Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm mô khớp, khiến cho niêm mạc khớp bị viêm và gây đau, cứng khớp. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp của bàn tay và bàn chân nhưng đôi khi xảy ra ở cả các khớp lớn hơn như khuỷu tay và đầu gối. Bên cạnh các triệu chứng ở khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có nhiều triệu chứng khác, gồm có mệt mỏi, khó thở và ngứa ngáy.
Triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Đau khớp
Bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra từ từ, trước tiên là ở các khớp nhỏ sau đó lan sang các khớp lớn hơn. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng xảy ra ở các khớp đối xứng ở hai bên cơ thể. Ví dụ, người bị viêm khớp dạng thấp thường bị đau ở hai bên đầu gối, cổ tay hoặc bàn tay. Đây là một điểm khác biệt của viêm khớp dạng thấp so với các loại viêm khớp khác
Triệu chứng đau khớp do viêm khớp dạng thấp có nhiều mức độ khác nhau. Đôi khi, người bệnh còn có cảm giác đau đớn dữ dội như bong gân hoặc gãy xương. Một số vùng trên cơ thể thậm chí còn bị đau khi chạm vào.
Cứng khớp
Ngoài đau khớp, một triệu chứng phổ biến nữa của bệnh viêm khớp dạng thấp là cứng khớp. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi ra khỏi giường, đi lại vào buổi sáng và thực hiện các hoạt động bình thường khác do mắt cá chân, đầu gối hoặc bàn chân bị cứng và đau. Tình trạng cứng khớp do viêm khớp dạng thấp thường nặng hơn vào buổi sáng và có thể kéo dài 45 phút hoặc lâu hơn.
Phản ứng viêm do sự tấn công của hệ miễn dịch còn gây sưng khớp. Tình trạng viêm kéo dài khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
Mệt mỏi, thiểu năng lượng
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến mệt mỏi, thiếu năng lượng, đặc biệt là khi cơn đau khớp gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Và ngay cả khi ngủ đủ giấc, người bệnh vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
Trong một cuộc khảo sát, khoảng 80% những người bị viêm khớp dạng thấp cho biết họ thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi. Tỷ lệ mệt mỏi tăng cao hơn ở những người có các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như béo phì, trầm cảm và đau đầu. Đa số mọi người đều cảm thấy mệt mỏi nhiều nhất vào buổi sáng.
Khó thở
Đau khớp là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng không phải là triệu chứng duy nhất. Viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến phổi. Điều này là do tình trạng viêm kéo dài có thể gây hình thành sẹo trong phổi (xơ phổi), dẫn đến khó thở và ho khan mạn tính.
Một số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị nốt phổi hoặc mô bất thường trong phổi (do viêm), những bất thường này có thể nhìn thấy được trên ảnh chụp X-quang. Các nốt phổi thường lành tính và có thước đa dạng, từ nhỏ như hạt đậu đến to như quả bóng bàn. Đa phần, các nốt phổi không gây đau đớn.
Ngứa
Bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến các khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến da. Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bị các cục cứng dưới da. Người bệnh còn có thể bị mẩn đỏ da do viêm xung quanh hoặc trong mạch máu.
Vấn đề về mắt
Phản ứng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến mắt và gây ra các triệu chứng như:
- Khô mắt
- Đau mắt
- Đỏ
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng
- Mờ mắt
Các biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Tình trạng viêm kéo dài có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Theo một nghiên cứu, gần 40% những người bị viêm khớp dạng thấp gặp triệu chứng ở các bộ phận khác của cơ thể, gồm có:
- Mắt
- Da
- Tim
- Gan
- Thận
- Hệ thần kinh
Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác. Những bệnh lý này có thể gây ra các triệu chứng dường như không liên quan đến viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như giảm thính lực hoặc rối loạn nhịp tim.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính và nếu không được điều trị, các khớp sẽ dần bị biến dạng và mất chức năng. Các cục cứng nhỏ, gọi là nốt dạng thấp, có thể hình thành dưới da ở các vị trí thường xuyên phải chịu áp lực hoặc các khu vực khác như phía sau đầu. Viêm khớp dạng thấp còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng
- Ung thư hạch
- Bệnh phổi
- Bệnh tim mạch
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Mặc dù ảnh hưởng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở mỗi người là khác nhau nhưng điều trị tích cực và đúng cách sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng. Mặc dù không có cách nào có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng sưng đau và cứng khơp do viêm khớp dạng thấp nhưng việc điều trị có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, giảm tần suất bệnh bùng phát và kéo dài giai đoạn thuyên giảm.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Hiện tại không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, hạn chế tổn thương khớp và giảm nguy cơ biến chứng.
Càng bắt đầu sớm thì việc điều trị viêm khớp dạng thấp sẽ càng hiệu quả. Các phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh sinh hoạt bình thường.
Dưới đây là các phương pháp chính để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thuốc
Trong trường hợp viêm khớp dạng thấp nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen để giảm triệu chứng sưng đau và cứng khớp. Bác sĩ có thể kê thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
DMARD giúp giảm viêm và từ đó giảm sưng và đau khớp. Trong những trường hợp bị viêm và đau khớp nặng, người bệnh có thể cần dùng thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học. Những loại thuốc này ngăn cản một phần hoạt động của hệ miễn dịch và giúp giảm viêm, nhờ đó ngăn ngừa tổn thương khớp và mô.
Phẫu thuật
Nếu đã dùng thuốc mà tình trạng bệnh không thuyên giảm, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ phần niêm mạc bị viêm ở khớp hoặc sửa chữa tổn thương gân.
Một giải pháp để điều trị viêm khớp dạng thấp là hợp nhất khớp. Bác sĩ sẽ dùng nẹp vít để giữ cố định hai đầu xương trong khớp, ngăn khớp chuyển động và từ đó giúp giảm đau. Trong một số trường hợp, người bệnh cần thay toàn bộ khớp bị viêm bằng khớp nhân tạo.
Bài tập
Nghiên cứu cho thấy các bài tập kết hợp sự linh hoạt và sức mạnh có thể giúp giảm đau do viêm khớp và cải thiện khả năng cử động hàng ngày. Các bài tập có cường độ từ nhẹ đến vừa như đi bộ, bơi lội và tập yoga có thể giúp các khớp chuyển động linh hoạt hơn. Người bệnh nên cố gắng tập thể dục ít nhất ba lần một tuần, mỗi lần 30 phút.
Các phương pháp điều trị thay thế
Các phương pháp điều trị thay thế không giúp chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp mà nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng như đau đớn, mệt mỏi,… Ví dụ, uống dầu cá có thể giúp giảm viêm và nhờ đó giảm nhẹ một số triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, một số loại thực phẩm chức năng và thảo dược khác cũng có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Dầu lý chua đen (black currant)
- Dầu lưu ly (borage)
- Bromelain
- Cây vuốt mèo (cat’s claw)
- Capsaicin
- Dầu hạt lanh(flax seed)
- Bạch quả (gingko)
Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về các loại thảo dược và thực phẩm chức năng giúp điều trị viêm khớp dạng thấp. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào. Những sản phẩm này có thể tương tác với các loại thuốc mà người bệnh đang dùng và gây ra các vấn đề không mong muốn.
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám khi nhận thấy các thay đổi bất thường ở khớp như thường xuyên đau khớp, sưng tấy và cứng khớp. Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và khám lâm sàng để kiểm tra các triệu chứng.
Không có một xét nghiệm đơn lẻ nào có thể giúp phát hiện bệnh viêm khớp dạng thấp mà sẽ phải thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau để xác nhận chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Những xét nghiệm này gồm có:
- Xét nghiệm máu để tìm một số loại kháng thể như yếu tố dạng thấp (RF) hoặc kháng thể kháng CCP
- Xét nghiệm dịch khớp để tìm dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng
- Xét nghiệm kiểm tra các dấu hiệu viêm như tốc độ lắng hồng cầu hoặc nồng độ protein phản ứng C trong máu
- Các công nghệ chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra các khớp và xương xem có bị viêm hoặc tổn thương hay không
Chụp X-quang không phải một cách chính xác để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm có thể giúp phát hiện những bất thường ở khớp sớm hơn chụp X-quang.