Tuyến tiền liệt tạo ra một loại protein gọi là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt liệt (prostate-specific antigen – PSA). Ở những nam giới khỏe mạnh, trong máu chỉ có một lượng nhỏ PSA.
Vai trò của xét nghiệm PSA trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
PSA và ung thư tuyến tiền liệt
Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate specific antigen – PSA) là một loại protein được tạo ra bởi tuyến tiền liệt. Xét nghiệm đo nồng độ PSA trong máu là một cách sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt.
Mức PSA thay đổi theo từng giai đoạn trong đời. Mặc dù mức PSA tăng cao chưa đủ để xác nhận ung thư tuyến tiền liệt nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo có vấn đề bất thường. Bác sĩ sẽ thực hiện thêm các bước kiểm tra khác để xác định chính xác vấn đề. Xét nghiệm PSA còn giúp theo dõi mức độ tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt và hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về vai trò của PSA đối với tuyến tiền liệt, cơ chế của xét nghiệm PSA và mức PSA trong các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt.
Ai có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt?
Bất cứ nam giới nào còn tuyến tiền liệt cũng đều có thể bị ung thư tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt thường không bị cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật chuyển giới vì điều này có thể gây ra các vấn đề về tiểu tiện và tổn thương thần kinh.
Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm phía sau bàng quang và phía trước trực tràng. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo – ống dẫn nước tiểu và tinh dịch ra khỏi cơ thể.
Tuyến tiền liệt tạo ra một loại protein gọi là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt liệt (prostate-specific antigen – PSA). Ở những nam giới khỏe mạnh, trong máu chỉ có một lượng nhỏ PSA.
Các yếu tố ảnh hưởng đến mức PSA
Một số yếu tố và vấn đề sức khỏe liên quan đến tuyến tiền liệt có thể khiến tuyến tiền liệt tạo ra nhiều PSA hơn bình thường, ví dụ như:
- Viêm tuyến tiền liệt: tình trạng viêm và sưng ở tuyến tiền liệt và khu vực xung quanh, thường là do nhiễm vi khuẩn. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng như đau buốt khi đi tiểu, tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu gấp…
- Tăng sản tiền liệt tuyến lành tính hay còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt: tình trạng này gây tiểu nhiều lần, tiểu khó, đi tiểu nhiều vào ban đêm cùng các triệu chứng khác. Tăng sản tiền liệt tuyến lành tính không phải ung thư và cũng không làm tăng nguy cơ ung thư.
- Ung thư tuyến tiền liệt: xảy ra khi các tế bào ác tính phát triển mất kiểm soát trong các mô của tuyến tiền liệt. Điều này khiến tuyến tiền liệt tăng kích thước và không thể hoạt động bình thường. Tế bào ung thư có thể lan từ tuyến tiền liệt sang các cấu trúc lân cận và những nơi khác trong cơ thể. Nói chung, trong máu càng có nhiều PSA thì nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt càng cao.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do nhiễm vi khuẩn. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra cùng với các vấn đề khác ở tuyến tiền liệt. Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy 34,6% người mắc ung thư tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ là làm giảm lượng PSA. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt và độ chính xác của xét nghiệm PSA.
Một nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID, chẳng như aspirin, ibuprofen và naproxen), statin (nhóm thuốc làm giảm cholesterol) và thuốc lợi tiểu thiazid (điều trị cao huyết áp) có tác động đáng kể đến mức PSA khi dùng lâu dài. (1)
Finasteride và dutasteride, thuốc thường được sử dụng để điều trị chứng rụng tóc ở nam giới và phì đại tuyến tiền liệt, cũng làm giảm nồng độ PSA.
Quy trình xét nghiệm PSA
Có thể kiểm tra nồng độ PSA trong máu bằng xét nghiệm máu đơn giản. Nhân viên y tế sẽ dùng kim tiêm lấy máu, thường là từ tĩnh mạch trên cánh tay của bệnh nhân. Mẫu máu sau đó được đem đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Xét nghiệm PSA chỉ là một công cụ giúp bác sĩ quyết định xem có cần kiểm tra thêm hay không. Chỉ có sinh thiết mới có thể xác nhận chính xác ung thư.
Sinh thiết tuyến tiền liệt
Nếu xét nghiệm PSA cho kết quả bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu sinh thiết tuyến tiền liệt.
Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sử dụng một cây kim dài để lấy một mẫu mô nhỏ từ tuyến tiền liệt và sau đó đem đi phân tích để xem có sự hiện diện của các tế bào ung thư hay không. Siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng để hướng dẫn sinh thiết.
Mức PSA cao có nghĩa là gì?
Hiện không có thang đo chung để đánh giá mức PSA. Kết quả xét nghiệm PSA thường được tính bằng đơn vị nanogram PSA trên mililit máu (ng/mL). Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), trước đây nồng độ PSA từ 4 ng/mL trở xuống được coi là “bình thường”. Nồng độ PSA cao hơn được coi là bất thường, cho thấy cần phải sinh thiết tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy cách đánh giá này không hoàn toàn chính xác. Một số nam giới có mức PSA cao hơn nhưng không hề có vấn đề gì về tuyến tiền liệt trong khi một số mặc dù mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng lại có mức PSA bình thường. Đó là lý do tại sao xét nghiệm PSA không phải là một phương pháp chính xác để phát hiện và chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng đây vẫn là một công cụ rất quan trọng.
Xét nghiệm PSA định kỳ có thể giúp biết được mức PSA “bình thường” của bản thân. Khi mức PSA đột nhiên tăng cao thì đó là dấu hiệu cho thấy cần phải kiểm tra thêm. Nếu nghi ngờ viêm tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm PSA thêm một lần nữa.
Trong những trường hợp đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm PSA định kỳ giúp theo dõi sự tiến triển của bệnh và đáp ứng với phác đồ điều trị.
Các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Xác định giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt có nghĩa là xác định mức độ tiến triển của bệnh và từ đó bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Ung thư tuyến tiền liệt gồm có 4 giai đoạn, càng về các giai đoạn sau thì bệnh càng tiến triển nặng.
Giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt cũng được chia giai đoạn dựa trên hệ thống phân giai đoạn TNM của American Joint Committee on Cancer (AJCC). Hệ thống phân giai đoạn này chia giai đoạn bệnh ung thư theo kích thước khối u hoặc mức độ lan rộng của ung thư, số lượng hạch bạch huyết có tế bào ung thư và ung thư đã di căn đến các vị trí hoặc cơ quan ở xa trong cơ thể hay chưa.
Giai đoạn ung thư còn được xác định dựa trên hai yếu tố nữa là mức PSA và thang điểm Gleason.
Vai trò của xét nghiệm PSA trong xác định giai đoạn ung thư
Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào bất thường nhân lên mất kiểm soát và hình thành nên khối u ác tính ở tuyến tiền liệt. Điều này có thể khiến tuyến tiền liệt tạo ra quá nhiều PSA và dẫn đến nồng độ PSA trong máu cao hơn bình thường.
Tuy nhiên, một số nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt vẫn có mức PSA bình thường. Và mặt khác, nồng độ PSA có thể tăng cao do nhiều nguyên nhân khác không phải ung thư tuyến tiền liệt, ví dụnhư nhiễm trùng tuyến tiền liệt hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
Mức PSA chỉ là một trong các yếu tố được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt. Một yếu tố khác là điểm Gleason. Điểm Gleason đánh giá mức độ bất thường của các tế bào tuyến tiền liệt sau khi sinh thiết.
Ở một thời điểm nhất định trong quá trình tiến triển ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư tuyến tiền liệt, điểm Gleason và kết quả xét nghiệm PSA sẽ không còn quá quan trọng. Khi khối u phát triển lớn, bác sĩ sẽ không còn cần những chỉ số này để dự đoán sự tiến triển hay độ ác tính của khối u nữa.
Mức PSA vào các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Dưới đây là mức PSA và những gì diễn ra vào các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt theo hệ thống phân giai đoạn TNM của AJCC.
Giai đoạn | Đặc điểm ung thư |
Mức PSA |
1 | Tế bào ung thư chỉ hiện diện ở một nửa tuyến tiền liệt và chưa lan sang khu vực mô xung quanh. | 10 ng/mL trở xuống |
2A | Tế bào ung thư được tìm thấy ở một nửa hoặc chưa đến một nửa của một bên tuyến tiền liệt. | Từ 10 đến 20 ng/mL |
2B | Tế bào ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai bên của tuyến tiền liệt. | Dưới 20 ng/mL |
2C | Tế bào ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai bên của tuyến tiền liệt. | Dưới 20 ng/mL |
3A | Tế bào ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai bên của tuyến tiền liệt. | 20 ng/mL trở lên |
3B | Tế bào ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai bên của tuyến tiền liệt. Ung thư đã lan đến các tuyến, mô hoặc cơ quan lân cận (chẳng hạn như trực tràng và bàng quang). | PSA bất kỳ |
3C | Tế bào ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai bên của tuyến tiền liệt. Ung thư đã lan đến các tuyến, mô hoặc cơ quan lân cận (chẳng hạn như trực tràng và bàng quang). | PSA bất kỳ |
4A | Tế bào ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai bên của tuyến tiền liệt. Ung thư đã lan đến các tuyến, mô hoặc cơ quan lân cận. Ung thư cũng đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó. | PSA bất kỳ |
4B (giai đoạn cuối) | Tế bào ung thư được tìm thấy ở một hoặc cả hai bên của tuyến tiền liệt. Ung thư đã lan đến các tuyến, mô hoặc cơ quan lân cận. Ung thư cũng đã lan rộng hơn đến xương hoặc các hạch bạch huyết ở xa. | PSA bất kỳ |
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Phác đồ điều trị được xác định dựa trên nhiều yếu tố, gồm có:
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư
- Tuổi thọ ước tính
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
- Tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh lý khác mà bệnh nhân đang mắc
- Đã từng điều trị bằng các phương pháp khác hay chưa? Hiệu quả ra sao?
Nếu ung thư khu trú (chỉ giới hạn ở một khu vực của tuyến tiền liệt) thì có thể được điều trị bằng:
- Quan sát và theo dõi
- Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt (cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt)
- Xạ trị (sử dụng bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư)
- Các loại thuốc để điều trị các triệu chứng
Nếu ung thư đã lan rộng hơn thì có thể phải điều trị bằng liệu pháp hormone hay còn được gọi là liệu pháp ức chế androgen (androgen deprivation therapy – ADT).
Liệu pháp ức chế androgen có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của khối u nhưng phương pháp điều này đi kèm một số tác dụng phụ như giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương và mệt mỏi. Ngoài ra, một số bệnh ung thư không đáp ứng với ADT.
Những bệnh nhân có sức khỏe tổng thể tốt và dự kiến sẽ phục hồi chức năng sau điều trị có thể được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu ung thư đã di căn ra ngoài tuyến tiền liệt đến các mô và cơ quan khác thì phẫu thuật không phải giải pháp phù hợp.
Những ai nên sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt?
Xét nghiệm PSA đôi khi có thể cho kết quả dương tính giả, có nghĩa là mức PSA cao trong khi không hề mắc ung thư tuyến tiền liệt. Điều này có thể dẫn đến các thủ thuật xâm lấn không cần thiết và gây hoang mang cho bệnh nhân.
Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force – USPSTF) vào năm 2018 đã đưa ra các kết luận sau: (2)
- Nam giới từ 55 đến 69 tuổi nên trao đổi với bác sĩ và tự cân nhắc xem có nên xét nghiệm PSA để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt hay không.
- Đối với nam giới trên 70 tuổi, rủi ro của việc xét nghiệm PSA để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt lớn hơn lợi ích.
Vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy xét nghiệm PSA có thể ngăn ngừa tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), nam giới lớn tuổi, nam giới da đen và nam giới có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt xảy ra ở nam giới trên 65 tuổi. (3)
Tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất.
Có nhiều phương pháp được sử dụng để sàng lọc và chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, gồm có xét nghiệm PSA, sinh thiết tuyến tiền liệt và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Những phương pháp này còn được sử dụng để theo dõi sự tiến triển của bệnh và đáp ứng với điều trị.
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có tiên lượng rất tốt, đặc biệt là khi được phát hiện sớm. Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay đã hiệu quả hơn nhiều so với truóc và tỷ lệ sống 5 năm đối với tất cả các loại ung thư tuyến tiền liệt là 97,5%. (4)