Xét nghiệm máu là một công cụ để chẩn đoán rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Tại sao nên làm xét nghiêm máu khi bị rối loạn cương dương?
Nội dung chính của bài viết
- Rối loạn chức năng cương dương có thể là một dấu hiệu của bênh tim mạch, tiểu đường, mức testosterone thấp hay nhiều vấn đề sức khỏe khác.
- Khi thấy có dấu hiệu rối loạn cương dương, bạn cần đi xét nghiệm máu để kịp thời phát hiện ra những vấn đề sức khỏe trên.
- Nếu không được phát hiện và kiểm soát, bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch có thể trở nên nghiêm trọng, chi phí điều trị cao và thậm chí dẫn đến tử vong.
- Bạn cần đi khám bác sĩ ngay nếu tình trạng rối loạn cương dương kéo dài dai dẳng hoặc có các triệu chứng đi kèm.
Rối loạn cương dương: Không chỉ là vấn đề về tình dục
Rối loạn cương dương là một vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới và gây ra những tác động tiêu cực như tự ti, căng thẳng, lo lắng và thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Tuy nhiên, không chỉ có vậy, rối loạn cương dương cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nguy hiểm tiềm ẩn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được tại sao lại cần làm xét nghiệm máu khi bị rối loạn cương dương.
Tại sao cần xét nghiệm máu khi bị rối loạn cương dương?
Xét nghiệm máu là một công cụ để chẩn đoán rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Rối loạn chức năng cương dương có thể là một dấu hiệu của bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc mức testosterone thấp và nhiều vấn đề khác nữa. Do đó, khi có dấu hiệu rối loạn cương dương thì nên làm xét nghiệm máu để xác định mức đường huyết (glucose), cholesterol hay testosterone trong máu.
Tất cả những vấn đề này đều có thể trở nên nghiêm trọng nhưng khi được phát hiện kịp thời thì hoàn toàn có thể điều trị hoặc kiểm soát được.
Nguyên nhân gây rối loạn cương dương
Ở những nam giới mắc bệnh tim mạch, ví dụ như xơ vữa động mạch, các mạch máu vận chuyển máu đến dương vật có thể bị tắc nghẽn giống như nhiều mạch máu khác trong cơ thể, dẫn đến giảm lưu lượng máu cung cấp cho dương vật và từ đó không thể cương cứng.
Biến chứng của bệnh tiểu đường cũng có thể làm giảm sự lưu thông máu đến dương vật. Trên thực tế, rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường ở nam giới dưới 46 tuổi.
Bệnh tim mạch, tiểu đường có thể gây ra rối loạn cương dương và điều này có thể liên quan đến nồng độ testosterone thấp. Testosterone thấp cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe hay bệnh lý như HIV hoặc lạm dụng opioid và sẽ dẫn đến giảm ham muốn tình dục, trầm cảm và tăng cân.
Hậu quả khi vấn đề không được phát hiện
Khi không được phát hiện và kiểm soát, bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch có thể trở nên nghiêm trọng, chi phí điều trị cao và thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó cần chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nặng hơn về sau này.
Bạn cần đi khám bác sĩ ngay nếu tình trạng rối loạn cương dương kéo dài dai dẳng hoặc có các triệu chứng đi kèm.
Rối loạn cương dương và bệnh tiểu đường
Theo thống kê, có đến 3/4 nam giới mắc bệnh tiểu đường cũng bị rối loạn cương dương.
Theo một nghiên cứu về lão hóa ở nam giới, hơn 50% nam giới trên 40 tuổi gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng cần thiết khi quan hệ tình dục. Ở những bệnh nhân tiểu đường, rối loạn chức năng cương dương có thể xảy ra sớm hơn 15 năm so với người khỏe mạnh.
Các yếu tố nguy cơ rối loạn cương dương khác
Bạn sẽ có nguy cơ mắc rối loạn cương dương cao hơn nếu như bị cao huyết áp hoặc cholesterol cao. Cả hai vấn đề này đều có thể dẫn đến bệnh tim mạch.
Theo Đại học Central Florida, 30% nam giới bị nhiễm HIV và một nửa số nam giới bị AIDS có mức testosterone thấp. Ngoài ra, thiếu hụt testosterone cũng là vấn đề xảy ra ở 75% nam giới dùng opioid trong thời gian dài.
Phương pháp điều trị
Điều trị vấn đề sức khỏe tiềm ẩn là bước đầu tiên để cải thiện tình trạng rối loạn cương dương. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể mà sẽ có phương pháp điều trị riêng. Ví dụ, nếu rối loạn cương dương là do lo lắng hoặc trầm cảm gây ra thì sẽ cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý.
Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn là điều rất cần thiết đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim mạch. Nếu vấn đề là cao huyết áp hoặc cholesterol cao thì sẽ cần dùng thuốc để kiểm soát.
Ngoài ra còn có các phương pháp khác để điều trị trực tiếp chứng rối loạn cương dương, ví dụ như thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc đặt, liệu pháp thay thế testosterone, máy hút chân không dương vật,… Một số loại thuốc uống được dùng phổ biến gồm có tadalafil (Cialis), sildenafil (Viagra) và vardenafil (Levitra).
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nên đi khám bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu rối loạn cương dương để được tiến hành các phương pháp kiểm tra cần thiết. Phát hiện và điều trị các nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp khôi phục chức năng cương dương và cải thiện chất lượng đời sống tình dục.
Xem thêm: Xuất tinh sớm: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị