8 biện pháp tự nhiên để làm giảm triệu chứng viêm da cơ địa

Có nhiều biện pháp tự nhiên để tăng cường độ ẩm và bảo vệ hàng rào tự nhiên của da, nhờ đó làm giảm các triệu chứng viêm da cơ địa.
8 biện pháp tự nhiên để làm giảm triệu chứng viêm da cơ địa
8 biện pháp tự nhiên để làm giảm triệu chứng viêm da cơ địa

Những ai viêm da cơ địa (bệnh chàm, eczema) chắc hẳn đều hiểu rất rõ cảm giác khó chịu mỗi khi các triệu chứng bệnh bùng phát. Đây là một bệnh lý khó điều trị. Nhiều người dù đã thử dùng qua vô số sản phẩm khác nhau nhưng tình trạng bệnh vẫn không hề cải thiện. Một số sản phẩm thậm chí còn gây khô da và kích ứng, khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải chịu đựng và để cho các triệu chứng ngứa ngáy, đau đớn gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Ngoài dùng thuốc, có rất nhiều biện pháp tự nhiên mà bạn có thể thử để điều trị các triệu chứng viêm da cơ địa. 8 biện pháp tự nhiên dưới đây có thể giúp tăng cường độ ẩm và bảo vệ hàng rào tự nhiên của da.

Nếu bạn đang dùng thuốc theo đơn thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ biện pháp điều trị mới nào.

1. Bột yến mạch keo

Bột yến mạch keo là yến mạch được xay thành dạng bột mịn và tan trong nước, được bán ở dạng bột hoặc dạng kem. Bột yến mạch keo có công dụng làm dịu và làm mềm vùng da bị viêm.

Cách sử dụng bột yến mạch keo để điều trị viêm da cơ địa như sau:

  1. Hòa bột yến mạch vào nước tắm ấm và ngâm mình trong 10 đến 15 phút để làm mềm vùng da khô ráp và giảm ngứa.
  2. Sau khi tắm, dùng khăn bông mềm thấm nhẹ da cho khô và thoa một lớp kem dưỡng ẩm dày để khóa ẩm trên da. Chọn những loại kem không chứa thành phần gây kích ứng và có lượng dầu cao.

2. Dầu hoa anh thảo

Dầu hoa anh thảo (evening primrose oil) được chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo. Loại dầu này có thể được bôi trực tiếp lên da để làm dịu vùng da bị kích ứng hoặc uống để điều trị các bệnh lý viêm toàn thân như viêm da cơ địa. Dầu hoa anh thảo có chứa axit béo omega-6 và axit gramma linolenic – những chất có tác dụng hỗ trợ ngăn chặn phản ứng viêm trong cơ thể.

Các nghiên cứu cho ra nhiều kết quả khác nhau về tác dụng điều trị viêm da cơ địa của dầu hoa anh thảo nhưng nhiều người đã sử dụng và nhận thấy rằng loại dầu này giúp giảm các triệu chứng mà không hề gây tác dụng phụ.

3. Dầu dừa

Dầu dừa được chiết xuất từ ​cùi dừa và có tác dụng như một loại kem dưỡng ẩm tự nhiên.

Theo Hiệp hội Eczema Quốc gia Mỹ (National Eczema Association), đặc tính kháng khuẩn của dầu dừa có thể làm giảm vi khuẩn tụ cầu trên da và nhờ đó giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Điều này rất quan trọng đối với những người bị viêm da cơ địa vì các vùng da viêm có thể bị nứt và chảy dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Khi dùng dầu dừa để viêm da cơ địa, hãy chọn dầu dừa nguyên chất hoặc dầu dừa ép lạnh. Những loại dầu này không qua xử lý bằng hóa chất nên không chứa thành phần gây kích ứng da.

4. Dầu hướng dương

Dầu hướng dương được chiết xuất từ ​​hạt hướng dương. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu hướng dương có thể bảo vệ lớp ngoài cùng của da, giúp giữ ẩm và ngăn vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào da. (1) Loại dầu này còn giúp cấp ẩm cho da, nhờ đó làm dịu tình trạng ngứa và viêm.

Dầu hướng dương có thể được thoa trực tiếp lên da mà không cần pha loãng. Tốt nhất nên thoa ngay khi da còn ẩm sau khi tắm.

5. Witch hazel

Witch hazel hay chiết xuất cây phỉ là một chất làm se có nguồn gốc từ vỏ và lá của cây phỉ (tên khoa học là Hamamelis virginiana). Đây là một thành phần có trong nhiều sản phẩm chăm sóc da và đã được sử dụng trong suốt hàng trăm năm làm phương pháp điều trị viêm da. Tuy rằng mới chỉ có rất ít nghiên cứu về công dụng chữa viêm da cơ địa của witch hazel nhưng thành phần này có thể làm dịu vùng da bị viêm, làm khô các vùng bị chảy dịch và giảm ngứa.

6. Chiết xuất cúc vạn thọ

Chiết xuất cúc vạn thọ (calendula) cũng là một phương pháp tự nhiên để điều trị các triệu chứng viêm da cơ địa. Cúc vạn thọ đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước để chữa lành viêm da, vết bỏng và vết cắt.

Các chất trong cúc vạn thọ được cho là có tác dụng cải thiện lưu thông máu đến vùng bị thương hoặc viêm, tăng cường độ ẩm cho da và chống lại nhiễm trùng.

Chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của chiết xuất cúc vạn thọ đối với bệnh viêm da cơ địa nhưng nhiều người khi sử dụng kem dưỡng chứa thành phần này đã nhận thấy rằng triệu chứng ngứa ngáy và khô da có sự cải thiện.

7. Châm cứu và bấm huyệt

Châm cứu là một phương pháp chữa bệnh được dùng trong y học cổ truyền, trong đó sử dụng các kim nhỏ và cứng đâm xuyên qua da tại các điểm cụ thể trên cơ thể (huyệt) để điều chỉnh dòng chảy năng lượng (khí). Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng châm cứu có tác dụng giảm ngứa. (2)

Bấm huyệt cũng tương tự như châm cứu nhưng khác ở chỗ là sử dụng lực của ngón tay và bàn tay để tác động đến các huyệt trên cơ thể thay vì dùng kim châm. Nghiên cứu ban đầu đã chỉ ra rằng bấm huyệt có thể làm giảm ngứa do viêm da cơ địa. (3)

8. Các biện pháp thư giãn, giảm căng thẳng

Căng thẳng là một trong những tác nhân chính kích hoạt các triệu chứng viêm da cơ địa. Mặc dù chưa rõ chính xác lý do tại sao nhưng nhiều ý kiến cho rằng căng thẳng làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Giảm căng thẳng bằng cách thực hiện các biện pháp thư giãn có thể giúp làm giảm các đợt bùng phát viêm da cơ địa.

Một số biện pháp thư giãn gồm có:

  • Thiền
  • Liệu pháp nhận thức – hành vi
  • Hít thở sâu
  • Nghe nhạc
  • Dành thời gian cho sở thích cá nhân
  • Thôi miên
  • Phản hồi sinh học
  • Tập thái cực quyền
  • Yoga

Ngăn ngừa bùng phát viêm da cơ địa

Khi bị viêm da cơ địa, điều quan trọng là phải tránh tất cả những tác nhân có thể gây kích ứng hoặc làm khô da và dẫn đến bùng phát các triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Nước hoa hay hương liệu trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân
  • Chất tạo màu
  • Quần áo len
  • Quần áo bó sát
  • Phấn hoa
  • Lông động vật
  • Chất tẩy rửa mạnh

Dị ứng thức ăn cũng là một nguyên nhân phổ biến gây viêm da cơ địa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Có thể ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng bằng cách xác định và loại bỏ loại thực phẩm gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn. Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất gồm có:

  • Sữa
  • Trứng
  • Các loại hạt
  • Bột mì
  • Đậu phộng
  • Đậu nành
  • Động vật có vỏ như tôm, cua

Đôi khi, chỉ cần chú ý cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày và kết hợp các biện pháp tự nhiên nêu trên là đủ để kiểm soát các triệu chứng viêm da cơ địa từ nhẹ đến vừa.

Tuy nhiên, viêm da cơ địa nặng cần điều trị bằng steroid hoặc thuốc kháng histamin bôi tại chỗ. Nên đi khám để được bác sĩ kê thuốc phù hợp.

Xem thêm:

  • Viêm da cơ địa: Bác sĩ trả lời, Hỏi đáp, Hướng dẫn
  • Bệnh viêm da cơ địa có khỏi hoàn toàn không?
  • Phòng tránh viêm da cơ địa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *