Sàng lọc & chẩn đoán bệnh giang mai khi mang thai
Bệnh giang mai được sàng lọc bằng cách nào?
Có hai phương pháp có thể chẩn đoán, sàng lọc bệnh giang mai là soi dưới kính hiển vi trường tối và xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (direct fluorescent antibody test). Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều không được sử dụng phổ biến vì được thực hiện bằng cách phân tích mẫu dịch từ vết loét hay tổn thương trong khoang miệng mà khi quan sát dưới kính hiển vi, một số vi khuẩn có trong miệng và cổ họng trông rất giống với xoắn khuẩn Treponema pallidum – loại vi khuẩn gây bệnh giang mai. Do đó, việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy từ các tổn thương trong miệng có thể cho kết quả dương tính giả (dương tính dù không hề nhiễm bệnh). Vì vậy, các bác sĩ chủ yếu sử dụng xét nghiệm máu để chẩn đoán, sàng lọc bệnh giang mai. Các xét nghiệm này phát hiện kháng thể chống lại tác nhân gây hại trong máu. Kháng thể là loại protein được hệ miễn dịch tạo ra để tiêu diệt những vi sinh vật gây hại đã xâm nhập vào cơ thể, ví dụ như vi khuẩn, virus hay nấm. Khi bị giang mai, trong máu sẽ có kháng thể chống lại xoắn khuẩn Treponema pallidum.
Xét nghiệm máu
Có hai phương pháp xét nghiệm máu để sàng lọc bệnh giang mai là xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu (treponemal test) và xét nghiệm tìm kháng thể không đặc hiệu (non-treponemal test). Các xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu sẽ phát hiện các kháng thể chống lại xoắn khuẩn Treponema pallidum ở trong máu. Mặc dù sự hiện diện của kháng thể là bằng chứng cho thấy trong cơ thể đang diễn ra cơ chế tự bảo vệ nhưng kháng thể không ức chế sự tiến triển của bệnh và cũng không tạo khả năng miễn dịch ngăn ngừa tái nhiễm. Kết quả từ các phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu khác nhau sẽ cho biết lượng kháng thể có trong máu, từ đó xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các xét nghiệm tìm kháng thể không đặc hiệu sẽ phát hiện bệnh theo cách gián tiếp, đó là tìm sự hiện diện của kháng thể kháng cardiolipin – một chất có trong mô tim. Cơ thể của người mắc bệnh giang mai luôn hình thành kháng thể kháng cardiolipin. Tuy nhiên, các xét nghiệm tìm kháng thể không đặc hiệu có thể cho kết quả dương tính giả ở những người đang mang thai, tiêm chích ma túy, mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống hoặc mới bị nhiễm một bệnh do virus. Khi phương pháp xét nghiệm này cho kết quả dương tính thì cần phải xác nhận lại bằng xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu.
Xét nghiệm dịch não tủy
Bất kỳ bệnh nhân nào bị giang mai và có các dấu hiệu cho thấy bệnh đang gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh (giang mai thần kinh) đều cần làm xét nghiệm dịch não tủy. Một số dấu hiệu của giang mai thần kinh gồm có thay đổi thị giác hoặc thính giác, giảm hoặc mất khả năng cử động các cơ mặt, mất cảm giác ở mặt, đau đầu, cứng cổ hoặc sốt. Dịch não tủy là chất lỏng trong suốt được tạo ra trong não và bao xung quanh não cũng như là tủy sống, có vai trò bảo vệ não và tủy sống khỏi những chấn động từ bên ngoài, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải khỏi não bộ. Để thực hiện phương pháp xét nghiệm này thì dịch não tủy sẽ được hút ra từ đốt sống thắt lưng. Kim để hút dịch sẽ chọc thủng lớp vỏ bảo vệ của tủy sống nhưng không đi vào bên trong tủy.
Đánh giá toàn diện
Tất cả các bệnh nhân nữ mắc bệnh giang mai đều cần được đánh giá toàn diện, gồm có cả khám phụ khoa để xác định giai đoạn hay mức độ tiến triển của bệnh. Ngoài ra, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh giang mai thì cũng nên làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, gồm có cả HIV.
Bệnh giang mai được điều trị bằng cách nào?
Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Benzathin penicillin G là loại thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh giang mai. Đây cũng là loại thuốc duy nhất được chứng minh là có hiệu quả đối với bệnh giang mai thần kinh hoặc giang mai trong thai kỳ, có nghĩa là điều trị được cho cả người mẹ và thai nhi.
Những người đang mang thai và có tiền sử dị ứng với penicillin thì nên làm xét nghiệm da. Nếu xét nghiệm dương tính thì sẽ cần giải mẫn cảm và sau đó mới điều trị bằng penicillin. Giải mẫn cảm là quá trình sử dụng thuốc một cách có kiểm soát và từ từ, ban đầu chỉ dùng liều rất thấp để cơ thể người bệnh dung nạp thuốc mà không phát sinh phản ứng dị ứng rồi sau đó tăng liều dần lên từng chút một cho đến khi đạt đến liều điều trị tiêu chuẩn.
Bảng dưới đây là các khuyến nghị mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) về điều trị bệnh giang mai.
Bảng 1. Khuyến nghị của CDC về điều trị bệnh giang mai
Giai đoạn bệnh | Phương pháp điều trị ưu tiên | Phương pháp điều trị thay thế |
Giai đoạn 1, giai đoạn 2 hoặc đầu giai đoạn tiềm ẩn | Benzathin penicillin G 2.4 triệu IU, tiêm bắp một liều duy nhất | Doxycycline 100mg uống 2 lần/ngày hoặc tetracycline 500mg uống 4 lần/ngày, điều trị trong 2 tuần |
Thời kỳ sau của giai đoạn tiềm ẩn hoặc giai đoạn 3 (giai đoạn cuối) | Benzathin penicillin G 2.4 triệu IU, tiêm bắp 3 liều, mỗi tuần một liều | Doxycycline 100mg uống 2 lần/ngày hoặc tetracycline 500mg uống 4 lần/ngày, điều trị trong 4 tuần |
Giang mai thần kinh hoặc giang mai thị giác | Penicillin G 3 – 4 triệu IU, tiêm tĩnh mạch, cách 4 giờ một lần trong 10 – 14 ngày hoặc procain penicillin 2.4 triệu IU, tiêm bắp mỗi ngày một lần và probenecid 500mg uống 4 lần/ngày, điều trị trong 10 -14 ngày | Chưa có khuyến nghị về phương pháp điều trị thay thế |
Chú ý: Doxcycline và tetracycline là hai loại thuốc kháng sinh chống chỉ định trong thai kỳ.
Erythromycin là một loại thuốc kháng sinh trước đây từng được sử dụng để thay thế cho penicillin trong những trường hợp bị dị ứng nhưng hiện nay đã không còn được sử dụng phổ biến vì cho hiệu quả kém hơn so với các thuốc khác. Thuốc này không thể đi qua nhau thai một cách hoàn toàn nên thai nhi sẽ không được điều trị.
Một loại kháng sinh tương tự như erythromycin nhưng mới hơn là azithromycin có thể được chỉ định làm thuốc thay thế cho penicillin trong những trường hợp bị dị ứng. Vì azithromycin chỉ cần dùng 1 lần/ngày nên có ưu thế về liều lượng so với các thuốc thay thế khác là doxycycline và tetracycline.
Điều quan trọng cần lưu ý là trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như ở phụ nữ mang thai hoặc người bị giang mai thần kinh, penicillin là loại thuốc kháng sinh duy nhất được chứng minh là có hiệu quả và do đó, những trường hợp này vẫn phải điều trị bằng penicillin cho dù có tiền sử dị ứng.
Tác dụng phụ
Trong vòng vài giờ sau khi bắt đầu điều trị, người bệnh có thể sẽ gặp phải phản ứng Jarisch-Herxheimer gây sốt, ớn lạnh, tim đập nhanh, phát ban, đau cơ và đau đầu. Đây là một phản ứng dị ứng với sự phân hủy của xoắn khuẩn giang mai. Ở phụ nữ mang thai, phản ứng này có thể dẫn đến chuyển dạ sinh non hoặc tim thai bất thường. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng xảy ra phản ứng Jarisch-Herxheimer.
Điều trị cho bạn tình
Khi được bác sĩ kết luận mắc bệnh giang mai ở giai đoạn đầu, giai đoạn 2 hoặc đầu giai đoạn tiềm ẩn thì cần thông báo cho người đã từng quan hệ tình dục cùng trong vòng 90 ngày trở lại. Người đó cũng phải điều trị theo cùng một phác đồ được khuyến nghị cho bệnh giang mai giai đoạn đầu. Nếu bệnh được phát hiện khi đã sang đến thời kỳ sau của giai đoạn tiềm ẩn hay giai đoạn 3 thì bất kỳ ai đã từng quan hệ tình dục cùng trước đó đều phải đi xét nghiệm và điều trị nếu kết quả dương tính.
Theo dõi sau điều trị
Việc theo dõi sau điều trị sẽ tùy thuộc vào giai đoạn mà bệnh được điều trị.
Nếu bắt đầu điều trị khi giang mai ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn 2 thì sẽ cần làm xét nghiệm máu sau 6 tháng và một lần nữa vào thời điểm 12 tháng sau điều trị. Nếu xét nghiệm cho thấy số lượng kháng thể kháng vi khuẩn Treponema pallidum không giảm rõ rệt hoặc nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng tiếp diễn hay tái phát thì có nghĩa là điều trị không thành công hoặc đã bị tái nhiễm bệnh. Những trường hợp này sẽ cần tiếp tục điều trị theo phác đồ cho bệnh giang mai ở thời kỳ sau của giai đoạn tiềm ẩn.
Trong trường hợp điều trị không thành công (không phải tái nhiễm) thì sẽ cần kiểm tra xem có bị giang mai thần kinh cận lâm sàng hay không bằng cách tiến hành thủ thuật chọc dò tủy sống để xét nghiệm dịch não tủy. Người bệnh cũng sẽ phải xét nghiệm xem có bị nhiễm HIV hay không.
Nếu điều trị khi giang mai ở giai đoạn tiềm ẩn thì sẽ cần khám sức khỏe lại và xét nghiệm máu sau 6, 12 và 24 tháng kể từ khi điều trị. Nên điều trị lại và xét nghiệm dịch não tủy nếu có các dấu hiệu, triệu chứng bệnh tái phát hoặc nếu xét nghiệm cho thấy lượng kháng thể trong máu vẫn ở mức cao.
Nếu điều trị giang mai thần kinh thì bệnh nhân cần xét nghiệm lại dịch não tủy 6 tháng một lần cho đến khi có kết quả bình thường. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị lại nếu số lượng kháng thể trong dịch não tủy không trở về mức bình thường trong vòng 6 tháng.
Bệnh nhân nhiễm HIV
Theo thống kê, từ 14 đến 36% người nhiễm HIV cũng bị bệnh giang mai. Mặc dù nhiễm HIV sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến khả năng sản sinh kháng thể nhưng vẫn có thể sử dụng các xét nghiệm máu để chẩn đoán giang mai ở những bệnh nhân này. Ở những người bị nhiễm HIV, các phương pháp điều trị giang mai cho hiệu quả kém hơn, dễ thất bại hơn và tỷ lệ mắc bệnh giang mai thần kinh ở nhóm này cũng cao hơn. Tuy nhiên, phác đồ điều trị bệnh giang mai ở người bị nhiễm HIV cũng giống như người không nhiễm HIV.
Những người nhiễm HIV và giang mai nên khám sức khỏe và xét nghiệm máu 3 tháng một lần trong năm đầu tiên sau khi điều trị và xét nghiệm lại một lần nữa sau 12 tháng tiếp theo. Vì những bệnh nhân nhiễm cả HIV và cả giang mai có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn nên cần phải xét nghiệm dịch não tủy sớm hơn so với những người chỉ bị giang mai.
Phòng ngừa bệnh giang mai
Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh giang mai nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp như sau:
- Quan hệ tình dục an toàn (duy trì mối quan hệ một vợ một chồng và sử dụng bao cao su cũng như là các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục)
- Đi xét nghiệm thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục để tránh lây truyền cho người khác.