Viêm gan B khi mang thai

Phụ nữ mang thai có thường xuyên được kiểm tra viêm gan B không?  Viêm gan B lây truyền qua đường nào? Các triệu chứng của viêm gan B là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu bà bầu xét nghiệm dương tính với viêm gan B? Cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
viem gan B khi mang thai
Viêm gan B khi mang thai

Phụ nữ mang thai có thường xuyên được kiểm tra viêm gan B không?

Có. Khi bạn đến khám thai lần đầu tiên, bạn sẽ được thực hiện một loạt các xét nghiệm máu, bao gồm một xét nghiệm để kiểm tra virut viêm gan B (HBV hoặc Hep B). Loại vi rút này có thể gây ra bệnh nặng, tổn thương gan, thậm chí tử vong.

Hơn một triệu người ở Hoa Kỳ mang vi rút này, nhưng nhiều người không có triệu chứng và không biết họ là người mang mầm bệnh. Nếu có, bạn có thể truyền virut sang em bé khi sinh.

Tìm hiểu xem bạn có phải là người mang mầm bệnh hay không, cho phép bác sĩ thực hiện những biện pháp phòng ngừa đặc biệt vào lúc sinh và để điều trị cho em bé ngay sau khi sinh, rất có thể sẽ ngăn chặn được bé không bị nhiễm bệnh.

Nếu bạn có kết quả xét nghiệm âm tính với HBV và chưa tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B, bác sĩ có thể khuyên bạn chủng ngừa, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh này. Vắcxin này an toàn cho phụ nữ đang mang bầu và thai nhi đang phát triển.

 Viêm gan B lây truyền qua đường nào?

Viêm gan B là một loại siêu vi khuẩn truyền nhiễm cao lây lan qua máu, tinh dịch và các chất dịch cơ thể khác. Nếu bạn là người mang mầm bệnh, bạn có thể đã tiếp xúc với virut này:

  • Qua quan hệ tình dục với người mang mầm bệnh khác
  • Khi sinh (nếu mẹ bạn là người mang mầm bệnh)
  • Bằng cách dùng chung kim hoặc vô tình bị đâm phải kim tiêm
  • Bằng cách sử dụng bàn chải đánh răng hoặc dao cạo có vết máu nhỏ của người mang mầm bệnh (ngay cả khi bạn không nhìn thấy nó)
  • Bằng cách xỏ khuyên cơ thể hoặc hình xăm ở nơi vệ sinh kém

Các triệu chứng của viêm gan B

Nếu mắc bệnh viêm gan B, bạn có thể cảm thấy rất mệt mỏi. Bạn cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn và nôn, chán ăn, đau khớp, hoặc vàng da (vàng mắt). Nhưng nhiều người không có triệu chứng và thậm chí không biết họ đã bị nhiễm bệnh.

Khoảng 6 đến 10% những người tiếp xúc với viêm gan B từ 5 tuổi trở lên cuối cùng là người mang virus viêm gan B, có nghĩa là cơ thể của họ không bao giờ thoát khỏi virus. Khoảng 15 đến 25% những người bị nhiễm viêm gan B mạn tính cuối cùng mắc một bệnh gan đe dọa đến mạng sống hoặc ung thư gan. Ước tính có từ 2.000 đến 4.000 người ở Hoa Kỳ tử vong hàng năm do bệnh liên quan đến viêm gan B.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bà bầu xét nghiệm dương tính với viêm gan B?

Trước tiên bác sĩ có thể muốn cho bạn thực hiện một xét nghiệm máu cụ thể hơn để biết thêm thông tin về tình trạng của bạn cũng như khả năng hoạt động của gan.

Và vì vi rút này ảnh hưởng đến gan, nên bạn cần phải cai rượu hoàn toàn – không chỉ trong khi mang thai. Ngoài ra, không dùng acetaminophen (hoặc các loại thuốc không kê đơn có chứa acetaminophen) vì thuốc này có thể gây hại cho gan.

Hầu hết bạn sẽ đến chuyên khoa gan để được chăm sóc thêm, bao gồm cả đánh giá định kỳ về chức năng gan. Những người khác trong gia đình của bạn, cũng như bất cứ bạn tình nào cũng cần phải được kiểm tra.

Nếu không phải là người mang mầm bệnh, họ nên tiêm vắc xin chủng ngừa. Sử dụng bao cao su trong khi quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm cho bạn đời của bạn. Bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc kháng vi rút với loại thuốc gọi là tenofovir, giúp giảm nguy cơ lây truyền HBV sang con bạn.

Sinh thường và sinh mổ thường khá an toàn đối với những người mang mầm bệnh HBV. Và theo Hiệp hội Y học Bà mẹ – Thai nhi, mổ đẻ là điều không cần thiết để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B cho bé.

Trong vòng 12 giờ sau khi sinh, bác sĩ sẽ tiêm cho con bạn một mũi tiêm kháng thể chống lại vi rút viêm gan B và mũi tiêm vắc xin phòng viêm gan B đầu tiên. Điều này đủ để bảo vệ bé tránh viêm gan B trong thời gian ngắn. Ngoài ra, các kháng thể và vắc xin có khoảng 85 đến 95% hiệu quả trong việc ngăn ngừa viêm gan B ở trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HBV.

Bé nên được tiêm phòng liều thứ hai và thứ ba văcxin ngừa viêm gan B ở lần kiểm tra sức khoẻ bình thường sau đó. Tất cả ba mũi chích ngừa viêm gan B đều rất cần thiết để bảo vệ bé cả đời, và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh đều nên tiêm phòng vắc xin này.

Một người mẹ nhiễm HBV dương tính có thể cho con bú sữa mẹ, miễn là bé đã được tiêm miễn dịch chống viêm gan B (HBIG) khi sinh và chủng ngừa HBV lúc sinh. Điều quan trọng là bạn phải chăm sóc tiếp theo sau khi sinh vì những người mang mầm bệnh mạn tính có nguy cơ bị bệnh gan nghiêm trọng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu em bé bị viêm gan B?

Nếu bạn là người mang virus viêm gan B, cơ hội truyền virut cho con bạn khi sinh ra là từ 10 đến 20%, trừ khi bé được điều trị trong vòng 12 giờ sau sinh. Nguy cơ thay đổi tùy thuộc vào thời điểm bạn bị nhiễm bệnh và có bao nhiêu virus HBV trong máu của bạn. Có nguy cơ từ 80 đến 90% nếu bạn bị nhiễm viêm gan B trong tam cá nguyệt thứ ba.

Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào ngay lập tức nhưng có nhiều khả năng trở thành người mang bệnh kinh niên hơn so với trẻ em khác hoặc người lớn. Những người mang mầm bệnh có thể lây siêu vi khuẩn trong suốt cuộc đời của họ và căn bệnh này dễ lây truyền đến nỗi trẻ em không thể dùng chung bàn chải đánh răng.

Trẻ bị HBV có nguy cơ cao phát triển bệnh gan hoặc ung thư gan. Mặc dù không có thuốc chữa bệnh viêm gan B, nhưng một số loại thuốc có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan nặng.

Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao nhất?

Vì viêm gan loại B lây truyền qua đường máu và dịch cơ thể, những người dễ bị nhiễm bệnh nhất là các nhân viên y tế, người nhà họ và bạn tình của người mang mầm bệnh, những người có nhiều bạn tình và người tiêm chích ma tuý.

Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B, hãy tiêm phòng – nó có thể bảo vệ nếu bạn không có miễn dịch với virut.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *