Suy thận mạn: Nguyên nhân và cách điều trị

Suy thận mạn: Nguyên nhân và cách điều trị
Suy thận mạn: Nguyên nhân và cách điều trị

Suy thận mạn là gì?

Suy thận mạn hay bệnh thận mạn (chronic kidney disease) là một bệnh lý mà chức năng thận bị suy giảm dần dần và không thể hồi phục. Thận đảm nhận các chức năng rất quan trọng trong cơ thể:

  • Lọc chất thải ra khỏi máu
  • Duy trì sự cân bằng giữa các khoáng chất và chất điện giải trong cơ thể, ví dụ như canxi, natri và kali
  • Tham gia vào quá trình sản sinh tế bào hồng cầu
  • Duy trì sự cân bằng pH của máu
  • Điều hòa huyết áp

Khi bị tổn thương, thận sẽ không thể thực hiện các chức năng này một cách bình thường.

Nguyên nhân gây suy thận mạn

Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận mạn là cao huyết ápbệnh tiểu đường.

Mỗi bên thận có chứa khoảng 1 triệu đơn vị lọc nhỏ, được gọi là nephron. Bất kỳ bệnh nào gây tổn thương hoặc khiến các nephron hình thành sẹo đều có thể gây ra suy thận mạn. Cả bệnh tiểu đường và cao huyết áp đều có thể gây tổn hại các neuphron.

Cao huyết áp còn có thể làm hỏng các mạch máu của thận, tim và não. Thận có rất nhiều mạch máu nên các bệnh về mạch máu thường cũng gây nguy hiểm cho thận.

Các bệnh tự miễn như lupus có thể làm hỏng các mạch máu và tạo ra kháng thể gây hại cho mô thận.

Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác gây suy thận mạn, ví dụ như bệnh thận đa nang.

Các yếu tố nguy cơ

Nguy cơ mắc suy thận mạn sẽ bắt đầu tăng cao sau tuổi 65. Bệnh lý này cũng di truyền trong gia đình, có nghĩa là những người có bố mẹ hay anh chị em ruột bị suy thận mạn thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác của suy thận mạn còn có:

  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Bệnh tiểu đường (cả type 1 và type 2)
  • Bệnh tự miễn
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu, bao gồm cả tắc nghẽn bàng quang do phì đại tuyến tiền liệt
  • Xơ gan và suy gan
  • Động mạch cung cấp máu cho thận bị thu hẹp
  • Ung thư thận
  • Ung thư bàng quang
  • Sỏi thận
  • Nhiễm trùng thận
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Xơ cứng bì
  • Viêm mạch
  • Trào ngược bàng quang niệu quản – tình trạng nước tiểu chảy ngược trở lại vào thận

Triệu chứng suy thận mạn

Suy thận mạn thường không bộc lộ bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào cho đến khi một phần lớn của thận bị hư hại. Khi thận bị tổn thương nghiêm trọng, các triệu chứng gặp phải thường là:

  • Sưng quanh mắt
  • Sưng phù chân
  • Người mệt mỏi
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa, đặc biệt là vào buổi sáng và sau khi ăn
  • Hơi thở có mùi như nước tiểu
  • Đau xương
  • Da sạm hoặc sáng bất thường
  • Có các vết màu xám trắng trên da
  • Luôn trong trạng thái lờ đờ, buồn ngủ
  • Tinh thần không tỉnh táo
  • Tê ở bàn tay và bàn chân
  • Hội chứng chân không yên
  • Tóc và móng bị giòn, dễ gãy
  • Ngứa
  • Sụt cân
  • Mất khối cơ
  • Giật cơ và chuột rút
  • Dễ bầm tím và chảy máu
  • Phân có máu
  • Hay bị nấc
  • Thường xuyên khát nước
  • Giảm ham muốn
  • Rối loạn cương dương
  • Mất ngủ
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ

Nếu vấn đề về thận là do một bệnh lý khác gây nên thì bạn sẽ còn gặp phải cả các triệu chứng của bệnh đó nữa.

Chẩn đoán suy thận mạn

Để chẩn đoán suy thận mạn, bác sĩ sẽ bắt đầu lấy bệnh sử cũng như là tiền sử gia đình bị suy thận, cao huyết áp hoặc tiểu đường. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu. Bác sĩ sẽ còn phải làm các xét nghiệm khác để xác nhận suy thận mạn. Các xét nghiệm này gồm có:

Xét nghiệm công thức máu toàn phần

Xét nghiệm công thức máu toàn phần là phương pháp giúp phát hiện tình trạng thiếu máu. Thận tạo ra erythropoietin – một loại hormone kích thích tủy xương tạo ra các tế bào hồng cầu. Khi thận bị tổn hại nghiêm trọng, khả năng sản sinh erythropoietin sẽ bị giảm đi. Điều này dẫn đến tình trạng suy giảm số lượng tế bào hồng cầu hay còn gọi là thiếu máu.

Xét nghiệm điện giải

Suy thận mạn có thể ảnh hưởng đến nồng độ chất điện giải trong cơ thể. Cụ thể, bệnh này có thể làm tăng nồng độ kali, giảm nồng độ bicarbonate và làm tăng axit trong máu.

Xét nghiệm ure máu

Nồng độ ure nitrogen trong máu có thể tăng cao khi chức năng thận bắt đầu suy yếu. Ure là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa chất đạm (protein) và được thận lọc khỏi máu. Đây cũng là chất tạo nên mùi đặc trưng của nước tiểu. Khi thận bị tổn thương, ure sẽ tích tụ lại. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm ure máu để kiểm tra tình trạng tích tụ này.

Xét nghiệm creatinin

Khi chức năng thận suy giảm, nồng độ creatinin sẽ tăng cao. Phương pháp xét nghiệm creatinin giúp phát hiện dấu hiệu này của suy thận mạn.

Xét nghiệm hormone tuyến cận giáp (PTH)

Thận và tuyến cận giáp tương tác thông qua sự điều chỉnh nồng độ canxi và phốt pho. Sự thay đổi trong chức năng thận sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải phóng hormone tuyến cận giáp. Điều này sẽ làm giảm nồng độ canxi trong toàn cơ thể.

Khi suy thận mạn tiến triển sang giai đoạn cuối, thận sẽ không còn đào thải được hết lượng phốt pho thừa và làm giảm quá trình tổng hợp vitamin D. Lúc này, hormone tuyến cận giáp sẽ giải phóng canxi từ xương, khiến xương trở nên yếu dần.

Xạ hình thận

Xạ hình thận là phương pháp phân tích chức năng thận dựa trên hình ảnh.

Siêu âm thận

Phương pháp không xâm lấn này cung cấp hình ảnh để bác sĩ xác định có vị trí nào bị tắc nghẽn hay không.

Các phương pháp chẩn đoán khác

Ngoài ra còn có các phương pháp khác để chẩn đoán suy thận mạn:

  • Sinh thiết thận
  • Xét nghiệm mật độ xương
  • Chụp cắt lớp ổ bụng (CT ổ bụng)
  • Cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng

Phương pháp điều trị và các biến chứng

Suy thận mạn là bệnh mãn tính và không thể hồi phục được. Do đó, các phương pháp điều trị chỉ có thể cải thiện được nguyên nhân gốc rễ gây bệnh, đồng thời ngăn ngừa và kiểm soát các biến chứng của suy thận mạn như:

  • Tích nước
  • Thiếu máu
  • Giòn xương
  • Sụt cân
  • Mất cân bằng điện giải

Các phương pháp kiểm soát nguyên nhân gây suy thận mạn như tăng huyết áp và tiểu đường có thể làm chậm tốc độ tổn thương thận.

Suy thận mạn giai đoạn cuối là tình trạng mà thận bắt đầu ngừng hoạt động. Một khi chức năng thận giảm xuống còn 10% hoặc ít hơn, người bệnh sẽ cần lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận.

Các phương pháp kiểm soát, điều trị suy thận mạn,bao gồm cả suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:

Thay đổi chế độ ăn uống

Bạn nên giảm hàm lượng chất béo, muối, protein và kali trong chế độ ăn hàng ngày. Bằng cách giảm lượng muối và chất lỏng, bạn sẽ kiểm soát được mức huyết áp và tránh hiện tượng giữ nước. Nếu bạn bị tiểu đường thì cần hạn chế cả lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn.Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ calo để duy trì các hoạt động của cơ thể.

Rèn thói quen sống lành mạnh

Khi bị suy thận mạn, người bệnh nên cố gắng vận động, tập thể dục thường xuyên và bỏ thuốc lá.

Dùng thuốc và thực phẩm chức năng

Các loại thuốc và thực phẩm chức năng thường được dùng cho người bị suy thận mạn gồm có:

  • Viên uống bổ sung sắt và vitamin để cải thiện tình trạng thiếu máu
  • Viên uống bổ sung canxi và vitamin D
  • Tiêm erythropoietin để kích thích sản sinh hồng cầu
  • Chất kết dính phốt phát
  • Thuốc làm mềm phân để trị táo bón
  • Thuốc chống dị ứng để trị ngứa

Các phương pháp can thiệp y tế

Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ cần đến phương pháp lọc máu ngoài thận hoặc một số trường hợp sẽ cần phải ghép thận. Nếu bị tiểu đường, bác sĩ sẽ kê cả thuốc hạ đường huyết và thuốc trị tiểu đường.

Người bị suy thận mạn rất dễ bị nhiễm trùng nên các chuyên gia y tế khuyến nghị tiêm các loại vắc-xin sau:

  • Vắc-xin phế cầu khuẩn (Pneumococcal vaccine)
  • Vắc xin viêm gan B
  • Vắc-xin cúm
  • Vắc-xin cúm A/H1N1

Ngăn ngừa suy thận mạn

Không có cách nào ngăn ngừa được hoàn toàn bệnh suy thận mạn nhưng bằng cách kiểm soát các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp và bệnh tiểu đường, bạn sẽ giảm thiểu được phần nào rủi ro mắc bệnh. Bạn nên đi khám sàng lọc thường xuyên, đặc biệt là nếu nằm trong nhóm có nguy cơ cao. Khi được chẩn đoán sớm, bạn sẽ có thể điều trị kịp thời và làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *