Buồng trứng đa nang gây khó khăn cho việc thụ thai và nguyên nhân một phần là vì chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bất thường nên người bệnh không thể đoán được cửa sổ thụ thai.
Thử thai khi bị buồng trứng đa nang: Những điều cần biết
Với các cặp vợ chồng, việc cố gắng thụ thai trong thời gian dài mà vẫn không được sẽ gây hoang mang, căng thẳng. Trên thực tế, để có thể mang thai thành công thì phải qua một quá trình gồm nhiều bước mà mỗi bước phải diễn ra một cách chính xác vào thời điểm nhất định.
Nếu tìm hiểu về toàn bộ quá trình thụ thai thì bạn sẽ biết rằng chỉ có một khoảng thời gian ngắn trong chu kỳ kinh nguyệt mà phụ nữ có thể mang thai khi quan hệ tình dục. Sẽ rất khó xác định được khoảng thời gian này nếu chu kỳ kinh nguyệt không diễn ra đều đặn hàng tháng.
Nếu như bị mắc một bệnh lý khiến chu kỳ kinh diễn ra thất thường, ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang thì việc thụ thai thành công sẽ càng khó khăn hơn nữa. Khi mắc bệnh phụ khoa này thì phụ nữ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi như:
- Chu kỳ kinh bất thường thì làm sao để biết được khi nào cửa sổ thụ thai diễn ra?
- Các hướng dẫn đều khuyên nên thử thai sau khi bị trễ kinh được một vài ngày nhưng đã bị mất kinh nguyệt trong suốt nhiều tháng do buồng trứng đa nang thì làm thế nào mà biết được khi nào nên thử thai và liệu mất kinh là do mang thai hay chỉ là một triệu chứng thông thường của bệnh?
- Hội chứng buồng trứng đa nang có thể ảnh hưởng đến kết quả thử thai, ví dụ như dương tính giả hoặc âm tính giả hay không?
- Các dấu hiệu mang thai cũng giống như các triệu chứng buồng trứng đa nang. Vậy làm sao để phân biệt được?
Theo số liệu thống kê, cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 1 người bị hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, không phải ai trong số này cũng bị vô sinh. Nhiều người dù bị bệnh nhưng vẫn mang thai thành công. Vì vậy, nếu đã được chẩn đoán buồng trứng đa nang thì cũng đừng quá lo lắng.
Hội chứng buồng trứng đa nang và cửa sổ thụ thai
Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh phụ khoa xảy ra do rối loạn nội tiết tố và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Ba đặc điểm chính của bệnh này gồm có:
- Hình thành nhiều nang nhỏ ở buồng trứng
- Nồng độ nội tiết tố nam ví dụ như androgen cao hơn bình thường
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều hay mất kinh nguyệt
Khi bị buồng trứng đa nang, các hormone cần thiết để chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn – estrogen, progesterone, hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) – đều bị thiếu hụt. Điều này khiến cho cơ thể không rụng trứng hàng tháng (hiện tượng buồng trứng giải phóng trứng trưởng thành). Và khi không rụng trứng thì sẽ không có trứng để thụ tinh và không thể thụ thai.
Khoảng 5 ngày trước khi rụng trứng cho đến một ngày sau rụng trứng là khoảng thời gian mà phụ nữ dễ thụ thai nhất, được gọi là cửa sổ thụ thai. Sự rụng trứng thường diễn ra vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, ở những phụ nữ bị buồng trứng đa nang, vì không rụng trứng đều đặn như những người có buồng trứng bình thường nên không thể xác định được cửa sổ thụ thai bằng cách này.
Hơn nữa, những người bị buồng trứng đa nang còn thường không có các dấu hiệu báo cơ thể đang rụng trứng.
Ngoài phương pháp tính ngày hay theo dõi những thay đổi ở cơ thể quanh thời điểm rụng trứng, phụ nữ còn có thể xác định được khoảng thời gian mà mình dễ thụ thai nhất bằng các dụng cụ như máy theo dõi rụng trứng hay que thử.
Tuy nhiên, tất cả đều không phù hợp cho những người bị hội chứng buồng trứng đa nang vì các dụng cụ này thường có cơ chế hoạt động là đo nồng độ hormone estrogen và LH nhưng cả hai loại hormone lại ở mức thấp khi bị buồng trứng đa nang. Nếu dùng thì dụng cụ sẽ cho kết quả không chính xác.
Khi nào nên thử thai tại nhà?
Ngoài mất kinh nguyệt và ốm nghén, hầu hết các dấu hiệu sớm của mang thai cũng tương tự như các dấu hiệu thông thường báo kinh nguyệt sắp đến, gồm có:
- Người mệt mỏi, uể oải
- Vú căng đau, nhạy cảm
- Chướng bụng
- Đau đầu
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Bồn chồn, lo lắng
- Đau mỏi thắt lưng
Tuy nhiên, những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bất thường do hội chứng buồng trứng đa nang có thể sẽ không gặp các dấu hiệu này khi mang thai hoặc nếu có thì cũng bị nhầm là dấu hiệu báo kinh nguyệt hay các triệu chứng thông thường của buồng trứng đa nang.
Dưới đây là một vài điều cần lưu ý:
- Không có những biểu hiện này không có nghĩa là không mang thai.
- Nếu đã quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp tránh thai khoảng từ 2 đến 3 tuần trước (hoặc lâu hơn) và chưa có kinh thì có thể thử thai, ngay cả khi đã không có kinh nguyệt trong suốt nhiều tháng.
Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang được khuyến nghị nên tránh sử dụng các loại que thử được quảng cáo là có thể phát hiện thai sớm vì kết quả sẽ không chính xác, rất dễ nhận được kết quả âm tính giả.
Kết quả âm tính giả
Ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, nồng độ hormone trong cơ thể ở mức bất thường nên kết quả âm tính giả khi thử thai là điều rất dễ xảy ra.
Khi thử thai quá sớm thì có thể sẽ nhận được kết quả âm tính mặc dù đã thụ thai thành công. Trên thực tế, nhiều phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang không hề phát hiện ra mình đang mang thai trong suốt nhiều tuần đầu tiên của thai kỳ.
Vì vậy, không nên nôn nóng thử thai quá sớm. Nên thử sau khi trễ kinh được khoảng 7 ngày trở lên để tránh có kết quả dương tính hoặc âm tính giả.
Kết quả dương tính giả
Mặc dù không phổ biến như âm tính giả nhưng phụ nữ cũng có thể nhận được kết quả dương tính giả khi thử thai. Tuy nhiên, hội chứng buồng trứng đa nang không phải là nguyên nhân của điều này.
Các biện pháp thử thai đều cho kết quả dựa trên nồng độ hormone hCG (human chorionic gonadotropin) – một loại hormone được sản sinh ra trong thai kỳ. Mặc dù hCG không phải là loại hormone bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hội chứng buồng trứng đa nang nhưng nếu đang dùng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản thì nồng độ hCG trong cơ thể sẽ tăng cao hơn bình thường và dẫn đến kết quả thử thai dương tính giả. Ngoài ra, kết quả thử thai dương tính giả còn có thể là do các nguyên nhân phổ biến khác như:
- Sử dụng que thử thai đã hết hạn
- Không làm theo đúng chỉ dẫn
- Để que thử trong nước tiểu quá lâu mới xem kết quả
Khi bị buồng trứng đa nang và mang thai, nguy cơ sảy thai sớm sẽ cao hơn bình thường. Vì vậy, có khả năng sẽ xảy ra trường hợp mà lần thử thai đầu tiên cho kết quả dương tính nhưng sau đó khi thử lần hai thì lại có kết quả âm tính.
Tăng khả năng thụ thai khi bị buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Khi bị bệnh này và muốn có con thì hãy nói với bác sĩ để được tư vấn các biện pháp điều trị nhằm tăng khả năng thụ thai thành công như:
- Dùng các biện pháp tránh thai nội tiết (như thuốc đường uống, thuốc tiêm, vòng tránh thai nội tiết hoặc vòng âm đạo) để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt cho đều đặn trước khi bắt đầu thử thụ thai.
- Thuốc kháng androgen để ngăn chặn tác động của nồng độ androgen cao đến khả năng sinh sản.
- Metformin (một loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2) để làm giảm nồng độ androgen, insulin và các triệu chứng buồng trứng đa nang, chẳng hạn như mọc lông trên mặt và nổi mụn trứng cá.
- Giảm cân: nếu đang bị thừa cân, béo phì thì nên cố gắng theo một chế độ ăn kiêng lành mạnh và tập thể dục đều đặn để giảm cân và giảm mỡ thừa trong cơ thể. Điều này sẽ giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. (Tham khảo 13 lời khuyên giảm cân khi bị buồng trứng đa nang)
- Dùng thuốc kích trứng, chẳng hạn như clomiphene để kích thích buồng trứng phóng trứng.
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): nếu đã dùng thuốc và giảm cân mà vẫn không thể thụ thai thì cần cân nhắc đến phương án thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là phương pháp mà trứng được lấy từ buồng trứng và thụ tinh bên ngoài cơ thể. Sau đó phôi thai được cấy trực tiếp vào tử cung để mang thai.
- Phẫu thuật: khi đã thử tất cả các cách trên mà vẫn không thành công thì sẽ cần làm phẫu thuật loại bỏ lớp vỏ ngoài của buồng trứng. Lớp vỏ này thường dày lên ở những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang và gây cản trở sự rụng trứng. Việc phẫu thuật loại bỏ sẽ giúp buồng trứng có thể phóng trứng. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ có hiệu quả trong 6 đến 8 tháng sau phẫu thuật.
Tóm tắt bài viết
Buồng trứng đa nang gây khó khăn cho việc thụ thai và nguyên nhân một phần là vì chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bất thường nên người bệnh không thể đoán được cửa sổ thụ thai. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ bị buồng trứng đa nang không thể mang thai.
Chỉ nên thử thai sau khi trễ kinh được một thời gian dài (từ 1 tuần trở lên). Điều này sẽ giúp làm tăng khả năng có kết quả chính xác thay vì dương tính giả hay âm tính giả. Không nên sử dụng các sản phẩm thử thai hứa hẹn có thể phát hiện mang thai từ trước kỳ kinh nguyệt. Các sản phẩm này sẽ cho kết quả sai ở những trường hợp bị buồng trứng đa nang.
Sau khi thử thai tại nhà thì vẫn nên đến bệnh viện làm xét nghiệm máu để xác nhận kết quả và cần đi khám thai định kỳ theo yêu cầu trong suốt thời gian mang thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ bị buồng trứng đa nang.