiếc võng nâng đỡ bàng quang và kiểm soát sự giải phóng nước tiểu. Khi có tuổi, các cơ sàn chậu sẽ trở nên suy yếu. Sinh con, chấn thương, phẫu thuật vùng chậu cũng có thể làm suy yếu cơ sàn chậu.
Ai có nguy cơ bị tiểu không tự chủ?
Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.
Theo Hiệp hội Bác sĩ nội khoa Hoa Kỳ (AAP), khoảng 50% phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 60 và gần 75% phụ nữ trên 75 tuổi bị chứng tiểu không tự chủ. Con số thực tế có thể còn cao hơn vì còn nhiều trường hợp không đi khám và không được chẩn đoán. Ước tính có khoảng một nửa số phụ nữ bị tiểu không tự chủ không đi khám.
Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ hoặc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người đã mắc bệnh.
Thức ăn và đồ uống
Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể kích thích bàng quang và làm cho tình trạng tiểu không tự chủ do tăng áp lực trở nên trầm trọng hơn, ví dụ như:
- Rượu bia
- Caffeine
- Nước ngọt có ga
- Sô cô la
- Chất làm ngọt nhân tạo
- Thuốc lá
Mắc các bệnh lý khác
Các vấn đề sức khỏe sau đây có thể làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ do tăng áp lực hoặc tăng nặng các triệu chứng:
- nhiễm trùng đường tiết niệu
- béo phì
- ho mạn tính
- tổn thương thần kinh
- bệnh tiểu đường
Ngoài ra, dùng một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng tiểu không tự chủ do tăng áp lực, ví dụ như thuốc lợi tiểu.
Không điều trị
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực là vấn đề có thể điều trị được nhưng nhiều phụ nữ lại không đi khám khi gặp tình trạng này. Không điều trị có thể khiến cho tình trạng ngày càng nặng thêm. Đừng vì e ngại mà chấp nhận sống chung với vấn đề khó chịu này. Tiểu không tự chủ do tăng áp lực là một vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ.
Chẩn đoán tiểu không tự chủ do tăng áp lực
Các phương pháp được sử dụng để chẩn đoán chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực gồm có:
- Nghiệm pháp gắng sức bàng quang: Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ho khi đứng để xem có bị rò rỉ nước tiểu hay không.
- Kiểm tra với miếng thấm hút: Người bệnh mang miếng lót thấm hút nước tiểu trong khi tập thể dục để đo lượng nước tiểu rò rỉ.
- Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu: Giúp phát hiện những bất thường trong nước tiểu như máu, protein, glucose hoặc dấu hiệu nhiễm trùng.
- Đo lượng nước tiểu tồn dư: Đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu.
- Đo áp lực bàng quang: Đo áp lực trong bàng quang và áp lực dòng nước tiểu.
- Chụp X-quang có thuốc cản quang: Giúp phát hiện những bất thường trong đường tiết niệu.
- Nội soi bàng quang: Đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát bên trong bàng quang. Phương pháp này giúp phát hiện các dấu hiệu viêm, sỏi hoặc các bất thường khác.
Điều trị tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ
Có nhiều biện pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực:
- Thay đổi lối sống
- Thuốc
- Liệu pháp điều trị không phẫu thuật
- Phẫu thuật
Thay đổi lối sống
Đi tiểu thường xuyên trong ngày có thể giúp giảm nguy cơ rò rỉ nước tiểu. Ngoài ra, các thay đổi lối sống khác cũng có thể giúp kiểm soát chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực gồm có:
- Hạn chế caffeine và đồ uống có cồn
- Tập thể dục đều đặn.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh các loại đồ ăn gây kích thích bàng quang như đồ ăn cay
- Bỏ thuốc lá nếu hút
Giảm cân nếu thừa cân. Giảm cân sẽ giúp giảm áp lực lên các cơ quan vùng bụng, bàng quang và các cơ quan khác trong vùng chậu.
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc làm giảm co bóp bàng quang, chẳng hạn như imipramine, duloxetin hay các loại thuốc được dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt, chẳng hạn như Vesicare, Enablex, Detrol và Ditropan.
Liệu pháp điều trị không phẫu thuật
Bài tập Kegel và liệu pháp cơ sàn chậu
Bài tập Kegel có thể giúp tăng cường cơ sàn chậu. Để thực hiện bài tập này, trước tiên cần xác định đúng cơ sàn chậu. Hãy thử tưởng tượng bạn đang nhịn tiểu. Các cơ mà bạn đang siết lại ở vùng chậu chính là cơ sàn chậu. Hãy siết các cơ này trong vài giây rồi thả lỏng vài giây, cứ thế lặp lại trong vài phút và thực hiện vài lần mỗi ngày. Tăng dần thời gian siết cơ và số lần lặp lại. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hiện bài tập Kegel trong và sau khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực.
Liệu pháp cơ sàn chậu cũng là một phương pháp hiệu quả để điều trị tiểu không tự chủ do tăng áp lực. Để thực hiện đúng liệu pháp này, bạn có thể tập cùng chuyên gia vật lý trị liệu.
Ngoài ra, tập thể dục và tăng hoạt động thể chất nói chung cũng đã được chứng minh là có tác dụng củng cố sàn chậu. Yoga và pilates là những hình thức tập luyện đặc biệt hữu ích cho chứng tiểu không tự chủ.
Liệu pháp phản hồi sinh học
Liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback) giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ sàn chậu. Liệu pháp này sử dụng các cảm biến nhỏ được đặt bên trong hoặc xung quanh âm đạo và trên bụng. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số chuyển động cơ. Các cảm biến sẽ ghi lại hoạt động của cơ để giúp bạn xác định các cơ cụ thể của sàn chậu. Điều này sẽ giúp xác định các bài tập phù hợp để củng cố sàn chậu và cải thiện chức năng bàng quang.
Đặt vòng pessary
Đây là thủ thuật đặt một vòng nhỏ vào bên trong âm đạo, ngay bên dưới cổ tử cung để hỗ trợ bàng quang và ngăn nước tiểu rò rỉ khỏi bàng quang. Bác sĩ sẽ sử dụng vòng có kích thước phù hợp với bạn và hướng dẫn bạn cách tháo vòng ra để vệ sinh.
Phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả thì có thể sẽ phải phẫu thuật để điều trị tiểu không tự chủ do tăng áp lực. Các loại phẫu thuật gồm có:
- Tiêm bulking
- Tiêm các chất độn như collagen vào niệu đạo để làm cho khu vực này dày lên và giảm rò rỉ nước tiểu.
- Băng nâng đỡ âm đạo không căng (tension-free vaginal tape – TVT)
- Đặt một tấm lưới xung quanh niệu đạo để hỗ trợ niệu đạo.
- Đặt võng nâng cổ bàng quang
- Sử dụng mô tự thân hoặc vật liệu tổng hợp để tạo thành một chiếc đai nâng đỡ niệu đạo.
- Phẫu thuật sa bàng quang và niệu đạo
Nếu bàng quang bị sa xuống âm đạo thì sẽ phải phẫu thuật đưa bàng quang về vị trí bình thường. Tương tự, nếu niệu đạo cũng bị sa thì cần phải chỉnh sửa cả niệu đạo.
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực có chữa khỏi được không?
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực là vấn đề rất phổ biến ở phụ nữ trên 40 tuổi. Các phương pháp điều trị gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc, liệu pháp điều trị không phẫu thuật và phẫu thuật. Đa số các phương pháp điều trị này đều không thể chữa khỏi dứt điểm chứng tiểu không tự chủ nhưng có thể làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.