Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng steroid: Hiệu quả và rủi ro

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý viêm mạn tính gây sưng đau và cứng khớp. Tình trạng này thường xảy ra ở các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Đây là một căn bệnh tiến triển và hiện chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể chữa khỏi dứt điểm. Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp sẽ dần dần phá hủy khớp và khiến người bệnh mất khả năng vận động.

steroid
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng steroid: Hiệu quả và rủi ro

Phát hiện và điều trị sớm có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Phác đồ điều trị thường gồm có thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) kết hợp với thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và steroid liều thấp. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị thay thế.

Cùng tìm hiểu xem steroid có tác dụng gì trong điều trị viêm khớp dạng thấp và việc sử dụng các loại thuốc này có an toàn hay không.

Steroid là gì?

Steroid, hay còn được gọi là corticoid (corticosteroid) hay glucocorticoid, là những hợp chất tổng hợp tương tự như cortisol, một loại hormone mà tuyến thượng thận tạo ra một cách tự nhiên. Trước đây, steroid từng là một phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm khớp dạng thấp.

Hiện nay steroid không còn được sử dụng phổ biến để điều trị viêm khớp dạng thấp nữa do được phát hiện là có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe và có nhiều loại thuốc mới ra đời. Các hướng dẫn hiện tại của Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ (the American College of Rheumatology) về việc điều trị viêm khớp dạng thấp khuyến cáo các bác sĩ hạn chế kê glucocorticoid đường uống cho người bệnh. (1)

Tuy nhiên, đôi khi người bệnh vẫn phải sử dụng steroid để làm giảm các triệu chứng trước khi sử dụng DMARD. Chỉ nên sử dụng steroid trong thời gian ngắn nhất và liều thấp nhất có thể.

Độc tính của glucocorticoid

Theo nhiều nhà nghiên cứu, rủi ro của việc sử dụng glucocorticoid lớn hơn lợi ích.

Glucocorticoid có thể gây ra tác dụng phụ về cơ xương, tim mạch, đường tiêu hóa hoặc thần kinh. Một số loại glucocorticoid còn có thể gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến mắt, hệ thống trao đổi chất, hệ nội tiết và da.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng hiện nay sử dụng Chỉ số độc tính glucocorticoid để đánh giá các loại thuốc này.

Steroid có thể được dùng qua đường uống, tiêm hoặc bôi ngoài da.

Steroid đường uống

Steroid đường uống có dạng viên nén, viên nang hoặc dạng lỏng. Các loại thuốc này giúp giảm tình trạng viêm trong cơ thể – nguyên nhân gây sưng, đau và cứng khớp. Steroid còn làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch và nhờ đó, ngăn chặn các đợt tái phát viêm khớp dạng thấp.

Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy steroid có thể dẫn đến loãng xương và các tác dụng phụ khác.

Các loại steroid được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • prednisone
  • hydrocortisone
  • prednisolone
  • dexamethasone
  • methylprednisolone
  • triamcinolone
  • dexamethasone
  • betamethasone

Prednisone là loại steroid được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp dạng thấp.

Liều dùng

Ở giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể được kê steroid đường uống liều thấp kết hợp với DMARD hoặc các loại thuốc khác. Điều này là do phải mất từ 3 đến 12 tuần thì DMARD mới phát huy tác dụng. Trong khi đó, steroid phát huy tác dụng nhanh chóng và người bệnh sẽ thấy hiệu quả chỉ sau vài ngày dùng thuốc.

Nên giảm liều dùng steroid khi các loại thuốc khác bắt đầu có hiệu quả. Cần giảm liều steroid một cách từ từ, không nên giảm đột ngột để tránh xảy ra triệu chứng cai thuốc.

Liều dùng prednisone thông thường là 5 – 10 mg mỗi ngày. Không nên dùng quá 10 mg prednisone/ngày.

Thông thường, steroid được sử dụng sau khi ngủ dậy vào buổi sáng vì đây là lúc steroid trong cơ thể bắt đầu hoạt động.

Trong thời gian sử dụng steroid, người bện nên uống bổ sung canxi (800 đến 1.000 mg) và vitamin D (400 đến 800 đơn vị) hàng ngày.

Nếu bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra biến chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể cần dùng steroid liều cao hơn một chút.

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy glucocorticoids được sử dụng ở khoảng 50% số người bị viêm khớp dạng thấp. (2)

Trong một số trường hợp bị viêm khớp dạng thấp nặng, người bệnh trở nên phụ thuộc vào steroid, có nghĩa là phải sử dụng steroid thì mới thực hiện được các hoạt động hàng ngày.

Steroid dạng tiêm

Bác sĩ có thể tiêm steroid vào khớp và khu vực xung quanh để giảm đau và sưng. Việc tiêm steroid có thể được thực hiện trong thời gian điều trị bằng các loại thuốc khác.

Theo Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ, tiêm steroid vào các khớp ở giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp có thể giúp giảm đau cục bộ và đôi khi toàn thân. Tuy nhiên, tác dụng giảm đau này chỉ là tạm thời.

Theo một nghiên cứu vào năm 2005, tiêm steroid có thể giúp kích thước của các nốt dạng thấp và có thể là một giải pháp thay thế cho phẫu thuật. (3, https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16163443/

Tuy nhiên, không nên tiêm steroid vào cùng một khớp nhiều hơn một lần trong vòng 3 tháng.

Liều dùng

Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2008, các loại steroid thường được sử dụng qua đường tiêm là methylprednisolone axetate (Depo-Medrol), triamcinolone hexacetonide và triamcinolone acetonide.

Bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê tại chỗ khi tiêm steroid cho người bệnh.

Hàm lượng methylprednisolone thường là 40 hoặc 80 mg trên ml. Liều dùng tùy thuộc vào kích thước của khớp được điều trị.

Ví dụ, khớp gối thường cần liều cao hơn, lên tới 80 mg trong khi khớp khuỷu tay có thể chỉ cần 20 mg.

Steroid tại chỗ

Steroid dạng bôi ngoài da có thể được sử dụng để giảm đau cục bộ. Steroid tại chỗ có cả dạng kê đơn và không kê đơn. Tuy nhiên, việc sử dụng steroid tại chỗ không được khuyến khích trong hướng dẫn điều trị viêm khớp dạng thấp của Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ.

Rủi ro khi điều trị viêm khớp dạng thấp bằng steroid

Việc sử dụng steroid trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp đang gây tranh cãi vì các loại thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro như:

  • Vấn đề về tim mạch: Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy ngay cả khi sử dụng liều thấp, glucocorticoid cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Loãng xương: Theo một nghiên cứu vào năm 2018, sử dụng steroid trong thời gian dài có thể gây loãng xương.
  • Tăng nguy cơ tử vong: Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng steroid có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
  • Đục thủy tinh thể: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nguy cơ đục thủy tinh thể tăng lên ở những người dùng steroid, ngay cả khi chỉ dùng liều thấp.
  • Tiểu đường: Glucocorticoid có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
  • Nhiễm trùng: Sử dụng steroid có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus cả ở mức độ nhẹ và nghiêm trọng.
  • Vấn đề về đường tiêu hóa: Những người dùng glucocorticoid có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa như xuất huyết và viêm loét dạ dày.

Sử dụng steroid trong thời gian càng dài và liều càng cao thì rủi ro càng lớn.

Tác dụng phụ của steroid

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng steroid để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Tăng cân
  • Phù mặt
  • Tăng đường huyết
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn tâm trạng, ví dụ như trầm cảm và lo âu
  • Mất ngủ
  • Phù chân
  • Dễ bầm tím
  • Giảm mật độ khoáng xương và tăng nguy cơ gãy xương
  • Suy tuyến thượng thận

Các tác dụng phụ của steroid dạng tiêm rất hiếm gặp và thường chỉ là tạm thời, gồm có:

  • Kích ứng da
  • Phản ứng dị ứng
  • Mỏng da

Người bệnh cần báo cho bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào trong thời gian điều trị bằng steroid, nhất là khi các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc xảy ra đột ngột. Những người bị tiểu đường cần theo dõi sát sao lượng đường trong máu khi sử dụng steroid.

Tóm tắt bài viết

Steroid liều thấp là một phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp. Steroid giúp giảm sưng và đau nhanh chóng. Tuy nhiên, ngay cả ở liều dùng thấp, steroid cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó, chỉ nên sử dụng steroid trong thời gian ngắn hoặc giảm liều khi các loại thuốc khác bắt đầu phát huy tác dụng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *