May mắn thay, một cơn đau tim sẽ không xảy ra ở độ tuổi này! Nhưng có một số nguyên nhân khác có thể gây đau ngực ở trẻ em.
Trẻ mới biết đi bị đau ngực. Chuyện gì đang xảy ra?
Bé của tôi phàn nàn rằng ngực bé bị đau. Chuyện gì đang xảy ra?
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Tổn thương. Các xương hoặc cơ trong ngực của trẻ mới biết đi có thể bị tổn thương vì bé bị ngã hoặc bị va vào đâu đó. Chúng cũng có thể bị căng thẳng và đau do ho nhiều.
- Hen suyễn. Nếu hen suyễn là thủ phạm, con bạn cũng có thể bị ho nặng và khó thở. Triệu chứng có thể tệ hơn vào ban đêm, sáng sớm và sau khi chạy hoặc khóc.
- Viêm phổi. Nếu cơn đau liên quan đến ho kéo dài, trẻ có thể bị viêm phổi. Các triệu chứng khác của viêm phổi bao gồm các triệu chứng cảm lạnh dường như trở nên tồi tệ hơn; thở nhanh, thở mạnh và có thể khò khè; sốt; ớn lạnh; chán ăn; đau bụng; nôn; nhức mỏi người; và nhức đầu.
- Nuốt phải dị vật. Gọi cấp cứu ngay nếu trẻ mới biết đi khó thở. Nếu một đứa trẻ nuốt một thứ mà bé không nên nuốt, như đồ chơi hoặc đồng xu, bé có thể cảm thấy đau ngực do sự kích thích trong thực quản khi vật đi xuống. Bé cũng có thể bị ho, thở khò khè, hoặc chảy nước miếng.
- Rối loạn trào ngược dạ dày thực quản. Nếu trẻ mới biết đi đau bụng sau khi ăn, đó có thể là kết quả của tình trạng ợ axit dạ dày. Điều này càng dễ xảy ra hơn nếu bé nằm. Bé cũng có thể bị đau họng, có vị chua trong miệng, hoặc nôn.
Khi nào tôi nên gọi bác sĩ?
Còn tùy vào mức độ bệnh của bé. Nếu bé thở rất khó khăn, hãy gọi cấp cứu.
Nếu bé có vẻ khỏe, ngoại trừ đau ngực và tình trạng này sau đó tự biến mất, có lẽ không có gì phải lo lắng. Nếu tiếp tục đau, hoặc nếu đau lặp lại nhiều lần hay cho bé đi khám bác sĩ. Tất nhiên, bạn cũng sẽ muốn nói chuyện với bác sĩ của mình nếu trẻ có các triệu chứng đáng lo ngại khác – hoặc nếu bạn nghi ngờ con mình có thể bị viêm phổi, hen suyễn, hoặc chứng rối loạn trào ngược dạ dày thực quản. Cũng nên kiểm tra ngay nếu bạn nghĩ rằng bé đã nuốt phải một dị vật nào đó.
Cách chẩn đoán và điều trị đau ngực
Bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất (ấn và cảm nhận vùng xung quanh ngực của trẻ), sau đó nghe ngực trẻ bằng một ống nghe. Bằng cách này bác sĩ có thể xác định được cơn đau xuất phát từ thành ngực (xương sườn, cơ, hoặc da) hay từ các cơ quan bên trong ngực – như phổi hay tim.
Nếu khám như thế vẫn chưa cho chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể chụp X-quang ngực để xem con bạn có bị viêm phổi hay nuốt phải một dị vật lạ hay không. Trong một số ít trường hợp, ông yêu cầu thực hiện điện tâm đồ (EKG), đo xung điện trong tim của con bạn. (Mặc dù vấn đề về tim ở trẻ em khá hiếm gặp, bác sĩ có thể vẫn muốn thực hiện kiểm tra này để loại trừ khả năng)
Một khi bác sĩ đã chẩn đoán nguyên nhân của cơn đau, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Ví dụ, nếu bé bị viêm phổi do vi khuẩn gây ra, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh.
Tôi có thể làm gì để giúp con mình tại nhà?
Nếu cơn đau kéo dài chỉ vài phút, bé có thể chỉ cần sự động viên an ủi từ bạn. Nếu cơn đau kéo dài (ví dụ như do đau cơ), thì có thể cho bé uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau. Một miếng đệm sưởi hoặc khăn ấm đắp trên ngực cũng có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.