Giãn tĩnh mạch trong thai kỳ

Giãn tĩnh mạch là gì? Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch trong thai kỳ? Có thể ngăn ngừa giãn tĩnh mạch trong thai kỳ bằng cách nào? Suckhoe123.vn sẽ giúp bạn giải đáp các vấn đề thắc mắc trên!
Giãn tĩnh mạch trong thai kỳ
Giãn tĩnh mạch trong thai kỳ

Giãn tĩnh mạch là gì?

Giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng bất thường, có thể phồng lên gần bề mặt da. Những tĩnh mạch màu xanh hoặc màu tím này đôi khi trông nhăn nheo và có nhiều khả năng xuất hiện trên đôi chân của bạn mặc dù chúng cũng có thể xuất hiện ở vùng âm hộ hoặc bất kỳ nơi nào khác. (Bệnh trĩ là hiện tượng giãn tĩnh mạch ở vùng trực tràng).

Nhiều phụ nữ lần đầu phát triển tình trạng giãn tĩnh mạch – hoặc thấy rằng chúng trở nên tồi tệ hơn – trong thời kỳ mang thai. Bạn có thể hơi khó chịu hoặc vẫn cảm thấy bình thường trước vấn đề này, hoặc chúng có thể khiến đôi chân bạn có cảm giác nặng và bị đau nhức.

Vùng da xung quanh tĩnh mạch cũng có thể ngứa, đau rát hoặc cảm giác như đang bị bỏng. Các triệu chứng này có xu hướng trở nên tồi tệ hơn vào cuối ngày, đặc biệt là nếu bạn đã đứng quá nhiều.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch trong thai kỳ?

Khi tử cung phát triển, nó gây áp lực lên tĩnh mạch lớn ở phía bên phải của cơ thể (vena cava), làm tăng áp lực lên tĩnh mạch chân.

Tĩnh mạch là những mạch máu đưa máu trở lại từ các cơ quan về tim, do đó máu ở tĩnh mạch chân của bạn đã hoạt động chống lại trọng lực. Và khi bạn mang thai, lượng máu trong cơ thể sẽ tăng lên, làm tăng gánh nặng lên tĩnh mạch. Mức progesterone cũng tăng lên, làm giãn các thành mạch máu của bạn.

Bạn có nhiều khả năng bị giãn tĩnh mạch hơn nếu các thành viên khác trong gia đình bạn cũng bị. Chúng phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, và nếu bạn mắc chứng này, chúng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn với mỗi lần mang thai kế tiếp và khi bạn già đi. Việc thừa cân, mang thai đôi hoặc đa thai và đứng lâu cũng có thể làm cho bạn có nhiều khả năng mắc chứng này.

Tin vui là tình trạng này có xu hướng cải thiện sau khi bạn sinh, đặc biệt là nếu bạn không bị trước khi mang thai. Và nếu tình trạng không cải thiện thì bạn có thể xem xét các phương pháp điều trị sau khi đã sinh con.

Bạn cũng có thể sẽ nhìn thấy các mạch máu nhỏ gần bề mặt da, đặc biệt là ở vùng mắt cá, chân hoặc mặt. Đây được gọi là các tĩnh mạch màng nhện vì chúng thường xuất hiện dưới hình dạng giống như màng nhện với những tia nhỏ tỏa ra từ vị trí giữa. (Mặc dù đôi khi chúng trông có thể giống như những cành cây hoặc những đường nhỏ tách biệt mà chẳng có hình thù cụ thể nào). Những tia này không gây cảm giác khó chịu gì và thường sẽ biến mất sau khi sinh.

Tôi có thể ngăn ngừa giãn tĩnh mạch trong thai kỳ bằng cách nào?

Bạn có thể ngăn ngừa, hoặc ít nhất là giảm thiểu nguy cơ bị tĩnh mạch giãn trong khi mang thai nếu bạn:

  • Tập thể dục hàng ngày. Thậm chí chỉ cần đi bộ nhanh thường xuyên cũng có thể cải thiện sự lưu thông máu của bạn.
  • Duy trì cân nặng ở phạm vi được khuyến nghị cho giai đoạn mang thai của bạn.
  • Nâng chân và bàn chân lên cao ngang tim hoặc cao hơn bất cứ khi nào có thể. Đặt chân trên một chiếc ghế nhỏ hoặc một cái hộp khi bạn ngồi, và kê bàn chân và chân của bạn bằng gối khi nằm xuống.
  • Không bắt chéo chân hoặc mắt cá khi ngồi.
  • Không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Thường xuyên đi lại.
  • Bạn có thể thử mang tất áp lực, thắt chặt ở mắt cá chân và lỏng hơn ở chân, làm cho máu chảy trở lại trái tim bạn dễ dàng hơn. Kết quả là, chúng giúp ngăn ngừa sưng và có thể giúp tình trạng giãn tĩnh mạch của bạn không trở nên tồi tệ hơn. Những loại này có bán sẵn tại các hiệu thuốc và các cửa hàng cung ứng thiết bị y tế. Hãy hỏi bác sĩ để đảm bảo mua loại phù hợp với bạn. (Buổi sáng là thời điểm tốt nhất để kiểm tra xem có phù hợp không vì đó là lúc bạn ít bị sưng phù nhất).
  • Đi tất vào trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng (trong khi vẫn nằm) và đi suốt cả ngày để tránh máu tụ ở chân.

Có thể bạn đã nghe nhiều người khuyên rằng ngủ nghiêng bên trái sẽ giúp ngăn chặn tình trạng giãn tĩnh mạch. Lý thuyết là tĩnh mạch chủ vena cava ở bên phải người bạn và khi nắm nghiêng trái thì trọng lượng tử cung sẽ không đè lên tĩnh mạch này, giảm áp lực lên các tĩnh mạch này ở chân và bàn chân. Mặc dù đôi khi các bác sĩ gợi ý như thế, nhưng chẳng có bằng chứng nào hỗ trợ cho tuyên bố ngủ theo cách này sẽ ngăn chặn giãn tĩnh mạch.

Giãn tĩnh mạch trong thai kỳ có khi nào trở nên nghiêm trọng không?

Giãn tĩnh mạch có thể gây ngứa hoặc đau và trông có thể mất thẩm mỹ nhưng nhìn chung chúng không gây hại gì cho người bệnh trong thời gian ngắn. Nếu cần thì việc điều trị thường được hoãn lại cho đến khi con bạn sinh ra. Tuy nhiên một tỉ lệ nhỏ những người bị giãn tĩnh mạch có phát triển cục máu đông nhỏ gần bề mặt da (huyết khối tĩnh mạch bề mặt). Khi cục máu đông này phát triển, tĩnh mạch có thể có cảm giác cứng và như là một cái dây, vùng xung quanh có thể trở nên đỏ, nóng, nhạy cảm hoặc đau.

Gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn nghĩ rằng mình có một trong những cục máu đông này vì chúng có thể trở nên nghiêm trọng. Đôi khi vùng xung quanh cục máu đông sẽ bị nhiễm trùng. Lúc đó bạn có thể bị sốt hoặc ớn lạnh và sẽ cần được điều trị kịp thời bằng kháng sinh.

Ngoài ra, hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu:

  • Hai chân bị sưng nặng.
  • Bị loét ở chân.
  • Da gần tĩnh mạch thay đổi màu sắc.

Đừng nhầm lẫn huyết khối tĩnh mạch bề mặt với tình trạng thậm chí còn nghiêm trọng hơn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Trong tình trạng này, cục máu đông phát triển trong các tĩnh mạch sâu, thường ở chân. Mang thai khiến cho tình trạng DVT có nguy cơ xảy ra hơn cho dù bạn có bị giãn tĩnh mạch hay không, tuy nhiên DVT không phải là tình trạng phổ biến. Nguy cơ bạn mắc phải – cả trong thời kỳ măng thai hoặc trong những tuần sau sinh – là khoảng 1 trong 1600 trường hợp. (Phụ nữ mắc chứng rối loạn đông máu hoặc chỉ nằm trên giường trong thời gian này có nguy cơ cao hơn).

Nếu bạn phát triển chứng DVT, có thể sẽ chẳng có triệu chứng gì, hoặc có thể đột ngột bị sưng, đau ở mắt cá chân, chân và đùi. Tình trạng có thể nặng hơn khi bạn co chân hoặc đứng và có thể cũng kèm theo sốt nhẹ. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi ngay cho bác sĩ.

Bạn có thể sẽ cần siêu âm vùng bị ảnh hưởng để kiểm tra. Và nếu có một trong những cục máu đông này, bạn sẽ cần nhập viện và điều trị bằng thuốc giảm loãng máu.

Không được điều trị, cục máu đông có thể sẽ vỡ ra và di chuyển đến phổi, dẫn đến tình trạng đe dọa đến tính mạng gọi là tắc mạch phổi. Dấu hiệu tắc nghẽn mạch phổi bao gồm hụt hơi, đau đớn, ho (ho ra máu), cảm giác hoảng sợ và tim đập nhanh. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi cấp cứu ngay.

Tôi nên điều trị giãn tĩnh mạch sau thai kỳ như thế nào?

Sau khi sinh, bạn nên tiếp tục đi tất, tập thể dục đều đặn, không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài và nâng chân lên bất cứ khi nào có thể.

Suy tĩnh mạch thường cải thiện trong vòng 3 đến 4 tháng sau sinh, mặc dù đôi khi cần nhiều thời gian hơn – và đôi khi chúng không cải thiện nhiều. (Điều này thường xảy ra hơn nếu bạn đã mang thai nhiều lần).

Nếu tĩnh mạch bị giãn và trở nên quá khó chịu hoặc thậm chí nếu bạn không hài lòng với diện mạo của nó, hãy yêu cầu bác sĩ giới thiệu bạn đến một chuyên gia để tìm hiểu về các lựa chọn điều trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *