Xạ trị và phẫu thuật là hai trong số các lựa chọn điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Cả hai phương pháp đều có khả năng chữa khỏi bệnh. Tỷ lệ sống tương đối 5 năm ở tất cả các giai đoạn của bệnh ung thư tuyến tiền liệt là 98%.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt: Phẫu thuật và xạ trị
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở nam giới, chỉ xếp sau ung thư da.
Nhờ những cải tiến về phương pháp sàng lọc và điều trị nên hiện nay, những người mắc ung thư tuyến tiền liệt có tỷ lệ sống sót rất cao, bao gồm cả những trường hợp ung thư mới chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt và ung thư đã lan đến vùng mô xung quanh. Tỷ lệ sống tương đối 5 năm của nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt khu trú (tế bào ung thư chỉ giới hạn trong tuyến tiền liệt) là trên 99%. Tỷ lệ sống 5 năm giảm xuống 31% khi ung thư đã lan đến các khu vực ở xa trong cơ thể.
Phẫu thuật và xạ trị là hai phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt cùng vùng mô xung quanh để loại bỏ tế bào ung thư. Phương pháp điều trị này dành những người có sức khỏe tổng thể tốt.
Xạ trị sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp xạ trị có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp cùng với phẫu thuật.
Bài viết này sẽ so sánh xạ trị và phẫu thuật trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị
Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về các lựa chọn điều trị. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dựa trên các yếu tố như:
- Giai đoạn bệnh hay mức độ tiến triển của ung thư
- Tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh
- Đặc điểm của các tế bào ung thư khi quan sát dưới kính hiển vi
- Nguyện vọng của người bệnh
Ngoài ra còn một số yếu tố cũng có thể sẽ được cân nhắc khi xác định phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Trong trường hợp có thể điều trị bằng cả phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể lựa chọn một trong hai phương pháp dựa trên các yếu tố sau đây:
- Khả năng chữa khỏi: Phương pháp nào có khả năng chữa khỏi bệnh cao hơn?
- Tác dụng phụ: Phương pháp điều trị nào có nhiều tác dụng phụ hơn?
- Quy trình điều trị: Người bệnh cảm thấy muốn điều trị bằng phương pháp nào hơn?
- Chi phí: Phương pháp điều trị nào phù hợp hơn với khả năng chi trả của người bệnh?
Hãy cùng so sánh các yếu tố này của phương pháp xạ trị và phẫu thuật.
Hiệu quả của phẫu thuật và xạ trị trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Xạ trị và phẫu thuật là hai trong số các lựa chọn điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Cả hai phương pháp đều có khả năng chữa khỏi bệnh. Tỷ lệ sống tương đối 5 năm ở tất cả các giai đoạn của bệnh ung thư tuyến tiền liệt là 98%. (1)
Phẫu thuật là một giải pháp điều trị trong những trường hợp ung thư chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt hoặc vùng mô lân cận. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ tuyến tiên liệt cùng các cấu trúc xung quanh để loại bỏ tế bào ung thư.
Phương pháp xạ trị được sử dụng:
- làm phương pháp điều trị chính trong những trường hợp ung thư phát triển chậm ở tuyến tiền liệt
- kết hợp với liệu pháp hormone trong những trường hợp ung thư đã lan đến vùng mô lân cận
- kết hợp với phẫu thuật nếu như phẫu thuật không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư hoặc nếu ung thư tái phát sau phẫu thuật
- để làm chậm sự tiến triển của ung thư di căn và giảm bớt các triệu chứng
Xạ trị cũng có thể được tiến hành sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.
Trong một nghiên cứu kéo dài 10 năm, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt nào đáng kể về tiên lượng ở những người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và giám sát tích cực (chỉ theo dõi sự tiến triển của ung thư). (2)
Tất cả các phương pháp điều trị đều có tỷ lệ tử vong trong vòng 10 năm ở mức thấp. Khi điều trị bằng phẫu thuật và xạ trị, ung thư ít lan rộng đến khu vực ở xa hơn so với giám sát tích cực.
Hầu hết các bác sĩ đều tin rằng các phương pháp điều trị mang lại hiệu quả như nhau. Có thể phẫu thuật có tỷ lệ chữa khỏi bệnh về lâu dài cao hơn một chút so với xạ trị. Nhưng khả năng điều trị thành công còn phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có giai đoạn ung thư, độ mô học, tuổi tác và bệnh sử của người bệnh.
Một tổng quan tài liệu gồm 23 nghiên cứu vào năm 2022 đã cho thấy rằng những người mắc ung thư tuyến tiền liệt khu trú được điều trị bằng phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài có tỷ lệ sống thêm toàn bộ (overall survival) thấp hơn so với những người điều trị bằng phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nếu kết hợp xạ trị chùm tia bên ngoài với xạ trị áp sát (xạ trị bên trong) thì tỷ lệ điều trị thành công cũng tương đương phẫu thuật. (3)
Cả hai phương pháp điều trị đều làm giảm nguy cơ ung thư di căn đến các cơ quan ở xa so với giám sát tích cực.
Rủi ro và tác dụng phụ của phẫu thuật và xạ trị
Cả phẫu thuật và xạ trị đều có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì một số người bị ung thư tuyến tiền liệt không có triệu chứng nên khoảng 60% người mắc ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ thấp lựa chọn giám sát tích cực để tránh gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng của hai phương pháp điều trị này. Trong trường hợp phải điều trị thì người bệnh cần nhận thức được những rủi ro trước khi bắt đầu quá trình điều trị.
Hai trong số các tác dụng phụ được quan tâm nhiều nhất của các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt là rối loạn chức năng tình dục và tiểu không tự chủ. Cả hai tình trạng này cũng là triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Những người mắc ung thư tuyến tiền liệt mà không điều trị cũng có thể gặp những triệu chứng này.
Một nghiên cứu vào năm 2017 được thực hiện trên 2.550 nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt khu trú cho thấy những người điều trị bằng phẫu thuật có chức năng tình dục kém hơn và có tỷ lệ bị tiểu không tự chủ sau 3 năm cao hơn so với những người điều trị bằng xạ trị. Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 2.117 nam giới vào năm 2018 cũng cho kết quả tương tự ở những nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ thấp nhưng ở nhóm mắc ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ cao thì hai phương pháp phẫu thuật và xạ trị lại không sự khác biệt đáng kể về nguy cơ rối loạn chức năng tình dục và tiểu không tự chủ.
Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy hầu hết các khác biệt về tác dụng phụ của phẫu thuật và xạ trị sẽ không còn sau 5 năm. Nhưng theo báo cáo của những người tham gia nghiên cứu, phẫu thuật gây ra tình trạng tiểu không tự chủ nghiêm trọng hơn so với xạ trị.
Phẫu thuật
Rủi ro của phẫu thuật tuyến tiền liệt cũng tương tự như những loại phẫu thuật khác, gồm có:
- Phản ứng với thuốc gây mê
- Chảy máu
- Cục máu đông
- Tổn thương các cơ quan khác
- Nhiễm trùng
Nếu trong ca phẫu thuật bác sĩ còn cắt bỏ cả các hạch bạch huyết thì người bệnh có thể sẽ bị phù bạch huyết. Đây là tình trạng tích tụ dịch bạch huyết trong mô mỡ dưới da.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), tử vong là điều rất hiếm khi xảy ra sau phẫu thuật tuyến tiền liệt.
Xạ trị
Các tác dụng phụ có thể xảy ra của phương pháp xạ trị gồm có:
- Viêm bàng quang, có các triệu chứng như:
- Đi tiểu nhiều lần
- Máu trong nước tiểu
- Nóng rát khi đi tiểu
- Tiểu không tự chủ
- Rối loạn cương dương
- Mệt mỏi
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau trực tràng
- Tiêu chảy
Xạ trị thường được kết hợp với liệu pháp ức chế androgen (androgen deprivation therapy – ADT) – một dạng liệu pháp hormone. Các nghiên cứu cho thấy liệu pháp ức chế androgen làm tăng tỷ lệ thành công của xạ trị. Tuy nhiên, liệu pháp ức chế androgen cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Liệu pháp ức chế androgen làm giảm nồng độ androgen trong cơ thể. Đây là loại hormone giúp tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển. Giảm mức androgen sẽ gây ra những thay đổi tương tự như giảm mức testosterone, gồm có:
- Giảm ham muốn tình dục
- Giảm kích thước dương vật và tinh hoàn
- Mô vú phát triển, dẫn đến tình trạng vú to ở nam giới
- Giảm khối lượng cơ
- Bốc hỏa
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Giảm tế bào máu
Dược chất phóng xạ (thuốc phóng xạ dạng tiêm) có thể gây ra:
- Mệt mỏi
- Khô miệng
- Buồn nôn
- Ăn không ngon miệng
- Táo bón
- Giảm tế bào máu
- Tổn thương thận
Những người điều trị bằng xạ trị còn có nguy cơ mắc ung thư trực tràng và bệnh bạch cầu cấp dòng tủy.
Theo các chuyên gia, liều phóng xạ càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh này càng cao.
Quy trình phẫu thuật và xạ trị khác nhau như thế nào?
Dưới đây là một số loại phẫu thuật và xạ trị được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Phẫu thuật
Loại phẫu thuật chính để điều trị ung thư tuyến tiền liệt là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ hoàn toàn tuyến tiền liệt và vùng mô lân cận, chẳng hạn như túi tinh.
Có ba phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt:
- Mổ mở: Rạch một đường dài ở bụng dưới hoặc đáy chậu (khu vực giữa hậu môn và bìu) để tiếp cận và cắt tuyến tiền liệt.
- Phẫu thuật nội soi: Rạch một vài đường nhỏ ở bụng, sau đó đưa ống nội soi cùng các dụng cụ phẫu thuật vào qua đường rạch để cắt tuyến tiền liệt.
- Phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot: Quy trình thực hiện cũng tương tự như phẫu thuật nội soi thông thường nhưng bác sĩ điều khiển cánh tay robot thực hiện các thao tác phẫu thuật thay vì trực tiếp thực hiện.
Thông thường, bệnh nhân chỉ cần ở lại bệnh viện một đêm sau ca phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt.
Các loại phẫu thuật khác cũng được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm có:
- Vét hạch chậu: loại bỏ các hạch bạch huyết xung quanh khung chậu.
- Cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo: đưa ống soi qua đầu dương vật vào niệu đạo để cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt. Đôi khi phương pháp này được sử dụng để điều trị ung thư trước khi tiến hành các phương pháp điều trị khác.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Có ba loại xạ trị chính được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt:
- Xạ trị chùm tia bên ngoài (external beam radiation therapy): Một thiết bị chiếu các chùm tia phóng xạ vào tuyến tiền liệt. Quá trình điều trị kéo dài vài tuần, mỗi tuần người bệnh thường phải điều trị 5 ngày. Đây là một phương pháp điều trị ngoại trú.
- Xạ trị áp sát (xạ trị bên trong): cấy các nguồn phóng xạ có kích thước rất nhỏ vào tuyến tiền liệt. Thông thường, các nguồn phóng xạ được để trong cơ thể người bệnh trong vài tuần hoặc vài tháng và sẽ từ từ giải phóng một lượng nhỏ phóng xạ. Còn một hình thức xạ trị áp sát nữa là sử dụng nguồn phóng xạ liều cao và chỉ đưa vào cơ thể trong vài phút.
Dược chất phóng xạ: Thuốc phóng xạ được tiêm vào máu. Phóng xạ từ những loại thuốc này sẽ tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng có thể phá hủy cả các tế bào khỏe mạnh bên trong cơ thể.
Các phương pháp khác để điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, có 8 phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt:
- Giám sát tích cực
- Phẫu thuật
- Xạ trị
- Liệu pháp hormone
- Hóa trị
- Liệu pháp nhắm trúng đích
- Liệu pháp miễn dịch
- Thuốc bisphosphonate
Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng như:
- Liệu pháp quang động
- Xạ trị proton
- Liệu pháp siêu âm hội tụ cường độ cao
- Liệu pháp áp lạnh (phẫu thuật lạnh)