Xét nghiệm độ pH nước tiểu giúp đánh giá mẫu nước tiểu có tính axit hay tính bazơ (kiềm). Đây là một xét nghiệm đơn giản và không xâm lấn.
Xét nghiệm độ pH nước tiểu cho biết điều gì?
Nhiều bệnh lý, chế độ ăn uống và thuốc men có thể ảnh hưởng đến độ axit hoặc bazơ của nước tiểu. Chẳng hạn, độ pH nước tiểu quá cao hoặc quá thấp có thể là dấu hiệu của sỏi thận.
Nếu độ pH nước tiểu gần như ở mức cao nhất hoặc thấp nhất trên thang đo, bạn sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
Tóm lại, độ pH nước tiểu là một chỉ số cho biết tình trạng sức khỏe tổng thể và có thể giúp phát hiện một số tình trạng bệnh lý. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem độ pH bình thường của nước tiểu là bao nhiêu, khi nào cần làm xét nghiệm và ý nghĩa kết quả xét nghiệm.
Độ pH nước tiểu bình thường là bao nhiêu?
Độ pH bằng 7,0 là mức trung tính. Độ pH nước tiểu bình thường có thể dao động trong khoảng từ 4,5 – 8,0 và độ pH trung bình là khoảng 6,0.
Độ pH càng cao thì nước tiểu càng có tính bazơ mạnh. Mặt khác, độ pH càng thấp thì nước tiểu càng có tính axit mạnh.
Tại sao cần làm xét nghiệm độ pH nước tiểu?
Sỏi thận thường hình thành trong môi trường có tính axit hoặc bazơ cao. Vì vậy nên xét nghiệm nước tiểu đo độ pH sẽ giúp xác định nguy cơ sỏi thận. Sỏi thận là những khối rắn hình thành do khoáng chất kết tinh và tích tụ trong thận, gây đau đớn và ngăn cản dòng nước tiểu chảy qua thận cũng như đường tiết niệu.
Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến độ pH của nước tiểu. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm độ pH nước tiểu để xác định xem thuốc có làm tăng tính axit của nước tiểu hay không.
Độ pH nước tiểu còn giúp bác sĩ kê thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu một cách phù hợp.
Chuẩn bị trước xét nghiệm độ pH nước tiểu
Nếu bạn đang dùng các loại thuốc hay thực hẩm chức năng có ảnh hưởng đến độ pH của nước tiểu thì sẽ phải tạm ngừng trước khi làm xét nghiệm. Một số ví dụ gồm có:
- Acetazolamide – thuốc được dùng để điều trị bệnh tăng nhãn áp, động kinh và một số bệnh khác
- ammonium chloride – một thành phần trong một số loại thuốc ho
- methenamine mandelate – thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
- potassium citrate (kali citrat) – thuốc được dùng để điều trị bệnh gút và sỏi thận
- sodium bicarbonate (natri bicacbonat) – thuốc được dùng để điều trị chứng ợ nóng
- Thuốc lợi tiểu thiazid – nhóm được sử dụng để điều trị cao huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim
Thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng đến độ pH của nước tiểu. Trước khi làm xét nghiệm, bạn có thể hỏi bác sĩ xem có cần phải kiêng loại thực phẩm nào không để đảm bảo xét nghiệm cho kết quả chính xác. Xét nghiệm độ pH nước tiểu sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng cũng như những thay đổi về độ pH.
Xét nghiệm độ pH nước tiểu được thực hiện như thế nào?
Để có kết quả chính xác, bạn cần lấy mẫu nước tiểu giữa dòng để làm xét nghiệm độ pH nước tiểu.
Hãy vệ sinh sạch vùng sinh dục trước khi lấy nước tiểu và đi tiểu một ít vào trong bồn cầu rồi sau đó mới bắt đầu lấy nước tiểu. Cách này được gọi là lấy nước tiểu giữa dòng. Phương pháp lấy nước tiểu giữa dòng giúp tránh mẫu nước tiểu bị lẫn vi sinh vật và tế bào trên da. Điều này sẽ dẫn đến kết quả xét nghiệm không chuẩn xác.
Bạn sẽ được phát lọ đựng vô trùng để đựng mẫu nước tiểu. Chú ý không chạm tay vào phần bên trong lọ, trong quá trình lấy nước tiểu không để miệng lọ tiếp xúc với da và không để bất cứ thứ gì ngoài nước tiểu lọt vào trong lọ để tránh làm nhiễm bẩn mẫu nước tiểu.
Sau khi lấy đủ lượng nước tiểu, hãy nộp lại mẫu theo hướng dẫn. Mẫu nước tiểu sẽ được đem đến phòng xét nghiệm để đo độ pH và các chỉ số khác.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm
Nếu nước tiểu có độ pH thấp hơn bình thường thì đây là môi trường lý tưởng cho sự hình thành sỏi thận. Nước tiểu có tính axit cao còn có thể là dấu hiệu của:
- nhiễm toan (nhiễm độc axit)
- nhiễm toan ceton – tình trạng xảy ra khi ceton (một loại axit) tích tụ trong máu, đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
- bệnh tiêu chảy
- mất nước
- thiếu dinh dưỡng
Độ pH nước tiểu cao hơn bình thường có thể chỉ ra:
- lượng axit trong dạ dày thấp, điều này có thể xảy ra do hút dịch dạ dày –thủ thuật đưa ống thông qua đường mũi hoặc miệng và dạ dày để hút dịch trong dạ dày
- tắc nghẽn môn vị (lỗ mở giữa dạ dày và ruột non)
- suy thận
- toan hóa ống thận, xảy ra khi thận bị tổn thương và không thể loại bỏ axit ra khỏi nước tiểu một cách hiệu quả
- kiềm hô hấp, xảy ra khi nồng độ carbon dioxide và oxy trong máu bị mất cân bằng
- nhiễm trùng đường tiết niệu
- nôn mửa
Chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến tính axit hay bazơ của nước tiểu. Ví dụ, khi ăn ít thịt và nhiều trái cây, rau củ, nước tiểu sẽ có tính bazơ cao hơn. Mặt khác, khi ăn nhiều thịt thì nước tiểu lại tăng tính axit.
Rủi ro của xét nghiệm độ pH nước tiểu
Xét nghiệm độ pH nước tiểu hoàn toàn không xâm lấn, tất cả những gì bạn cần làm là lấy mẫu nước tiểu. Do đó, xét nghiệm này rất an toàn và không có bất cứ rủi ro nào. Bạn có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi xét nghiệm.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy độ pH của nước tiểu quá cao hoặc quá thấp thì có thể bạn sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận và các vấn đề khác.