Những người nhiễm HIV sẽ bị bệnh zona thần kinh nặng hơn bình thường và cũng có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.
Những điều cần biết về bệnh zona thần kinh ở người nhiễm HIV
Zona thần kinh là gì?
Zona hay zona thần kinh (dân gian còn gọi là bệnh giời leo) là bệnh do virus varicella zoster (VZV) gây ra. Đây cũng là loại virus gây bệnh thủy đậu. Bất kỳ ai nhiễm virus này đều sẽ bị thủy đậu và sau đó khoảng vài chục năm có thể bị bệnh zona thần kinh. Chỉ những người đã từng bị thủy đậu mới bị zona thần kinh.
Nguy cơ mắc bệnh zona sẽ tăng lên khi có tuổi, đặc biệt là sau tuổi 50. Một phần nguyên nhân là do lúc này, hệ miễn dịch đãb bị suy yếu.
Nguy cơ bị zona thần kinh sẽ tăng lên rất nhiều khi nhiễm HIV vì virus làm suy giảm hệ miễn dịch.
Các triệu chứng của zona thần kinh
Triệu chứng ban đầu của bệnh zona thần kinh là da trở nên tăng nhạy cảm hoặc có cảm giác đau rát, ngứa, căng da, nóng, châm chích, nhức dai dẳng hoặc nhói ở một bên của cơ thể. Sau đó khoảng 1 – 3 ngày, những vùng da này sẽ nổi các mảng mụn nước tấy đỏ, sưng lên, nằm dọc theo đường đi của dây thần kinh ngoại biên. Ban đầu, các mụn nước chứa chất dịch trong và sau đó chuyển đục, hóa mủ rồi vỡ ra, khô lại và đóng vảy. Lớp vảy sẽ bắt đầu bong dần sau khoảng một tuần. Toàn bộ quá trình này có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần, đi kèm cảm giác ngứa ngáy, đau đớn, nóng rát, châm chích và cảm giác giật từng cơn ở vùng da nổi mụn nước. Vảy bong ra sẽ để lại các đốm trắng nhỏ trên da và đôi khi còn để lại sẹo.
Nhiều người vẫn cảm thấy đau sau khi đã hết mụn nước. Đây là tình trạng được gọi là “đau dây thần kinh sau zona”, có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm.
Các triệu chứng khác của zona thần kinh còn có sốt, buồn nôn và tiêu chảy. Bệnh này cũng có thể xảy ra xung quanh mắt, gây đau đớn, khó chịu và có thể làm tổn thương mắt.
Khi gặp các dấu hiệu của bệnh zona thần kinh thì cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Điều trị kịp thời sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây zona thần kinh
Như đã nói bên trên, zona thần kinh là do nhiễm virus varicella zoster. Sau khi một người khỏi bệnh thủy đậu, virus sẽ vẫn tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động. Hệ miễn dịch sẽ giữ cho virus luôn ở trạng thái này. Nhiều năm sau, thường là khi trên 50 tuổi, virus có thể hoạt động trở lại. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ra điều này nhưng kết quả sẽ là bệnh zona thần kinh.
Có hệ miễn dịch suy yếu sẽ làm tăng nguy cơ bị zona sớm hơn. Bệnh này có thể tái phát nhiều lần.
Nếu chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc đã tiêm vắc-xin thì sao?
Bệnh zona thần kinh không lây từ người sang người. Và những người chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc đã tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu sẽ không thể bị bệnh zona.
Tuy nhiên, virus varicella zoster gây bệnh zona có thể lây truyền. Một người có thể bị nhiễm virus khi tiếp xúc với các mụn nước trên cơ thể người bệnh và sau đó bị bệnh thủy đậu.
Một số biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm virus varicella zoster:
- Cố gắng tránh tiếp xúc với những người bị bệnh thủy đậu hoặc bệnh zona thần kinh, đặc biệt là những vùng có mụn nước.
- Tiêm vắc-xin.
Có hai loại vắc-xin ngừa bệnh zona thần kinh. Loại vắc-xin mới nhất có chứa virus bất hoạt, có nghĩa là sẽ không gây bệnh và do đó có thể tiêm được cho những người có hệ miễn dịch suy yếu. Loại vắc-xin trước đây có chứa virus còn hoạt động và sẽ không an toàn cho những trường hợp này.
Biến chứng của bệnh zona ở người nhiễm HIV
Những người nhiễm HIV sẽ bị bệnh zona thần kinh nặng hơn bình thường và cũng có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.
Bệnh lâu khỏi
Các tổn thương trên da do zona thần kinh sẽ kéo dài hơn và dễ để lại sẹo. Hãy chú ý giữ da sạch sẽ và tránh tiếp xúc với các mầm bệnh khác. Những vùng da tổn thương sẽ rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Zona lan tỏa
Trong hầu hết trường hợp, các đám mụn nước do bệnh zona thần kinh xuất hiện ở cổ, vai, gáy và mặt trong cánh tay. Nhưng ở một số người, mụn nước lan rộng ra trên một vùng lớn hơn nhiều. Dạng này được gọi là zona lan tỏa và thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Ngoài nổi mụn nước, zona lan tỏa còn có các triệu chứng khác như đau đầu và nhạy cảm với ánh sáng. Những trường hợp nặng có thể phải nhập viện điều trị, nhất là những người nhiễm HIV.
Đau kéo dài
Tình trạng đau dây thần kinh sau zona có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Tái phát
Những người nhiễm HIV sẽ có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh mãn tính cao hơn. Bất kỳ ai bị HIV và nghi ngờ mình bị zona thần kinh nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Cách chẩn đoán bệnh zona
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh zona thần kinh bằng cách thăm khám lâm sàng, bao gồm cả kiểm tra mắt xem liệu mắt có bị ảnh hưởng hay không.
Nếu mụn nước lan rộng trên một vùng cơ thể lớn hoặc có biểu hiện khác thường thì sẽ khó chẩn đoán hơn. Những trường hợp này sẽ cần lấy một mẫu da ở vùng tổn thương rồi gửi đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy hoặc phân tích dưới kính hiển vi.
Các phương pháp điều trị bệnh zona
Dù ở người nhiễm HIV hay không nhiễm HIV thì bệnh zona thần kinh đều được điều trị giống nhau. Các phương pháp điều trị gồm có:
- Bắt đầu sử dụng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt để giảm bớt các triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh
- Dùng thuốc giảm đau để làm dịu cảm giác đau đớn
- Bôi kem dưỡng da để loại kem giảm ngứa. Tránh các dưỡng có chứa cortisone
- Chườm mát để giảm đau rát
Những trường hợp bị zona ở mắt có thể dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid để giảm viêm.
Khi vùng tổn thương có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì cần đi khám để bác sĩ kiểm tra.
Ở những người bị nhiễm HIV, bệnh zona thần kinh thường sẽ nghiêm trọng hơn và lâu khỏi hơn bình thường. Tuy nhiên, đa số đều sẽ khỏi bệnh mà không gặp phải biến chứng nào về lâu dài.