Viêm bàng quang hay nhiễm trùng bàng quang xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo. Khi vào bàng quang, vi khuẩn nhân lên và điều này kích hoạt phản ứng viêm. Phụ nữ có tỷ lệ viêm bàng quang cao hơn do niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn và nằm gần hậu môn hơn niệu đạo của nam giới. Điều này khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo rồi di chuyển lên bàng quang hơn. Tuy nhiên, nam giới cũng có thể bị viêm bàng quang.
Triệu chứng viêm bàng quang ở nam giới
Triệu chứng viêm bàng quang ở nam giới
Các triệu chứng viêm bàng quang ở nam giới và nữ giới không khác nhau nhiều.
Một số triệu chứng điển hình gồm có:
- Buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu xong
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Buồn tiểu nhưng chỉ có một lượng nhỏ nước tiểu
- Tiểu khó
Nhiễm trùng nặng hơn sẽ gây ra các triệu chứng như:
- Nước tiểu có máu
- Nước tiểu đục và/hoặc có mùi bất thường
- Đau hoặc căng tức ở vùng chậu
- Sốt
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi
Hãy đi khám ngay khi nhận thấy những triệu chứng này hay bất cứ thay đổi bất thường nào.
Nguyên nhân gây viêm bàng quang ở nam giới
Viêm bàng quang được chia thành nhiều loại. Mỗi loại là do nguyên nhân khác nhau gây ra.
- Viêm bàng quang do nhiễm khuẩn: xảy ra do nhiễm vi khuẩn.
- Viêm bàng quang kẽ: hay còn được gọi là hội chứng đau bàng quang. Đây là tình trạng viêm bàng quang kéo dài (mạn tính). Viêm bàng quang kẽ chủ yếu xảy ra ở phụ nữ nhưng cũng có thể xảy ra ở nam giới.
- Viêm bàng quang do thuốc: thận thực hiện chức năng lọc máu để loại bỏ độc tố và các chất không mong muốn khác. Các chất này được bài tiết vào nước tiểu. Do bàng qunag là nơi chứa nước tiểu nên sẽ phải tiếp xúc với các chất này. Một số chất trong đó có thể gây viêm bàng quang, chẳng hạn như thuốc hóa trị cyclophosphamide và ifosfamide.
- Viêm bàng quang do xạ trị: Xạ trị ở vùng chậu cũng có thể gây viêm bàng quang.
- Viêm bàng quang do dị vật: Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài có thể đưa vi khuẩn vào niệu đạo hoặc làm tổn thương mô niệu đạo. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng hơn.
- Viêm bàng quang do hóa chất: Tiếp xúc với một số loại hóa chất trong các sản phẩm sử dụng hàng ngày, chẳng hạn như xà phòng, xịt khử mùi vùng kín, dung dịch thụt rửa có thể gây kích ứng hoặc dị ứng và dẫn đến viêm.
Ai có nguy cơ bị viêm bàng quang?
Nam giới có nguy cơ bị viêm bàng quang thấp hơn phụ nữ. Điều này chủ yếu là do sự khác biệt về giải phẫu đường tiết niệu giữa nam và nữ. Niệu đạo của phụ nữ nằm gần hậu môn hơn, điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo. Niệu đạo của phụ nữ còn ngắn hơn niệu đạo nam giới, có nghĩa là vi khuẩn sau khi xâm nhập vào niệu đạo sẽ nhanh chóng đến được bàng quang hơn.
Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm bàng quang ở nam giới, gồm có:
- Quan hệ tình dục
- Sử dụng ống thông tiểu
- Bị phì đại tuyến tiền liệt
- Mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như hiv hoặc bệnh tiểu đường
- Thường xuyên nhịn tiểu trong thời gian dài
- Sỏi bàng quang
Chẩn đoán viêm bàng quang ở nam giới
Các công cụ chính để chẩn đoán viêm bàng quang gồm có:
- Xét nghiệm nước tiểu: Người bệnh sẽ phải lấy một mẫu nước tiểu nhỏ. Mẫu sẽ được phân tích trong phòng xét nghiệm để xem có vi khuẩn hay không. Nếu phát hiện vi khuẩn, mẫu nước tiểu sẽ được nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn cụ thể gây nhiễm trùng.
- Nội soi bàng quang: Đưa một thiết bị có dạng ống dài, hẹp có gắn camera và đèn chiếu sáng qua niệu đạo vào bàng quang. Hình ảnh từ camera giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm trong bàng quang. Nếu người bệnh bị viêm bàng quang tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô trong quá trình nội soi. Mẫu mô được phân tích để tìm nguyên nhân gây ra vấn đề.
- Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Nếu người bệnh có triệu chứng viêm bàng quang nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm hoặc chụp X-quang. Những phương pháp này giúp bác sĩ kiểm tra các mô và cấu trúc xung quanh bàng quang để xem có nguyên nhân nào khác gây ra các triệu chứng hay không, chẳng hạn như khối u.
Điều trị viêm bàng quang ở nam giới
Trong một số trường hợp, viêm bàng quang tự khỏi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đa phần người bệnh sẽ phải dùng thuốc kháng sinh đường uống để điều trị nhiễm trùng.
Ngoài thuốc kháng sinh còn có các biện pháp khắc phục tại nhà giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa viêm bàng quang tái phát trong tương lai:
- Dùng thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau và viêm.
- Một trong những cách tự nhiên được sử dụng để điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu là uống nước ép nam việt quất (tốt nhất là nước ép nguyên chất, không chứa đường và chất bảo quản). Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh lợi ích này của nước ép nam việt quất. Không được uống nước ép nam việt quất khi đang sử dụng warfarin (một loại thuốc chống đông máu) vì nam việt quất cũng chứa chất gây loãng máu.
- Uống đủ nước mỗi ngày để không bị mất nước và đào thải vi khuẩn khỏi đường tiết niệu nhanh hơn.
- Đi tiểu thường xuyên: Hãy đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu, đừng nhịn. Ngoài ra, hãy đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ những vi khuẩn đã xâm nhập vào niệu đạo.
- Khi tắm, hãy vệ sinh vùng kín một cách nhẹ nhàng bằng nước. Nếu sử dụng xà phòng, hãy chọn loại dịu nhẹ và không có mùi thơm để tránh bị kích ứng.
- Không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa nước hoa hay hương liệu lên dương vật. Hóa chất trong những sản phẩm này có thể gây kích ứng và làm tăng nguy cơ viêm bàng quang.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù không phổ biến như ở phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị viêm bàng quang. Đây thường là tình trạng tạm thời và sẽ khỏi sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc các biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, cần đi khám nếu các triệu chứng kéo dài mà không thuyên giảm.