Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) cho biết điều gì?

Yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor – RF) là một loại kháng thể tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Những kháng thể này được gọi là tự kháng thể.

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) cho biết điều gì?
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) cho biết điều gì?

Hệ miễn dịch của một người khỏe mạnh thường không tạo ra yếu tố dạng thấp. Do đó, sự hiện diện của yếu tố dạng thấp trong máu có thể là dấu hiệu của một bệnh tự miễn.

Lượng yếu tố dạng thấp được đo bằng đơn vị quốc tế trên mililit (IU/mL). Phạm vi yếu tố dạng thấp bình thường tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng thường dưới 14 IU/mL.

Đôi khi những người không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cũng có một lượng nhỏ yếu tố dạng thấp trong máu. Tuy nhiên, điều này là rất hiếm, chỉ được ghi nhận ở tối đa 4% dân số. Các chuyên gia chưa lý giải được nguyên nhân của điều này.

Khi nào cần làm xét nghiệm yếu tố dạng thấp?

Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của yếu tố dạng thấp nếu người bệnh có dấu hiệu của bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hay bệnh Sjögren.

Các vấn đề sức khỏe khác có thể khiến nồng độ yếu tố dạng thấp trong máu cao hơn bình thường gồm có:

  • Nhiễm trùng mạn tính
  • Xơ gan (mô sẹo hình thành trong gan)
  • Cryoglobulin máu (cryoglobulinemia), sự hiện diện của các protein bất thường trong máu, ngăn cản sự lưu thông máu
  • Viêm da cơ
  • Bệnh mô liên kết hỗn hợp (MCTD)
  • Bệnh lupus
  • Bệnh ung thư

Một số vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nồng độ yếu tố dạng thấp trong máu nhưng không thể chỉ dựa vào sự hiện diện của yếu tố dạng thấp để chẩn đoán những bệnh này. Những bệnh lý này gồm có:

  • HIV/AIDS
  • Viêm gan
  • Bệnh sốt rét
  • Bệnh lao
  • Bệnh giang mai
  • Bệnh sacoit

Những dấu hiệu cần làm xét nghiệm yếu tố dạng thấp

Bác sĩ thường yêu cầu làm xét nghiệm yếu tố dạng thấp khi người có các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, gồm có:

  • Sưng đau, nóng và cứng khớp
  • Cứng khớp nặng hơn vào buổi sáng
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Nốt sần dưới da
  • Sốt
  • Mất sụn hoặc xương

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm xét nghiệm yếu tố dạng thấp để chẩn đoán bệnh Sjögren, một bệnh tự miễn xảy ra do tế bào bạch cầu tấn công niêm mạc và các tuyến tiết dịch của mắt và miệng.

Các triệu chứng chính của bệnh Sjögren gồm có khô miệng và khô mắt. Ngoài ra các triệu chứng khác còn có mệt mỏi cực độ, đau khớp và đau cơ. Bệnh Sjögren chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và đôi khi xảy ra cùng với các bệnh tự miễn khác, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp là một xét nghiệm máu đơn giản.

Người bệnh sẽ được lấy mẫu máu từ tĩnh mạch ở cánh tay hoặc mu bàn tay. Quá trình lấy máu chỉ mất vài phút và không đau đớn. Các bước lấy máu như sau:

  1. Sát trùng da ở vị trí lấy máu.
  2. Buộc dây garo quanh bắp tay để làm nổi tĩnh mạch.
  3. Đưa kim vào tĩnh mạch.
  4. Kéo pít tông để lấy máu vào xi lanh
  5. Khi lấy đủ lượng máu, nhanh chóng tháo dây garo, đặt bông vô trùng lên vị trí đâm kim và rút kim ra
  6. Bơm máu vào ống nghiệm và đem đến phòng xét nghiệm để kiểm tra.

Thông thường, kết quả xét nghiệm sẽ có sau vài ngày.

Rủi ro của xét nghiệm yếu tố dạng thấp

Giống như các xét nghiệm máu khác, xét nghiệm yếu tố dạng thấp cũng cần lấy mẫu máu.

Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng bất kỳ xét nghiệm máu nào cũng tiềm ẩn những rủi ro như chảy máu, bầm tím hoặc nhiễm trùng tại vị trí đâm kim.

Bất cứ khi nào da có vết thương hở đều có nguy cơ bị nhiễm trùng. Để tránh bị nhiễm trùng, dụng cụ lấy máu phải vô trùng và giữ cho vị trí đâm kim luôn sạch sẽ, khô ráo sau khi lấy máu.

Một số người bị choáng váng, chóng mặt hoặc thậm chí ngất xỉu sau khi lấy máu. Nếu có những hiện tượng này sau khi lấy máu thì người bệnh nên báo cho nhân viên y tế biết.

Kích thước tĩnh mạch của mỗi người là khác nhau và ở những người có tĩnh mạch lớn, việc lấy máu sẽ dễ dàng hơn so với người có tĩnh mạch nhỏ. Trong những trường hợp khó lấy máu, nguy cơ xảy ra những vấn đề nêu trên sẽ cao hơn.

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm

Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết lượng yếu tố dạng thấp trên có trong mỗi mililit máu (đơn vị quốc tế trên mililit – IU/mL).

Nồng độ yếu tố dạng thấp bình thường thường dưới 14 IU/mL. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào từng phòng xét nghiệm. Đôi khi, nồng độ yếu tố dạng thấp lên đến 20 IU/mL vẫn được coi là bình thường.

Nếu nồng độ yếu tố dạng thấp nằm trong phạm vi bình thường thì kết quả xét nghiệm được xác định là âm tính. Nếu nồng độ yếu tố dạng thấp cao hơn phạm vi bình thường thì kết quả xét nghiệm được xác định là dương tính.

Theo hướng dẫn vào năm 2010của Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ và Liên đoàn Chống Thấp khớp Châu Âu, kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp dương tính được chia thành dương tính thấp và dương tính cao.

Kết quả dương tính thấp có nghĩa là nồng độ yếu tố dạng thấp không vượt quá ba lần so với giới hạn trên của phạm vi bình thường. Kết quả dương tính cao có nghĩa là nồng độ yếu tố dạng thấp gấp ba lần giới hạn trên của phạm vi bình thường hoặc cao hơn. Ví dụ, nếu coi 20 IU/mL là ngưỡng yếu tố dạng thấp bình thường thì ý nghĩa kết quả xét nghiệm như sau:

Nồng độ yếu tố dạng thấp (IU/mL) Ý nghĩa
Dưới 20 IU/mL Âm tính
20 – 60 IU/mL Dương tính thấp
60 IU/mL trở lên Dương tính cao

Phạm vi yếu tố dạng thấp được quy định là bình thường có thể thay đổi theo từng nơi thực hiện xét nghiệm. Đối chiếu kết quả xét nghiệm với ngưỡng bình thường ghi trong phiếu kết quả để biết kết quả âm tính hay dương tính.

Khoảng 80 đến 90% người bị viêm khớp dạng thấp có kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp dương tính. Ngoài ra, nồng độ yếu tố dạng thấp càng cao có nghĩa là bệnh càng nặng và càng khó kiểm soát. Dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) có thể làm giảm lượng yếu tố dạng thấp.

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm khớp dạng thấp khác

Ngoài xét nghiệm yếu tố dạng thấp còn có một số xét nghiệm khác cũng được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Xét nghiệm anti-CCP: đo nồng độ kháng thể kháng CCP (cyclic citrullinated peptide). Kháng thể này được phát hiện ở khoảng 60 đến 70% số người bị viêm khớp dạng thấp. Không giống như yếu tố dạng thấp, kháng thể kháng CCP hiếm khi hiện diện ở những người không mắc viêm khớp dạng thấp. Do đó, đây là một dấu ấn sinh học giúp chẩn đoán chính xác bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Xét nghiệm CRP: đo nồng độ protein phản ứng C (C-reactive protein), một loại protein được tạo ra bởi gan và có liên quan đến phản ứng viêm. Nồng độ CRP cao có thể chỉ ra các bệnh tự miễn viêm như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus. Nồng độ CRP trong máu cũng có thể tăng cao do nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng máu.
  • Xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR): Khi xảy ra phản ứng viêm trong cơ thể, hồng cầu sẽ kết tụ lại với nhau. Xét nghiệm tốc độ máu lắng hay ESR (erythrocyte sedimentation rate) đo tốc độ hồng cầu chìm xuống đáy ống nghiệm. ESR cao có thể là dấu hiệu chỉ ra tình trạng viêm trong cơ thể do các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và lupus, nhiễm trùng hoặc một số loại ung thư.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): Kháng thể kháng nhân (antinuclear antibody) cũng là một loại tự kháng thể được tìm thấy ở những người bị viêm khớp dạng thấp. Mặc dù một số người bị viêm khớp dạng thấp có kết quả xét nghiệm ANA dương tính nhưng xét nghiệm này được sử dụng phổ biến hơn trong chẩn đoán các bệnh tự miễn khác như lupus, bệnh Sjögren và xơ cứng bì.

Tóm tắt bài viết

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp là một xét nghiệm máu đơn giản đo nồng độ yếu tố dạng thấp (RF) – một loại tự kháng thể trong máu. Xét nghiệm này thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như các bệnh tự miễn khác như bệnh Sjögren, bệnh mô liên kết hỗn hợp và bệnh lupus.

Không phải lúc nào kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp dương tính cũng chỉ ra bệnh viêm khớp dạng thấp. Thông thường sẽ phải thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như xét nghiệm anti-CCP, CRP và ESR.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *