Ung thư bàng quang giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư bàng quang bắt đầu xảy ra ở lớp niêm mạc của bàng quang. Ung thư có thể lan đến các mô quanh bàng quang và theo máu hoặc hệ bạch huyết lan đến các vị trí ở xa trong cơ thể. Ung thư bàng quang được chia giai đoạn dựa trên mức độ lan rộng của tế bào ung thư.

Ung thư bàng quang giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư bàng quang giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ở giai đoạn 3, ung thư đã lan đến mô bên ngoài bàng quang. Ở phụ nữ, ung thư bàng quang có thể lan đến tử cung hoặc âm đạo. Ở nam giới, ung thư bàng quang có thể lan đến tuyến tiền liệt hoặc túi tinh. Nhưng ung thư ở giai đoạn này vẫn chưa lan đến các hạch bạch huyết và các vị trí ở xa trong cơ thể.

Ung thư bàng quang giai đoạn 3 vẫn có thể điều trị thành công.

Triệu chứng ung thư bàng quang giai đoạn 3

Các triệu chứng phổ biến ở giai đoạn đầu của ung thư bàng quang là nước tiểu có máu và thay đổi thói quen tiểu, đại tiện. Ở giai đoạn 3, người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng khác như:

  • Không thể đi tiểu
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Đau thắt lưng
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Sưng phù chân
  • Đau xương

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 3

Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn 3 là phẫu thuật, thường kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Trước khi bắt đầu quá trình điều trị, bác sĩ sẽ nói rõ về mục đích của từng phương pháp điều trị. Một số phương pháp điều trị nhằm chữa khỏi bệnh trong khi một số chỉ giúp làm chậm sự tiến triển hoặc làm giảm các triệu chứng. Phác đồ điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Nếu ung thư tiếp tục tiến triển trong quá trình điều trị thì sẽ phải điều chỉnh lại phác đồ.

Dưới đây là các phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 3.

Phẫu thuật

Ở giai đoạn 3 của ung thư bàng quang, người bệnh phải phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang. Ca phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi. Bác sĩ sẽ cắt bỏ cả các mô xung quanh bàng quang. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân và phải nằm viện.

Ở phụ nữ, buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, thành trước âm đạo và niệu đạo cũng sẽ bị cắt bỏ cùng với bàng quanng. Ở nam giới, bác sĩ sẽ cắt tuyến tiền liệt và túi tinh. Các hạch bạch huyết gần bàng quang cũng sẽ bị cắt bỏ.

Do không còn bàng quang chứa nước tiểu nên sẽ phải phẫu thuật chuyển lưu dòng tiểu nhằm tạo ra nơi chứa nước tiểu mới hoặc tạo ra đường dẫn mới đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể. Có ba loại chuyển lưu dòng tiểu chính:

  • Chuyển lưu dòng tiểu không tự chủ: nối một đoạn ruột vào niệu quản và nối với một lỗ mở trên thành bụng. Nước tiểu sẽ chảy từ thận qua niệu quản ra ngoài qua lỗ mở này và được chứa trong một chiếc túi nhỏ mà người bệnh đeo trên bụng. Người bệnh sẽ phải xả nước tiểu trong túi khi túi đầy.
  • Chuyển lưu dòng tiểu tự chủ: sử dụng một đoạn ruột để tạo thành túi chứa nước tiểu bên trong cơ thể. Túi này được nối với một lỗ mở trên thành bụng và gắn van một chiều ở lỗ mở. Người bệnh đưa ống thông vào van để xả nước tiểu ra ngoài khoảng vài tiếng một lần. Phương pháp này giúp người bệnh không phải đeo túi chứa nước tiểu trên bụng.
  • Tái tạo bàng quang mới: tạo ra một bàng quang mới từ một đoạn ruột. Phương pháp này cho phép người bệnh đi tiểu như bình thường nhưng người bệnh sẽ không có cảm giác buồn tiểu khi “bàng quang” đầy nên phải đi tiểu thường xuyên để tránh rò rỉ nước tiểu.

Các rủi ro của phẫu thuật gồm có nhiễm trùng, hình thành cục máu đông và tổn thương các cơ quan lân cận. Người bệnh còn có thể bị đau và gặp vấn đề về chức năng tình dục sau phẫu thuật.

Hóa trị

Thuốc hóa trị được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch định kỳ trong thời gian vài tháng. Hóa trị có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp cho việc cắt bỏ khối u được dễ dàng hơn. Phương pháp này gọi là hóa trị tân bổ trợ.

Hóa trị cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ) để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.

Trong những trường hợp không thể phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định mình hóa trị hoặc hóa trị kết hợp với xạ trị làm phương pháp điều trị chính. Các tác dụng phụ của hóa trị gồm có buồn nôn, rụng tóc, chán ăn, mệt mỏi, giảm trí nhớ.

Xạ trị

Ung thư bàng quang đa phần được điều trị bằng phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài. Người bệnh thường phải xạ trị 5 ngày một tuần trong vòng vài tuần. Chùm tia phóng xạ tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị nhưng cũng có thể được sử dụng một mình nếu người bệnh không thể dung nạp thuốc hóa trị. Một số tác dụng phụ của xạ trị gồm có kích ứng da và mệt mỏi.

Xạ trị cũng có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng bệnh.

Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch

Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch là một loại liệu pháp miễn dịch. Phương pháp điều trị này dựa vào chính hệ miễn dịch để điều trị ung thư. Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch thường được tiêm tĩnh mạch 2 hoặc 3 tuần một lần. Các tác dụng phụ gồm có mệt mỏi, buồn nôn và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Chăm sóc giảm nhẹ

Bác sĩ có thể kê thuốc và các phương pháp điều trị khác để giúp kiểm soát các triệu chứng, tác dụng phụ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Biến chứng của ung thư bàng quang giai đoạn 3

Nếu không điều trị hoặc nếu điều trị thất bại, ung thư bàng quang giai đoạn 3 sẽ tiếp tục tiến triển và lan đến các cơ quan ở xa.

Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang giai đoạn 3

Tiên lượng của mỗi bệnh nhân là khác nhau vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể
  • loại ung thư bàng quang và cấp độ khối u
  • ung thư lần đầu hay ung thư tái phát
  • phác đồ điều trị và đáp ứng điều trị

Theo dữ liệu được tổng hợp từ năm 1988 đến năm 2001, tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối của người bị ung thư bàng quang giai đoạn 3 là khoảng 46%. (1) Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, các phương pháp điều trị ung thư đã có rất nhiều thay đổi và hiệu quả hơn. Nhờ đó mà người mắc bệnh ung thư hiện nay có tuổi thọ cao hơn so với trước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *